Đó là thông tin được bà Trần Thị Phương Hoa - phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM - đưa ra trong buổi lễ phát động giải thưởng "Nữ doanh nhân xuất sắc TP.HCM" ngày 16-10 tại TP.HCM.
Lần đầu TP.HCM có giải thưởng tôn vinh nữ doanh nhân
Theo bà Hoa, giải thưởng “Nữ doanh nhân xuất sắc TP.HCM” ra đời nhằm tôn vinh các nữ doanh nhân trên địa bàn thành phố. Giải thưởng nhằm ghi nhận những đóng góp của các “bông hồng thép” với sự nghiệp phát triển kinh tế thành phố và cả nước.
Tương tự, bà Cao Thị Ngọc Dung - chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) - cho biết khác với giải thưởng “Bông hồng vàng” với quy mô toàn quốc, giải thưởng “Nữ doanh nhân xuất sắc TP.HCM” hướng đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ trên địa bàn thành phố.
Bà Dung chia sẻ giải thưởng như một lời khích lệ những nỗ lực của các “nữ tướng” đã vượt qua rào cản, để đứng vững trên thương trường, lèo lái doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của thành phố và đất nước.
Dự tính, "Nữ doanh nhân xuất sắc TP.HCM" sẽ được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào tháng 3 của năm. Giải thưởng vinh danh 10 nữ doanh nhân là chủ doanh nghiệp, nữ quản lý doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực kinh tế, sản xuất trên địa bàn thành phố.
Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn gặp nhiều khó khăn
Số liệu từ báo cáo “Môi trường kinh doanh tại Việt nam: Góc nhìn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ” do VCCI xuất bản năm 2021 cho thấy những doanh nghiệp do phụ nữ “lèo lái” còn gặp nhiều khó khăn.
Các doanh nhân nữ thường gặp áp lực phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, định kiến xã hội về vai trò của phụ nữ, khả năng kinh doanh của phụ nữ và cả những phân biệt đối xử trong kinh doanh.
Quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ thường tập trung ở mức nhỏ và siêu nhỏ với quy mô trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ.
Đáng buồn hơn, báo cáo chỉ ra tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam dù có một số cải thiện trong giai đoạn 2011 - 2018 nhưng lại giảm trong các năm 2019 và 2020, chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Theo đó, tại Việt Nam, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020 đặt ra chỉ tiêu tỉ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 30% vào năm 2015 và từ 35% trở lên vào năm 2020. Tuy nhiên trên thực tế, tỉ lệ này mới chỉ đạt mức khoảng 24% vào năm 2020.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận