Ông Lý Nhơn Thành - bảo vệ ở quận 1, TP.HCM, vay tiền ngân hàng tự chế xe chữa cháy mini sử dụng trong hẻm nhỏ. Sáng kiến của ông được trao giải ba - Ảnh: T.HÂN
Sáng 26-12, Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM vinh danh 14 sáng kiến vì cộng đồng năm 2018. Đây là cuộc thi tìm kiếm các sản phẩm, mô hình, giải pháp sáng tạo có tính ứng dụng cao, giải quyết vấn đề của đời sống hằng ngày.
Vòng chung kết năm nay chứng kiến sức sáng tạo đến từ nhiều lĩnh vực, ngành nghề như giáo dục, phương tiện di chuyển, công nghệ thông tin, may mặc, tự động hóa trong nông nghiệp, phòng cháy chữa cháy, tái chế...
Xuất phát từ bài toán thực tế, công nhân, bảo vệ, giáo viên, học sinh, sinh viên chủ động cải tiến, thử nghiệm tại nơi làm việc, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho tập thể.
Qua nhiều vòng bình chọn, sáng kiến "Đổi mới phương pháp dạy để tiết học trở nên thú vị, học sinh không nhàm chán" của giáo viên Lê Thiên Phúc, bộ môn sinh và công nghệ Trường THPT Phú Nhuận, được xướng tên giải nhất.
Thay vì bài kiểm tra một tiết, thầy Phúc vận dụng tiết dạy STEM để học sinh tự thực hiện bữa tiệc an toàn vệ sinh thực phẩm, sáng tạo, dinh dưỡng, trải nghiệm các kỹ năng nấu nướng, hậu cần, tổ chức. Sáng kiến tạo hứng thú, tính chủ động cho học sinh, nhận được hàng ngàn lượt yêu thích trên mạng xã hội.
Các giải nhì thuộc về áo chống nắng đa năng làm từ xơ tre của nhóm sinh viên ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, thiết kế sách lịch sử cấp 3 của học trò Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, chế tạo máy bóc 3.000 vỏ trứng mỗi giờ của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.
Ban tổ chức cũng trao 3 giải ba, 7 giải khuyến khích cho tập thể, cá nhân thực hiện sáng kiến.
Dịp này, báo Tuổi Trẻ cũng nhận giải tác phẩm báo chí ấn tượng nhất do cộng đồng bình chọn với tác phẩm Cậu học trò chuyên Anh thiết kế sách lịch sử cấp 3 của tác giả Thảo Thương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận