23/05/2018 11:04 GMT+7

Chẳng lẽ TP.HCM cứ ngập hoài sao?

NGUYỄN MINH HÒA
NGUYỄN MINH HÒA

TTO - TP.HCM cần tính đến những giải pháp căn cơ, bài bản hơn, lâu dài hơn, không thể chắp vá, đối phó ăn đong mãi được. Chẳng lẽ TP.HCM cứ mưa là ngập hoài sao?

Chẳng lẽ TP.HCM cứ ngập hoài sao? - Ảnh 1.

Nước ngập sâu trên đường Hồ Học Lãm, P.An Lạc, Q.Bình Tân (TP.HCM) trong cơn mưa tối 19-5 - Ảnh: HỮU KHOA

Lịch sử chống ngập nước ở TP.HCM đầy tính đối phó theo kiểu mùa vụ và sự vụ: trũng chỗ nào nâng chỗ đó, tắc chỗ nào moi chỗ đó, ngập chỗ nào hút chỗ đó...

Năm nào thành phố cũng có một vài sáng kiến mới, giải pháp mới, công cụ mới để chống ngập, nhưng không hiệu quả. 

Trong khi đó, ở xứ khác, người ta dự báo xa hàng chục, thậm chí hàng trăm năm rồi xây dựng các phương án đón đầu. Chẳng hạn hệ thống cống thoát nước của Paris xây dựng từ thời Napoleon đệ nhất (1800) nhưng đến nay vẫn xài tốt.

Giải pháp đối phó tăng theo mực nước

Có những công trình tốn hàng ngàn tỉ nhưng chưa nghiệm thu đã lạc hậu như hệ thống cống thoát nước quá nhỏ. 

Hệ thống cống này được thiết kế cho các trận mưa có lượng mưa dưới 100mm, nhưng nay các trận mưa hầu hết là từ 120mm đến hơn 200mm nên không thu hết nước mưa. Đó là chưa nói nếu cùng lúc có nước triều dâng chỉ còn nước bó tay!

Các giải pháp đối phó cứ tăng dần theo mực nước từng năm. Những năm đầu là nạo vét cống, khai thông mương rãnh, rồi tiến dần đến nâng đường trục, đường hẻm. Rồi tiếp theo nữa là làm cống lớn thay cống nhỏ, lắp hệ thống cửa van đóng mở hai chiều. 

Rồi tiến đến hiện đại hóa bằng hồ điều tiết công nghệ Nhật Bản, máy bơm cực khủng có khả năng hút được 100.000m3/giờ, hệ thống cống ngăn triều "mang tầm thế kỷ". 

Và trong tương lai không xa, một hệ thống tuyến đê bao trên biển hiện đại hơn cả Hà Lan sẽ được xây dựng ở Vũng Tàu nhằm cứu TP.HCM...

Mỗi năm có hàng chục cuộc hội thảo của các nhà khoa học, rất nhiều đối sách của các cơ quan chức năng. 

Và cũng từng ấy năm, người dân được nghe không biết bao nhiêu là tuyên ngôn chắc nịch rằng năm tới các điểm ngập sẽ giảm dần, rằng 4 năm nữa thành phố này sẽ "khô rang". Nhưng thực tế đã làm người dân cứ đi từ hi vọng này đến thất vọng khác.

Không biết chống ngập kiểu gì mà nước ngập năm sau rộng hơn, nhiều hơn, sâu hơn, lâu hơn năm trước, trong khi tiền bỏ ra nhiều hơn năm trước! Còn người dân cũng thay đổi phương thức chống ngập theo phương châm "thích nghi để tồn tại". 

Ban đầu ngập ít, dân làm vách ngăn bằng bao cát, hè nhau tát nước bằng chậu thau. Sau ngập nhiều hơn thì mua máy bơm chuyển nước từ trong nhà ra đường. 

Nước lên cao quá thì bắt đầu nâng hẻm, nâng sân, nâng nền, nâng riết rồi mất luôn tầng trệt! Đến lúc chán, nhiều người khỏi chống ngập luôn, ngồi chồm hổm trên mặt nước ăn cơm, uống cà phê chung với rác rến ngập ngụa, cắn răng chịu đựng.

Mong chờ giải pháp căn cơ

Vẫn biết việc chống ngập ở một thành phố lớn, nhiều triệu dân ở ngay sát sông, sát biển trong bối cảnh biến đổi khí hậu thất thường là khó, nhưng trên thế giới loại thành phố "cận giang" như Sài Gòn có đến hàng ngàn. 

Thậm chí có hàng chục thành phố nằm dưới mức nước sông trong điều kiện bình thường, nhưng số thành phố chịu cảnh "ngập nước gia tăng" theo từng năm như Sài Gòn không có nhiều. Nếu có thì chỉ những lúc bão lụt bất thường, chứ đâu như Sài Gòn hễ mưa là ngập.

Đã có không ít cơ quan quốc tế, các nhà khoa học có hiểu biết đánh giá việc chống ngập ở Sài Gòn từ xưa đến nay vừa lẻ mẻ, vụn vặt, vừa tốn tiền, lãng phí mà lại không hiệu quả. Nếu cộng dồn thì số tiền chi cho chống ngập lên đến nhiều tỉ đôla. 

Với số tiền đó hoàn toàn có thể làm được một hệ thống hầm ngầm chống ngập như của Tokyo. Trước năm 2000, Tokyo cũng khốn khổ vì nước ngập. Nhưng từ khi họ xây dựng hệ thống hầm chứa và luôn chuyển nước khổng lồ dưới lòng đất thì Tokyo không bao giờ ngập nữa.

Vì vậy, TP.HCM cần tính đến những giải pháp căn cơ, bài bản hơn, lâu dài hơn, không thể chắp vá, đối phó ăn đong mãi được.

Đường ngập gần hết bánh xe, Sở GTVT nói chỉ là "tụ nước" Đường ngập gần hết bánh xe, Sở GTVT nói chỉ là 'tụ nước'

TTO - Cơn mưa tối 19-5 được xem là trận mưa lịch sử từ đầu mùa mưa 2018 khiến hàng loạt tuyến đường TP.HCM ngập nặng nhưng theo báo cáo của Sở GTVT thì chỉ có 10 tuyến đường ngập.

NGUYỄN MINH HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên