09/12/2020 11:45 GMT+7

TP.HCM đặt tên mới cho 224 tuyến đường, có đường mang tên Nguyễn Thiện Thành

THẢO LÊ - TIẾN LONG
THẢO LÊ - TIẾN LONG

TTO - Tên giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông (R3) thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông Nguyễn Thiện Thành là nguyên chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Quốc hội khóa VII, là cha ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân.

TP.HCM đặt tên mới cho 224 tuyến đường, có đường mang tên Nguyễn Thiện Thành - Ảnh 1.

Tên giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông (R3) thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm - Ảnh: TỰ TRUNG

Sáng 9-12, tại kỳ họp thứ 23, HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua nghị quyết về bổ sung tên 4 nhân vật lịch sử vào quỹ tên đường và đặt tên mới cho 224 tuyến đường ở 13 quận, huyện của TP.HCM.

Theo đó, HĐND TP.HCM đã thống nhất bổ sung tên giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành; nghệ sĩ nhân dân Thái Ly; hai mẹ Việt Nam anh hùng là Lê Thị Truyền và Phan Thị So vào quỹ tên đường tại TP.HCM. 

Bên cạnh đó, HĐND TP.HCM đã chấp thuận, giao cho UBND TP đặt tên cho 224 tuyến đường trên địa bàn quận 1, 2, 3, 7, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Thủ Đức và huyện Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi.

TP.HCM đặt tên mới cho 224 tuyến đường, có đường mang tên Nguyễn Thiện Thành - Ảnh 2.

Ngày họp cuối cùng của kỳ họp thứ 23 HĐND TP.HCM khóa IX - Ảnh: TỰ TRUNG

Trong 224 đường có 4 tuyến đường ở khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Đặc biệt tên giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thiện Thành được đặt cho đường ven sông (R3) dài gần 2,8km. 

Giáo sư Nguyễn Thiện Thành từng là phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học kỹ thuật của Quốc hội khóa VII. Ông là cha của ông Nguyễn Thiện Nhân - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.

Cùng với đó, TP đặt tên Tố Hữu (nhà thơ nổi tiếng đạt nhiều giải thưởng lớn và từng là phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng) cho đường ven hồ trung tâm (R2) và một phần đường ven sông Sài Gòn (R3) dài hơn 3km.

Đặt tên Trần Bạch Đằng (nhà báo, nhà thơ, nhà biên kịch, nhà chính trị lão thành cách mạng, bí thư Thành ủy Sài Gòn - Gia Định, phụ trách Ban tuyên huấn Trung ương Cục, ủy viên Đoàn Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam) cho đại lộ vòng cung (R1) dài hơn 3,3km.

Đường châu thổ R4 dài hơn 2,5km được đặt tên Bùi Thiện Ngộ. Thượng tướng Bùi Thiện Ngộ sinh tại Tân Định, Sài Gòn, từng là bộ trưởng Bộ Công an.

Trong 224 tên đường được đề xuất đặt mới, có khoảng 150 tuyến đường ở Củ Chi với tên mới là tên của các mẹ Việt Nam anh hùng của vùng đất thép thành đồng này.

Cũng tại kỳ họp, HĐND TP.HCM khóa IX đã thông qua Nghị quyết về ban hành phí tham quan Khu du tích lịch sử địa đạo Củ Chi và Khu di tích lịch sử căn cứ Rừng Sác, huyện Cần Giờ. Thời điểm áp dụng thu phí hai điểm tham quan này là từ ngày 1-1-2021.

Theo đó, mức thu đối với người lớn là 35.000 đồng/người. Người cao tuổi, người khuyết tật, lực lượng vũ trang, người có công với cách mạng, hội cựu chiến binh, hộ nghèo, trẻ em dưới 7 tuổi được miễn phí. Trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 16 tuổi, học sinh, sinh viên được giảm 50% phí.

Đề xuất đặt tên đường Tố Hữu, Trần Bạch Đằng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm Đề xuất đặt tên đường Tố Hữu, Trần Bạch Đằng ở khu đô thị mới Thủ Thiêm

TTO - UBND TP.HCM đề xuất đặt tên đường Tố Hữu cho đường R2 và một phần đường R3, đặt tên Trần Bạch Đằng cho đại lộ vòng cung ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

THẢO LÊ - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên