16/02/2025 06:42 GMT+7

Để TP.HCM là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á

TP.HCM nhận được sự ủng hộ từ Cannes, từ trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng như đông đảo các nhà làm phim, chuyên gia khi ứng cử vào Mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO.

Để là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á - Ảnh 1.

Để là TP điện ảnh, TP.HCM cần những sự kiện điện ảnh thu hút cả ngàn khán giả như buổi giới thiệu phim Lật mặt 7 của Lý Hải năm 2024

Sáng 15-2, tọa đàm tham vấn quốc tế góp ý hồ sơ của TP.HCM đăng ký tham gia Mạng lưới thành phố sáng tạo (UCCN) của UNESCO diễn ra tại TP.HCM.

Khi hoàn chỉnh, ngày 3-3 tới hồ sơ sẽ được nộp đến UNESCO. Nếu được phê duyệt, TP.HCM sẽ là thành phố điện ảnh thuộc UCCN đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ TP.HCM ứng cử vào Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO, đặc biệt là TP sáng tạo điện ảnh. Sự hỗ trợ này dựa trên những yếu tố mạnh mẽ giúp TP của quý vị trở thành nhân tố chủ chốt trong lĩnh vực nghe nhìn và điện ảnh toàn cầu.
Bà MAUD BOISSAC

Gần 1.000 tỉ đồng cho phim trường cấp quốc gia

Vấn đề phim trường cấp quốc gia hoặc chuẩn quốc tế cho điện ảnh TP.HCM được bàn luận sôi nổi.

Ông Đỗ Quốc Việt, phó cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đang chỉ đạo cục làm đề án xây dựng phim trường cấp quốc gia trong năm 2025. Khoản đầu tư cho công trình này dự kiến gần 1.000 tỉ đồng. Ông Việt chính là người được giao lập đề án này.

Ông Việt nói: "Phim trường không chỉ là nơi để quay phim mà còn là tổ hợp các hoạt động dịch vụ liên quan đến điện ảnh. Theo tôi, trong bộ hồ sơ này cần có điều chỉnh để cho thấy đó là yếu tố quan trọng để phát triển điện ảnh bền vững. Những bộ phim lịch sử, kháng chiến rất cần phim trường lớn".

Để TP.HCM là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á - Ảnh 2.

Ông Đỗ Quốc Việt (phải) - phó cục trưởng Cục Điện ảnh và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM - Ảnh: MI LY

Ở Hà Nội có phim trường Cổ Loa (Đông Anh) từng được dùng để quay các phim lịch sử trong những năm 2010 như Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô... Ở TP.HCM, nhu cầu phát triển của điện ảnh cũng đòi hỏi phải có một phim trường lớn và quy mô.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, cho biết TP.HCM có thể khai thác phim lịch sử văn hóa dân tộc ở TP Thủ Đức với diện tích khoảng 324ha, đồng thời TP.HCM sẽ hướng đến việc có một phim trường chuẩn quốc tế.

Trước mắt, tiếp thu các ý kiến đóng góp, việc củng cố và mở rộng phim trường Củ Chi sẽ được đưa vào hồ sơ. Hiện phim trường Củ Chi do Đài truyền hình TP.HCM quản lý. Sở sẽ trao đổi với đài để phát triển trong thời gian tới.

Để là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á - Ảnh 3.

Qua video gửi ban tổ chức, bà Maud Boissac (Phòng Văn hóa TP Cannes, Pháp) bày tỏ sự ủng hộ của Cannes đối với TP.HCM - Ảnh: MI LY

Cannes ủng hộ TP.HCM là thành phố điện ảnh

Phát biểu qua video chuẩn bị từ trước, bà Maud Boissac - Phòng Văn hóa TP Cannes, Pháp - cho biết TP Cannes ủng hộ việc TP.HCM làm hồ sơ đăng ký.

Bà chia sẻ kinh nghiệm của Cannes, địa phương nhỏ với 75.000 dân nhưng có tầm ảnh hưởng quốc tế với Liên hoan phim Cannes nổi tiếng thế giới.

Cannes tự hào là kinh đô điện ảnh thế giới và mỗi năm đều thu hút hàng nghìn chuyên gia hàng đầu cùng các nhà làm phim vĩ đại đến thăm. Họ luôn cởi mở và hướng ra thế giới với cam kết phát triển điện ảnh dưới mọi hình thức.

Bà Boissac cũng nhắc đến việc Liên hoan phim Cannes từng trao giải Camera vàng cho bộ phim Bên trong vỏ kén vàng của nhà làm phim người Việt Nam Phạm Thiên Ân.

Qua đây bà gửi lời khen ngợi sự phát triển đặc biệt của nền điện ảnh Việt Nam.

Cũng qua video, ông Johnathan Baker - trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam - nhận định hồ sơ của TP.HCM phải huy động được sự tham gia của nhiều bên liên quan.

Đặc biệt đó phải là thành quả hợp tác ở cấp độ địa phương và phạm vi quốc tế. Ông gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến TP.HCM trong lần ứng cử này.

Về sự phát triển của điện ảnh Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, ông Bùi Quang Minh (Minh Beta) - chủ tịch hội đồng quản trị Beta Group - cho biết với tốc độ tăng doanh thu như hiện nay thì thị trường điện ảnh TP.HCM hoàn toàn có thể chạm mốc doanh thu 10.000 tỉ đồng.

Hiện nay phim Việt Nam chiếm ưu thế lớn trong thị trường, áp đảo trong số lượng phim ăn khách hằng năm. Bên cạnh doanh thu cao và các kỷ lục doanh thu liên tục bị lật đổ, vấn đề bản sắc của điện ảnh Việt Nam và điện ảnh TP.HCM cũng được đặt ra.

Kết lại, ông Trần Thế Thuận - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM - tổng kết TP.HCM xứng đáng vào Mạng lưới TP sáng tạo. Những vấn đề còn tồn tại và kinh nghiệm quý báu sẽ được TP tiếp thu, bổ sung để hồ sơ thuyết phục hơn. Ông ghi nhận 12 sáng kiến mới, thể hiện vai trò của ngành công nghiệp điện ảnh.

Không có phê bình, ai bảo vệ người sáng tạo?

Ông Phạm Huy Quang, quyền hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, nêu hiện tượng thiếu vắng lý luận phê bình đối với nền điện ảnh Việt Nam.

Ông nói: "Chúng ta đang rất thiếu lý luận phê bình về điện ảnh một cách có hiểu biết và trình độ. Ngành điện ảnh không có lý luận phê bình thì sẽ không đi đến đâu cả.

Có những bộ phim được làm ra, trên mạng xã hội nói nhưng không có một nhà lý luận phê bình nào lên tiếng để bảo vệ nghệ sĩ. Nghệ sĩ phải nghe người có trình độ thì họ mới nhận ra là họ sai. Còn trên mạng có nhiều xu thế khác nhau".

Để là thành phố điện ảnh đầu tiên của Đông Nam Á - Ảnh 7.Nỗ lực đưa TP.HCM vào mạng lưới thành phố sáng tạo

Theo đề dẫn hội thảo của PGS.TS Nguyễn Thế Dũng - nguyên hiệu trưởng Trường đại học Văn hóa TP.HCM, "thành phố sáng tạo" là một khái niệm mới, đang được nhiều quốc gia quan tâm, thảo luận, thay đổi và bổ sung.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên