17/03/2020 10:53 GMT+7

TP.HCM sẵn sàng cấp nước cho miền Tây

LÊ PHAN - LÊ DÂN
LÊ PHAN - LÊ DÂN

TTO - Trước mắt, dùng sà lan chở nước sạch đến vùng hạn mặn như Bến Tre, về lâu dài có thể xây dựng đường ống cấp nước đưa nước về miền Tây để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu nước ngọt tại đây.

TP.HCM sẵn sàng cấp nước cho miền Tây - Ảnh 1.

Để bảo vệ nguồn nước thô cung cấp cho TP.HCM đối với sông Sài Gòn, chúng tôi đề xuất tổ chức ngăn một đoạn trên sông để ngăn mặn. Tại lưu vực sông Đồng Nai, có thể khai thác 4-5 hồ đá (nằm trong khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM) với diện tích hơn 100ha để làm nguồn dự trữ nước thô.

Ông Trần Văn Khuyên (chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn)

Vậy việc chia sẻ nguồn nước ngọt sẽ được triển khai ra sao?

Không dừng lại ở "giải cứu"...

Việc chia sẻ nước ngọt cho người dân một số vùng hạn mặn cũng đã được các đơn vị cấp nước tại TP.HCM thực hiện trong thời gian vừa qua. 

Cụ thể, trong đầu tháng 3, một số đơn vị cấp nước TP đã chi viện 3.000m3 nước từ TP.HCM đến xã Phú Khánh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để cung cấp cho bà con đang "khát" nước ngọt. Nước được đưa lên sà lan chở từ bến sông cặp bên đường Trần Xuân Soạn, quận 7 rồi chở đến cầu Rạch Miễu với quãng đường sông khoảng 240km.

Sau đó nước tiếp tục được vận chuyển từ cầu Rạch Miễu đến xã Phú Khánh, với quãng đường khoảng 70km. Khi nước đến xã Phú Khánh sẽ được các xe ba gác chở theo bồn đến bơm lên và đưa về cho người dân dùng miễn phí. Một số công ty cấp nước tại TP.HCM cũng đang có phương án đưa nước ngọt đến tặng vùng mặn tại tỉnh Cà Mau.

Tuy vậy, những người làm công tác cung cấp nước sạch ở TP.HCM đang nghĩ xa hơn, đó là cấp nước sạch cho miền Tây một cách căn cơ, không chỉ dừng ở những sà lan "giải cứu" mùa hạn mặn. "Trong thời gian tới, nếu ngành cấp nước TP được Chính phủ đồng ý cho quy hoạch xây dựng mạng lưới cấp nước cấp 1 từ huyện Bình Chánh dọc theo cao tốc TP.HCM - Trung Lương về tỉnh Tiền Giang thì bài toán nước ngọt trong mùa khô của các tỉnh miền Tây sẽ nhẹ gánh phần nào. TP.HCM có thể nâng công suất lên để hỗ trợ cho miền Tây", lãnh đạo một đơn vị cấp nước sinh hoạt tại TP.HCM chia sẻ thêm.

Theo ông Trần Văn Khuyên - chủ tịch HĐTV Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn, hiện tại nguồn nước sạch ở TP.HCM đủ để cung cấp cho người dân trong mùa khô năm nay. Công suất của TP.HCM hiện nay khoảng 2,4 triệu m3/ngày đêm nhưng nhu cầu dùng chỉ xấp xỉ 2 triệu m3/ngày đêm. Do đó, nếu địa phương các tỉnh miền Tây cần hỗ trợ cung cấp nước ngọt trong mùa hạn mặn thì TP.HCM sẵn sàng chi viện. Cấp nước TP sẵn sàng cho nước nhưng các địa phương cần chủ động chuẩn bị phương tiện để vận chuyển.

TP.HCM sẵn sàng cấp nước cho miền Tây - Ảnh 3.

Nhân viên Nhà máy nước Tân Hiệp kiểm tra, theo dõi chất lượng nước tại khu vực bể lắng lọc - Ảnh: LÊ PHAN

Nhiều phương án không để thiếu nước sạch

Mùa khô tại Nam Bộ năm nay được dự báo có thể vượt ngưỡng kỷ lục năm 2015-2016. Đơn cử mới đầu mùa nhưng tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã diễn ra gay gắt ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Tại TP.HCM, tình hình nguồn nước cũng đang có diễn biến xấu. Với tình hình này, nhiều kịch bản đã được ngành cấp nước TP đặt ra để ứng phó, đảm bảo đủ nước cấp cho người dân.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Kim Thạch - trưởng phòng quản lý chất lượng nước, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn - cho biết từ cuối năm 2019 phía công ty đã làm việc với các hồ chứa nước đầu nguồn. 

Tại lưu vực sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, tình hình trữ nước tại các hồ đầu nguồn khá khả quan. Nếu so sánh với cùng kỳ năm thiên tai hạn mặn 2015-2016, việc cấp nước của TP năm nay sẽ khả quan và "dễ thở" hơn.

"Để đảm bảo cấp nước cho người dân trong mùa khô được dự báo gay gắt ngang ngửa hoặc vượt mùa khô 2015-2016, chúng tôi đã chia sẻ dữ liệu với hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng để đảm bảo khống chế độ mặn trên các sông. Từ đó phía công ty lấy nước thô luôn có độ mặn dưới 200mg/l và nước phát ra cho người dân dưới 100mg/l nhằm duy trì, đảm bảo nguồn nước ngọt chất lượng" - ông Thạch nói.

Cũng theo ông Thạch, hiện các nhà máy xử lý nước của TP.HCM đều không xử lý được nước mặn. Trong trường hợp cực đoan, khi độ mặn tại các sông vượt 250mg/l, các nhà máy buộc phải dừng lấy nước thô. 

Để dự trù cho vấn đề này, phía cấp nước đã yêu cầu các nhà máy nước có các bể chứa nước sạch để đủ cung cấp cho người dân trong thời gian 6-8 tiếng (trong lúc chờ độ mặn ổn định trở lại). Ngoài ra, các nhà máy nước sẽ có các phương án điều tiết nước với nhau để việc cấp nước không bị gián đoạn.

Cần Thơ dư nước sạch, sẵn sàng chi viện

Cũng trong tinh thần sẻ chia nước ngọt cho các vùng hạn mặn, ông Nguyễn Tùng Nguyên, tổng giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Cần Thơ (CanthoWassco), cho biết hệ thống nhà máy xử lý nước sinh hoạt của công ty có công suất 195.000m3/ngày đêm. Sau khi cung cấp cho người dân TP Cần Thơ, các nhà máy nước còn dư khoảng 30.000m3/ngày đêm. CanthoWassco sẵn sàng hỗ trợ cho các tỉnh bị hạn mặn thiếu nước ngọt sử dụng nếu có yêu cầu chi viện.

Tuy nhiên, việc sử dụng xe bồn để chở nước cung cấp cho người dân chỉ là giải pháp tình thế, bởi các công ty cấp nước đều có kịch bản cho tình trạng hạn mặn xảy ra hằng năm. Theo ông Nguyên, việc xâm nhập mặn xảy ra theo mùa, theo tháng, theo ngày và theo con nước. Do đó đơn vị cấp nước cũng có thể theo dõi để lấy nước ngọt dự trữ, xử lý, phục vụ người dân.

"Nhà máy cung cấp nước ngọt, nước sinh hoạt của CanthoWassco dù chưa ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn nhưng phía công ty chuẩn bị lắp đặt trạm quan trắc tự động nồng độ mặn, phù sa, màu... nhằm chủ động trong việc tự lấy nước thô trên sông Hậu xử lý" - ông Nguyên chia sẻ thêm.

Chống hạn phải như chống giặc Chống hạn phải như chống giặc

TTO - Giống với tinh thần dập dịch COVID-19, việc chống hạn lúc này phải được các địa phương trong vùng xác định, chống hạn phải như chống giặc.

LÊ PHAN - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên