18/08/2018 12:56 GMT+7

Song Lang và Chàng vợ của em - Một nỗi buồn đẹp, một tiếng cười khác

MINH TRANG
MINH TRANG

TTO - 'Song Lang' và 'Chàng vợ của em' - hai bộ phim Việt được chờ đợi trong tháng 8, đã lộ diện vào cuối tuần này tại các rạp chiếu.

Song Lang và Chàng vợ của em - Một nỗi buồn đẹp, một tiếng cười khác - Ảnh 1.

Một cảnh phim nhiều cảm xúc khi hai nhân vật Linh Phụng (Isaac - trái) và Dũng (Liên Bỉnh Phát) đàn và hát một bài ca cổ trong Song Lang - Ảnh: ĐPCC

Hai bộ phim - hai màu sắc điện ảnh hoàn toàn khác nhau nhưng có một điểm chung là hứa hẹn sẽ mang đến những trải nghiệm đáng giá cho khán giả.

Song Lang: những người cô đơn tìm thấy nhau

Là dự án đầy tâm huyết của đạo diễn Leon Lê (đồng kịch bản: nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc), nhưng Song Lang như một đứa con bị hắt hủi (theo cách nói của Leon Lê) bởi không dễ tìm được nhà sản xuất muốn làm một bộ phim về cải lương, trong thời điểm nhà nhà hô hào chạy theo những đề tài thật "hot".

Ngay cả khi cái duyên đã đưa Leon Lê gặp nhà sản xuất Ngô Thanh Vân, mọi thứ cũng không dễ dàng hơn. Một bộ phim đầu tay lấy cải lương làm chất xúc tác để kể một câu chuyện về người nghệ sĩ, về tình yêu và sự mất mát, là gánh nặng quá lớn cho một đạo diễn mới. 

Sự e dè của nhà sản xuất hay người xem là điều có thật. Nhưng nỗi lo cứ nhẹ nhàng rời tâm trí khán giả! 

Song Lang bàng bạc trong ánh sáng vàng dịu dàng của những bộ phim Hong Kong thập niên 1980. Nhưng nó không đơn thuần là thứ màu sắc vay mượn của quá vãng, mà thực sự dung dị, với những xe hủ tiếu đêm lách cách, những suất tuồng muộn tấp nập người xem.

Cải lương - với tất cả sự kính trọng và nỗ lực của êkip - đã "hiện diện" đầy cảm xúc qua mỗi khung hình. Thật may mắn, cải lương trong Song Lang đã không dừng lại ở thứ nước sốt rưới lên món ăn cho đúng điệu, mà là mùi vị riêng biệt khi trở thành xương sống nâng đỡ cho cả bộ phim, trong đó có mối tình e ấp mới chỉ chớm nở của Linh Phụng và Dũng "thiên lôi". 

Những chi tiết rất nhỏ được đặt để khéo léo đầy dụng ý: chiếc loa phường hát ra rả những bài ca về cây lúa hôm nay vào ban ngày, còn ban đêm, cải lương rộn ràng sau tấm màn nhung khi Sài Gòn là chính mình nhất...

Người xem như trở lại những đêm tấp nập khán giả đến với sân khấu cải lương, đầy mê say. Cuộc đời của mỗi người nghệ sĩ trong phim cũng là một nốt lặng giữa bản nhạc xao động của thời cuộc. 

"Có yêu, có mất mát thì mày không diễn nó cũng ra à!" - lời của ông thầy dạy hát trong phim cứ ám ảnh... Bước xuống khỏi sân khấu là sự cô đơn bao trùm lấy mỗi thân phận: kép chánh Linh Phụng (Isaac) - cậu bé mồ côi mê cải lương hơn tất thảy, Dũng "thiên lôi" - kẻ đầu đường xó chợ, chuyên đòi nợ mướn, nhưng sâu thẳm lại là đam mê đầy day dứt dành cho cải lương từ bi kịch gia đình...

Song Lang đẹp bởi tình yêu dành cho cải lương một thì đau đớn bởi tình yêu - mà có lẽ cũng chưa thể gọi là tình yêu, chỉ là những rung động mới chớm - của hai kẻ cô đơn, lạc lõng trong tăm tối đời mình, hơn nhiều lần.

Phim rõ ràng có thể mời một nghệ sĩ cải lương lồng tiếng hát cho nam diễn viên Isaac, một ca sĩ nhạc pop - người thủ vai kép chánh Linh Phụng trong phim. Nhưng Isaac đã phải học ca cải lương trong hơn một tháng rưỡi, dù trong phim, khi đặt cạnh những vai diễn nhà nghề khác như Tú Quyên, NSƯT Hữu Quốc... có gì đó hơi "chỏi". 

Nhưng phải chăng đó chính là điều mà những người làm Song Lang muốn hướng đến: đưa lớp nghệ sĩ trẻ tiệm cận với một bộ môn nghệ thuật đang ngày càng mai một...

'Chàng vợ của em': có một Charlie rất dịu dàng

Trong khi đó, Chàng vợ của em - bộ phim đánh dấu sự trở lại của Charlie Nguyễn ở vai trò đạo diễn - lại làm người xem ngạc nhiên: hóa ra có một Charlie Nguyễn dịu dàng như thế!

Với những Tèo Em, Long Ruồi, Để Mai tính 2... ăn khách thị trường, Charlie Nguyễn làm phim hài là thông tin không thể... cũ hơn. Nhưng Chàng vợ của em lại là bộ phim hài thật khác! 

Phim là câu chuyện của Mai (Phương Anh Đào) - một cô gái thành thị tham công tiếc việc. Là con của một người nổi tiếng, Mai đi làm, tìm kiếm sự thăng tiến còn là cách để khẳng định sự độc lập của bản thân.

Vì lòng trắc ẩn, Mai nhặt chú chó bị bỏ rơi bên vệ đường về làm bạn chung, để rồi từ đó trải qua bao chuyện dở khóc dở cười khi nhận ra cô cần xiết bao một chàng "vợ" biết quán xuyến việc nhà, tề gia nội trợ, chăm... chó cho mình mỗi lần phải đi công tác đột xuất. 

Rồi Hùng (Thái Hòa) xuất hiện như một vị cứu tinh... lặng lẽ đi bên đời Mai! Hai con người - chẳng thanh mai trúc mã, chẳng xứng lứa vừa đôi, chẳng liên quan gì đến đời nhau - ấy vậy lại tìm thấy sự ấm áp, thật thà của một tình yêu chớm nở...

Mai - nhân vật chính của câu chuyện, nhưng thực ra cô chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh muôn màu của cuộc sống, mà ở đó người phụ nữ được "vẽ" ra với những hình hài khác biệt. 

Đó còn là Hà (vai diễn của Vân Trang) - mẫu phụ nữ truyền thống, hết lòng chăm lo tổ ấm nhưng bên trong luôn ẩn sâu nỗi khát khao được trở lại với công việc, được có một chỗ đứng trong xã hội. 

Hay Ngọc - cô em gái của Hùng - luôn muốn "bứt" ra khỏi sự bảo bọc của anh trai để sống với đam mê và lý tưởng của mình. 

Bà Khánh Liên (ca sĩ Hồng Hạnh), mẹ của Mai, lại là một mẫu phụ nữ khác: sống bằng quá khứ và tìm cách níu kéo hào quang đã tắt của ngày cũ... 

Những người phụ nữ trong Chàng vợ của em cho người xem cơ hội nhìn thấu họ từ tâm can chứ không chỉ từ dáng vẻ lụa là, trau chuốt bên ngoài. Và chứng minh cho sự nỗ lực của mình bằng những thành quả có thật.

Giữ khán giả bằng những tình tiết đắt giá, chân thực, phim khiến khán giả tin rằng cô Mai ấy, cô Hà kia, và cả cô bé Ngọc ương bướng đó là chính mình. Nhưng cũng vì "tham" chi tiết mà bộ phim tình cảm này sẽ là quá dài với khán giả muốn xem những bộ phim có tình tiết nhanh, mạnh.

Đổi lại, miếng hài của Thái Hòa vẫn rất duyên dáng, một khi anh biết tiết chế. Có nhiều ý kiến cho rằng Thái Hòa không thể phá bỏ được hình ảnh và lối diễn hài quá quen thuộc của mình. Nhưng câu hỏi ngược lại: tại sao phải cố trở thành một người khác khi tài năng trời phú cho anh để "làm mềm" bộ phim bằng những giây phút thư giãn với tiếng cười sảng khoái?

chang vo cua em 16-8 6(read-only)

Phương Anh Đào và Thái Hòa - hai diễn viên chính trong phim Chàng vợ của em - Ảnh: ĐPCC

Song Lang ra rạp ngày 17-8. Còn Chàng vợ của em ra rạp từ 24-8 nhưng sẽ có các suất chiếu sớm vào ba ngày 17, 18 và 19-8.

Đẹp đẽ như một giấc mơ không có thật; trần trụi, day dứt như chính... cuộc đời, Song Lang là một bản nhạc buồn nhưng lộng lẫy để người xem muốn được bước chân vào khám phá.

Còn với Chàng vợ của em, khán giả hiểu thêm rằng: Charlie Nguyễn không chỉ biết làm phim hài. Hoặc phim hài với thương hiệu của anh nay đã khác! Ít nhất, phim không chỉ làm người ta cười no rồi về, mà là những lát cắt xã hội có sự chiêm nghiệm.

MINH TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên