10/01/2025 12:34 GMT+7

Người hát rong bên hồ Xuân Hương Đà Lạt

Nếu đi quanh hồ Xuân Hương Đà Lạt sáng sớm gần đây sẽ dễ gặp nhạc sĩ Trương Lê Sơn và những người bạn hát những bản ballad da diết.

Người hát rong bên hồ Xuân Hương Đà Lạt - Ảnh 1.

Các nghệ sĩ biểu diễn bên hồ Xuân Hương khi đèn đường còn chưa tắt - Ảnh: TRƯƠNG NGỌC THỤY

Anh đàn, bạn hát. Tiếng violon cùng những nhạc cụ khác xua dần khói sương và Đà Lạt đón những ánh nắng đầu tiên trong âm nhạc.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Trương Lê Sơn hào hứng: "Tôi không rõ tôi và âm nhạc thức giấc để đón bình minh Đà Lạt hay ngược lại. Có lẽ, chúng tôi cùng thức giấc".

Để thức giấc trong âm nhạc

* 5h sáng có lẽ quá sớm với Đà Lạt ở giai đoạn lạnh nhất năm. Khoảnh khắc hay để dùng âm nhạc đánh thức TP ư?

- Đà Lạt đang lạnh lắm. Hồ Xuân Hương càng lạnh. Phản xạ bình thường sẽ trú lạnh trong nhà. Ca sĩ lúc đó cũng chưa "mở giọng". Nói chung, hơi khùng khi ra hồ Xuân Hương đàn hát lúc 5h. Uống cà phê có lẽ là việc nên làm.

* Nhưng các anh đã dành hai tiếng hát ca bềnh bồng lúc cả Đà Lạt còn đang ngủ?

- Khùng nhưng vui. Cả nhóm chuẩn bị mọi thứ trước 5h, trong sương, không ai thấy. Rồi nhạc vang lên, sương tan dần, mọi người dừng lại nghe nhạc và chúng tôi như bước ra từ giai điệu. Nghĩ tới thôi đã nổi da gà rồi (cười lớn).

Trong các video khách qua đường quay lại, cả nhóm hát trong nhiều sắc độ ánh sáng, huyền ảo lắm. Hai tiếng đồng hồ sáng sớm, không gian quanh hồ Xuân Hương đổi màu liên tục. Sương hồ lúc dày lúc mỏng như khói. Khi đó Đà Lạt và cả âm nhạc đều đẹp.

Đà Lạt từng đón rất nhiều ca sĩ đến hát trong hoàng hôn, lúc chuyển giao đêm ngày. Tôi chơi nhạc cùng họ và biết rằng thăng hoa vô cùng tận, khác xa khi hát trong phòng trà. Nghệ sĩ, những nơi chốn làm cảm xúc bật lên rất quan trọng. Có khi qua rất nhiều năm của cuộc đời, người nhạc sĩ - ca sĩ mới nhận ra.

Người hát rong bên hồ Xuân Hương Đà Lạt - Ảnh 2.

Người dân và du khách dừng lại bên hồ Xuân Hương nghe nhạc vào sáng sớm - Ảnh: TRƯƠNG NGỌC THỤY

* Các anh có vẻ đang ấp ủ thêm gì đó cho Đà Lạt sau những sớm hát bên hồ như này?

- Có người nhắn cho tôi rằng: Sau này đi qua hồ Xuân Hương tôi sẽ nghe âm nhạc vang lên trong đầu dù ban nhạc không ở đó. Những điều hôm nay đã thành ký ức đẹp về Đà Lạt. Có anh đến và hát bài Mimosa rất vui, sau tôi mới biết là một lãnh đạo của tỉnh. Nói vậy không phải khoe mà để mừng vì âm nhạc hiện hữu ở TP này.

Anh Lê Minh Chiến, hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt, gợi ý: "Sơn có cách nào mang chương trình này vào Trường ĐH Đà Lạt vài lần. Hát đón sinh viên đến trường, đánh thức những mỹ cảm của bọn nhỏ để các em bước ra đời với những cảm xúc đẹp".

Anh Chiến làm tôi nghĩ đến những đứa trẻ ở Đà Lạt đi học đàn từ 5h sáng. Rõ ràng trong từng tế bào của Đà Lạt có âm nhạc. 

Chúng tôi - những người vì yêu Đà Lạt mà đến - sẽ có hướng kích hoạt hứng khởi âm nhạc trong lòng Đà Lạt. Khi số đông người Đà Lạt thở với âm nhạc và nghệ thuật thì TP này sẽ xứng danh TP sáng tạo âm nhạc. Nội lực là ở đó.

Người hát rong bên hồ Xuân Hương Đà Lạt - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Trương Lê Sơn (thứ 2 từ phải qua) cùng những người bạn đón nắng bên hồ Xuân Hương với âm nhạc - Ảnh: TRƯƠNG NGỌC THỤY

Đà Lạt đến lúc cần trường nhạc

* Có phải anh đang hơi quá hào hứng sau buổi sáng với âm nhạc bên hồ Xuân Hương?

- Tôi có hào hứng nhưng nhận định của tôi cũng chừng mực. Gần đây show diễn lớn nhỏ có mặt ở Đà Lạt nhiều bằng 10 năm trước đó cộng lại. 

Tôi mừng vì có những nhạc hội tạo tiếng vang để mọi người nghĩ về Đà Lạt âm nhạc nhiều hơn. Tiếng vang đó cần được giữ và phát triển bởi những đứa trẻ đang lớn lên cùng âm nhạc. Rất đáng tiếc nếu để "tiếng hát ngân lên bỗng tắt giữa chừng".

Có lần tôi đến Phố Bên Đồi của Nguyễn Trung Hiền, nghe tiếng piano, violon của những bạn trẻ và những nghệ sĩ nhạc cổ điển, tôi thầm cảm ơn về sức mạnh âm nhạc làm cho TP trở nên đáng sống. 

Dù nơi tôi đến đơn sơ hơn một khán phòng và chắc chắn không phải là một nhà hát.

TP âm nhạc chỉ có thể đi xa bằng nội lực âm nhạc được xây lên bằng chính cư dân Đà Lạt. Và nên hướng về những đứa trẻ cùng một trường dạy nhạc.

* Góc âm nhạc ở hồ Xuân Hương không thể dừng lại sau vài lần biểu diễn?

- Ồ không! Tôi không lên lịch và thông báo không có nghĩa là không chuẩn bị. Nhiều ca sĩ đã nhắn đăng ký tham gia rồi. Tôi sẽ "bắt cóc" dần để mang ra hồ với nắng lạnh và sương sớm. Tôi tin cả ca sĩ, ban nhạc và người nghe sẽ vui. 

Nhạc cổ điển cũng cần được chăm sóc. Tôi đã ngắm nghía và lôi kéo nhiều rồi. Họ rất "xịn", được cộng đồng âm nhạc cổ điển Việt Nam và quốc tế công nhận nhưng vẫn chưa được Đà Lạt công nhận mấy. Lạ chưa?

Đà Lạt cần những góc nhỏ đầy âm nhạc

Thật khó có thể diễn tả hết cảm xúc lần đầu nghe những giai điệu trữ tình vang lên giữa không gian sớm mai yên ả.

Tôi thích sự ngẫu hứng, mộc mạc của những ca sĩ, nhạc sĩ Đà Lạt này. Không chỉ tôi mà những khán giả may mắn có mặt đều ngạc nhiên, thích thú để rồi chìm đắm trong từng lời ca, tiếng hát.

Đà Lạt rất cần những góc âm nhạc này như một phần làm nên TP sáng tạo âm nhạc mà UNESCO công nhận.

Nhiếp ảnh gia Trương Ngọc Thụy

Người hát rong bên hồ Xuân Hương Đà Lạt - Ảnh 4.

Chỉ Đà Lạt mới có thể khiến người ta có động lực làm những chuyện hứng khởi.

Vì vậy có một đêm tôi nhắn với bạn Gia Hưng (nghề chính là kinh doanh cà phê): "Mai anh em mình kéo loa ra hồ Xuân Hương hát đi".

Hưng đồng ý và chuẩn bị bộ loa nhỏ nhưng xịn. Hưng rủ thêm vài người bạn thường hát phòng trà ở Đà Lạt cùng đi. Đó là mùa thu năm 2023, bắt đầu từ đó.

Kể vậy để thấy chuyện hát ca bên hồ là vì muốn tặng cho bà con, du khách đến Đà Lạt một kỷ niệm. Tôi mong âm nhạc hữu duyên đủ khiến người ta nhớ hoài.

Nhạc sĩ Trương Lê Sơn

Người hát rong bên hồ Xuân Hương Đà Lạt - Ảnh 3.Hai điểm yếu Đà Lạt cần giải quyết để giữ danh hiệu thành phố sáng tạo trong âm nhạc

Hai điểm yếu mà Đà Lạt cần khắc phục nếu muốn giữ danh hiệu thành phố sáng tạo trong lĩnh vực âm nhạc của UNESCO.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên