Bệnh viện Dã chiến Củ Chi tiếp nhận một trường hợp nhiễm COVID-19 (tình huống giả định) - Ảnh: XUÂN MAI
Sở Y tế TP.HCM cho biết trước tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, ngành y tế phải luôn sẵn sàng cho tình huống khẩn cấp khi dịch bệnh bùng phát, đảm bảo công tác điều trị đạt hiệu quả cao nhất, hạn chế thấp nhất tỉ lệ tử vong.
Vì thế sở đã vừa xây dựng kế hoạch tổng thể về thu dung điều trị khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát theo các kịch bản dưới 100 ca, từ 100 đến 200 ca và từ 200 ca đến 500 ca. Cụ thể như sau:
Tình huống một: Thành phố ghi nhận dưới 100 ca dương tính kèm tối đa 870 trường hợp nghi nhiễm, có triệu chứng cần cách ly điều trị và tối đa 32 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.
Lúc này sẽ có 4 bệnh viện thu dung điều trị bệnh nhân gồm các bệnh viện Dã chiến Củ Chi, Điều trị COVID-19 Cần Giờ, Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng thành phố. Tổng số giường là 970, trong đó có 32 giường hồi sức, 37 giường đặt trong buồng áp lực âm và 42 máy thở.
Tình huống hai: Số ca nhiễm tăng từ 100 đến 200 ca dương tính kèm tối đa 1.244 trường hợp nghi nhiễm, có triệu chứng cần cách ly điều trị, tối đa 86 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.
Ngoài 4 bệnh viện trên sẽ tăng công suất giường lên tối đa, có thêm Bệnh viện Nhi đồng 2 hỗ trợ. Tổng số giường lúc này là 1.444 giường bệnh, trong đó có 86 giường hồi sức, 59 giường đặt trong buồng áp lực âm và 86 máy thở.
Tình huống ba: Toàn thành phố ghi nhận 200 - 500 ca dương tính kèm tối đa 2.785 trường hợp nghi nhiễm, có triệu chứng cần cách ly điều trị và tối đa 172 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.
Tình huống này sẽ có thêm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch bên cạnh 5 bệnh viện nêu trên tiếp nhận điều trị bệnh nhân. Khi thành phố đã sử dụng hết cơ số giường bệnh tại các bệnh viện được Sở Y tế phân công sẽ tiếp tục huy động các số giường cách ly tại khu cách ly của các bệnh viện còn lại.
Lúc này tổng số giường là 3.258, trong đó có 172 giường hồi sức, 82 giường đặt trong buồng áp lực âm và số máy thở là 192.
Sở Y tế cho biết thêm hiện Bệnh viện Dã chiến Củ Chi và Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ là hai cơ sở chủ lực được phân công điều trị các bệnh nhân nhẹ, không triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ (không cần hỗ trợ hô hấp) với quy mô 900 giường.
Nhân sự tại 2 bệnh viện này là từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới và luân phiên từ các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế, do Sở Y tế điều phối. Nếu có bệnh nhân nặng, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới sẽ sẵn sàng 10 giường hồi sức tích cực cùng kỹ thuật ECMO. Việc vận chuyển bệnh nhân nặng do Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm.
Để đảm bảo năng lực xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2, Sở Y tế đề nghị những bệnh viện nào chưa được công nhận đủ năng lực cần khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, gửi báo cáo khắc phục đến Viện Pasteur TP.HCM để thẩm định, xem xét.
Đồng thời, các bệnh viện cũng chuẩn bị sẵn sàng vật tư tiêu hao, thuốc, hóa chất, phương tiện phòng hộ cho nhân viên y tế, đảm bảo công tác xét nghiệm chẩn đoán, điều trị và phòng kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh.
Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Chợ Rẫy thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 theo yêu cầu của Bộ Y tế để tăng cường hỗ trợ các bệnh viện khi tiếp nhận, điều trị các trường hợp dương tính nặng, cần hồi sức cấp cứu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho hay đã 9 ngày qua (từ ngày 11-2) thành phố không phát hiện trường hợp lây nhiễm mới trong cộng đồng và cơ bản đã kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan đến nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất. Tuy nhiên, nguy cơ dịch vẫn còn thường trực, đặc biệt sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Để tăng cường giám sát người ở các tỉnh thành khác đến TP.HCM sau Tết Nguyên đán, thành phố tiếp tục triển khai tiếp nhận khai báo, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp đến từ các tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội, các ổ dịch đang được theo dõi, giám sát.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận