
Ròm - thước phim thanh xuân của nhiều người trẻ ở TP.HCM, được quay ở nhiều bối cảnh quen thuộc trong đó có chợ Bình Tây - Ảnh: ĐPCC
Hình ảnh đô thị TP.HCM xuất hiện dày đặc trong điện ảnh Việt Nam trong 15 năm trở lại đây, một phần do giới làm phim đa số sống, làm việc và gắn bó với thành phố này - "thành phố điện ảnh" chưa chính thức của Việt Nam. Những nhà làm phim đưa chính cuộc đời của mình hoặc những người xung quanh vào phim.
TP.HCM trong điện ảnh Việt hiện nay được mô tả là một nơi đầy năng động với các cú máy flycam quay các tòa nhà cao tầng bề thế, mang tính biểu tượng như Landmark 81 và Bitexco.
Nhưng đó chỉ là khi mô tả thoáng qua, còn hầu hết các bộ phim "thọc sâu" vào những con hẻm nhỏ của người dân lao động để kể những câu chuyện mưu sinh nhọc nhằn, những mâu thuẫn gia đình éo le.
Dung chứa mọi mảnh đời
Phim Mai lấy bối cảnh chính trong một khu chung cư cũ, nơi Mai (Phương Anh Đào) và Dương (Tuấn Trần) sinh sống. Bối cảnh này mang nét cũ kỹ, hơi hoài cổ nhưng không theo nét lãng mạn hóa mà gần gũi hiện thực, khá xuống cấp với cầu thang chật hẹp, hành lang tối. Các căn hộ nhỏ và nội thất hơi xập xệ - hình ảnh quen thuộc của các khu chung cư cũ tại TP.HCM.
Đường và hẻm ở TP.HCM cũng là một chất liệu điện ảnh quen thuộc. Các cảnh quay đi đường cho thấy những con hẻm đông đúc, xe máy tấp nập và nhịp sống hối hả của TP.HCM hiện đại, xen lẫn với một vài góc đường yên tĩnh hơn nơi Mai và Dương hò hẹn, chở nhau đi dạo bằng chiếc xe máy và ngắm nhìn thành phố về đêm trên con đường nhỏ Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1) rợp bóng cây.
Và một bối cảnh rất quen thuộc khác là bờ sông Sài Gòn ven đường Tôn Đức Thắng ở trung tâm, nhìn ra cây cầu Ba Son là nơi họ có cuộc chia tay đẫm nước mắt.
TP.HCM trong Mai và nhiều phim điện ảnh Việt khác không hẳn chỉ là thành phố của sự xa hoa, giàu có (dù có những cảnh phim diễn ra ở bối cảnh nhà giàu) mà là nơi ẩn chứa những mảnh đời đầy thử thách, phức tạp.
Những khu chung cư cũ là biểu tượng cho người dân lao động, những khối tường dày của quá khứ, định kiến xã hội, cô đơn và những bí mật tăm tối. Lằn ranh quá khứ và hiện tại cũng được tô đậm qua bối cảnh này. Nhiều mâu thuẫn giữa con người với nhau tương phản với lối sống hối hả, hiện đại.

Là phim ăn khách nhất phòng vé Việt hiện tại, Mai đưa hình ảnh TP.HCM bình dân đến với đông đảo khán giả: chung cư cũ, quán ăn đêm, đường phố, bờ sông Sài Gòn… - Ảnh: ĐPCC
Địa điểm chính của câu chuyện trong phim Ròm - phim đoạt giải New Current tại Liên hoan phim quốc tế Busan 2019 - là khu chung cư cũ ở Thanh Đa - trùng bối cảnh với Cầu thang tối, một trong những phim truyền hình tiêu biểu thời kỳ trước của TP.HCM.
Ròm cũng kể về người dân lao động, đặc biệt là lao động trẻ em, những mảnh đời bất hạnh mồ côi hoặc bị bố mẹ bỏ rơi, phải tự mưu sinh giữa đời sống khắc nghiệt của đô thị.
Không chỉ trong Mai, Ròm mà trong nhiều phim điện ảnh như Bố già, Con Nhót mót chồng, Nhà bà Nữ hay xa hơn trước đây là Hot boy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt, Em là bà nội của anh, Sài Gòn trong cơn mưa, Sài Gòn anh yêu em, Cô Ba Sài Gòn, Cua lại vợ bầu, Mắt biếc…, TP.HCM vừa là nơi người ta trốn chạy vừa là nơi người ta tìm thấy cơ hội mới.
Điều này thể hiện sự bao dung và tính đa dạng của đô thị. Nơi này dung chứa tất cả mọi người: người lao động nghèo từ các miền quê, những kẻ lừa đảo bỏ trốn đến những người trẻ khao khát thay đổi cuộc đời.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói anh yêu TP.HCM đến mức 100% phim của anh lấy bối cảnh ở đây. TP.HCM như một nhân vật của anh, hơn cả một nơi chốn.
"100% phim của tôi đều làm về thành phố này vì đây là nơi tôi yêu nhất, hiểu nhất, là nơi tôi bắt đầu và cho tôi tất cả mọi thứ. Sài Gòn với tôi cũng giống như là quê hương" - anh nói với Tuổi Trẻ.
Hình ảnh TP.HCM đậm chất bình dân trong phim Vũ Ngọc Đãng do cuộc sống của anh chính là như vậy. Anh hầu như tự lập khi "lên Sài Gòn" học, không có tiền nên toàn thuê nhà trong hẻm hay chung cư cũ để ở.
Anh từng ở khu công viên 23-9 ngày xưa sắp giải tỏa nên rất rẻ, thuê một căn 400.000 đồng một tháng mà ở 8-9 đứa nên mỗi đứa đóng 50.000 đồng. Chỉ 50.000 đồng mỗi tháng nhưng nhiều khi cũng không có trả. Cứ đợt nào không có tiền nhà là anh ra ngoài từ sáng sớm, về khi tối mịt, bao giờ kiếm đủ trả tiền nhà mới dám đi về bình thường.
"Khu này nhiều người nghèo nên mua gì cũng trả góp nhưng cách sống rất hay, có đồ ăn đều mang qua cho nhau. Sống ở xóm nghèo rất dễ thương, vì ai cũng ráp ráp lại với nhau để sống" - nhờ đó mà nhà làm phim có tư liệu, có câu chuyện cuộc đời để sau này đưa vào thật nhiều bộ phim.

Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng nói anh yêu TP.HCM đến mức 100% phim của anh lấy bối cảnh thành phố này
"Sài Gòn là thiên đường phải không?" là một câu thoại ngây thơ của nhân vật mới "lên Sài Gòn" trong Hot boy nổi loạn và với Vũ Ngọc Đãng "Sài Gòn là thiên đường thật mà".
Anh nói: "Đây là một nơi mà ai cũng có thể thành công. Những người bạn của tôi hồi xưa ở dưới quê lên trong túi không có đồng xu cắc bạc nào hết, ăn bánh mì phải thiếu hai tháng trời mới có tiền trả, đúng nghĩa tay trắng luôn. Mà giờ nhiều người đã thành công rồi.
Sài Gòn không bao giờ hỏi những câu như: Mày là con ai, cháu ai, mày có gì? Nơi đây đón nhận tất cả những ai tay trắng tới đây và cho họ sự thành công miễn là họ cố gắng đi đúng đường và đàng hoàng tử tế. Đến bây giờ, Sài Gòn vẫn vậy".
Khi Vũ Ngọc Đãng học trường điện ảnh, các thầy cô cũng không hỏi gia đình anh có ai trong nghề này không. Anh tay trắng, tứ cố vô thân mà vẫn thi đậu.
Nhiều bạn bè trong lớp cũng vậy. Thành phố mở rộng vòng tay chào đón tất cả mọi người, sau đó tùy tính cách mà họ thành công hay thất bại.
Vì sao là xóm nhỏ, hẻm nhỏ chứ không phải những bộ mặt sang trọng, hoành tráng hơn của đại đô thị này?
Đó là bởi người đạo diễn làm phim về những điều họ hiểu và yêu. Vũ Ngọc Đãng rất yêu thành phố này, một thành phố bình dân, ấm áp. Nhiều đạo diễn Việt Nam cũng nhiều người xuất thân từ gia đình giàu, còn nếu có xuất thân như thế thì họ sẽ làm về tầng lớp của họ.
Giống như Vũ Ngọc Đãng, Trấn Thành cũng là một đạo diễn chuyên lấy TP.HCM làm "nhân vật", ngoài Mai còn có Bố già với đời sống trong hẻm chật chội, lụp xụp, "ngụp lặn" trong triều cường ở quận 4; Nhà bà Nữ với một trong những bối cảnh chính là quán bánh canh cua nổi tiếng đắt đỏ ở Thủ Đức - được coi là vùng ngoại ô, nơi thường ít được chọn đưa vào phim.

Cô Ba Sài Gòn không hẳn là một phim hay nhưng cũng tạo nên cơn sốt một thuở về phong cách thời trang Sài Gòn xưa - Ảnh: ĐPCC
Sài Gòn xưa, hình dung văn hóa khó quên
Trong các bộ phim về TP.HCM, Sài Gòn xưa không phải là một hình ảnh xa lạ của quá khứ mà ngược lại khá "trendy" và phổ biến. Giống như xu hướng Sài Gòn xưa trong cách ăn mặc và thiết kế biển hiệu, quán xá hôm nay, phim ảnh cũng đưa hình ảnh Sài Gòn xưa vào câu chuyện, gợi nên sự gần gũi, hoài cổ như Cô Ba Sài Gòn và Song Lang.
Cô Ba Sài Gòn của nhà sản xuất Ngô Thanh Vân gây sốt vì phong cách thời trang retro của dàn nhân vật, tạo cơn sốt về phong cách này cách đây tám năm.
Đồng thời trong phim, hình ảnh Sài Gòn thập niên 1960 và TP.HCM được xây dựng đối lập để tôn vinh vẻ đẹp của áo dài truyền thống, đồng thời phản ánh sự thay đổi qua thời gian. Sài Gòn xưa có những hàng cây xanh mát và các tòa nhà kiến trúc Pháp cổ kính. Đẹp thanh lịch thể hiện qua tiệm may Thanh Nữ, khu chợ, áo dài tung bay trên phố.
Trong khi đó, TP.HCM ngày nay có những tòa nhà cao tầng, trung tâm thương mại và đường phố đông đúc với màu sắc rực rỡ. So với quá khứ, TP.HCM mang vẻ năng động nhưng cũng có phần xa cách. Các nhân vật đối mặt nỗi lo mất đi những giá trị truyền thống. Việc đưa nhân vật Như Ý (Lan Ngọc) xuyên không đến thời hiện đại cũng là cách soi chiếu giá trị nay trong góc nhìn xưa và ngược lại.

Song Lang là phim đoạt giải Phim TP.HCM xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế TP.HCM (HIFF) năm 2024 với hình ảnh TP.HCM vừa thân thuộc, vừa giàu cảm xúc và tính biểu tượng - Ảnh: ĐPCC
Trong phim Song Lang (2018), căn nhà của nhân vật Dũng "Thiên Lôi" (do Liên Bỉnh Phát thủ vai) nằm trong một khu chung cư cũ, rất phổ biến vào thập niên 1980.
Căn nhà khá chật hẹp với bức tường loang lổ, nội thất đơn giản nhưng mang lại cảm giác gần gũi, thân thuộc, đúng với không gian sống của người dân Sài Gòn thời đó. Bên khung cửa sổ có những chậu cây cảnh, bối cảnh nhỏ của một trong những khoảnh khắc mềm mại nhất phim: Dũng và Linh Phụng (Isaac) bâng khuâng bên cửa sổ, nhận ra sự hòa hợp và xao xuyến trong tâm hồn mỗi người.
Đạo diễn Leon Lê từng chia sẻ với người viết bài này rằng anh muốn xây dựng bối cảnh căn nhà của Dũng làm sao để "không trông như quán cà phê". Trên thực tế, nhiều phim trước đây có bối cảnh Sài Gòn các thập niên trước hoặc Sài Gòn xưa thiết kế bối cảnh trông như những quán cà phê giả cổ.
Song Lang cùng một số phim khác sau này đã cố gắng khắc phục nhược điểm đó để tạo dựng hình ảnh Sài Gòn xưa chân thực hơn, gần gũi với hình ảnh bên ngoài mà người dân thường thấy hơn.
Sài Gòn - TP.HCM có dấu ấn đậm đà trong điện ảnh Việt trước đây và đương đại bởi phần đông nhà làm phim Việt Nam lập nghiệp ở đây, có những trải nghiệm cuộc đời đáng nhớ nhất ở đây.
Tiến bộ về giá trị sản xuất, thiết kế bối cảnh của các bộ phim Việt khiến hình ảnh TP.HCM trở nên thật hơn, "đời" hơn, đưa TP.HCM trở thành một "nhân vật", giúp bản sắc của điện ảnh TP.HCM ngày một thành hình và rõ rệt.
Victor Vũ trên trường quay phim mới Thám tử Kiên. Trong mười mấy năm từ khi anh về nước, điện ảnh TP.HCM phát triển vượt bậc - Ảnh: NVCC
Victor Vũ: Điện ảnh thay da đổi thịt cùng thành phố
Trò chuyện với Tuổi Trẻ, đạo diễn Victor Vũ nói vui năm nay kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước và điều trùng hợp là anh cũng tròn 50 tuổi. Anh rất vui khi một năm đặc biệt của mình trùng với một năm đặc biệt của TP.HCM.
Gần đây khi đứng trên tòa Landmark 81 ngắm cảnh cùng vợ mình là diễn viên - nhà sản xuất Đinh Ngọc Diệp, Victor Vũ thấy TP.HCM thực sự thay da đổi thịt rất nhiều so với khi anh mới trở về Việt Nam. Và điều đó cũng được thể hiện qua điện ảnh.
"Tôi trở về Việt Nam làm phim đến nay đã 14-15 năm, tôi thấy điện ảnh TP.HCM ngày càng phát triển mạnh mẽ. Mong rằng điện ảnh sẽ tiếp tục phát triển, như năm nay là một năm rất đáng mừng.
Điện ảnh TP.HCM cũng rất đa dạng, phong phú chứ không chỉ khai thác riêng một tầng lớp nào đó. Có nhiều tiếng nói và màu sắc khác nhau. Khán giả ngày càng được chứng kiến đời sống, văn hóa của TP.HCM trên các bộ phim" - Victor Vũ nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận