Sáng 3-1, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức tọa đàm tham vấn chuyên gia về bộ công cụ khảo sát thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền TP.HCM.
TP.HCM khảo sát quan điểm của công chức, viên chức khi tinh gọn bộ máy
TP.HCM sẽ tiến hành khảo sát để thu thập các thông tin, quan điểm, nhận thức với khoảng 4.000 công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị dự kiến phải sắp xếp lại bộ máy.
Khảo sát sẽ hướng tới góc nhìn, thái độ của đội ngũ công chức, viên chức đối với chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Ghi nhận các thông tin, tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ để cân nhắc, điều chỉnh trong quá trình thực hiện.
Đồng thời ghi nhận quan điểm, thái độ của các nhóm bị ảnh hưởng, nhất là công chức, viên chức không giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
Đây là nhóm chiếm số lượng đông nhất, trong đó nhiều người có thể chưa đủ sẵn sàng trước những thay đổi lớn trong công việc và cuộc sống.
Theo cảm nhận của các nhóm bị ảnh hưởng, TP sẽ đưa ra các chính sách hay hình thức hỗ trợ nào phù hợp nhất với họ. Bên cạnh đó, TP cũng mong muốn ghi nhận góc nhìn, thái độ của đội ngũ về những tín hiệu ứng tích cực khi thực hiện chủ trương tinh giản.
Chỉ ra bất cập của bộ máy
Góp ý cho bộ công cụ khảo sát, TS Bùi Ngọc Hiền, Học viện Cán bộ TP.HCM, cho rằng qua khảo sát, cần thống nhất nhận thức "người đi một cách đàng hoàng và người ở lại cũng phải đàng hoàng". Bên cạnh đó, để nhân sự nhìn nhận rằng đi hay ở lại đều là cơ hội mới để phát triển.
Khi khảo sát, ông Hiền cho rằng cần có 1-2 câu hỏi lắng nghe tâm tư nguyện vọng của công chức, viên chức gắn với trách nhiệm với TP.HCM. Là những người trực tiếp làm nhiệm vụ, họ đề xuất những giải pháp gì để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy gắn với thực tiễn của TP.
Cũng theo ông Hiền, qua khảo sát thực tế, hiện nay nền công vụ đang có nhiều thủ tục không cần thiết.
Ông Hiền cũng nhận định bộ máy đang xuất hiện tình huống "vừa thừa vừa thiếu", thừa người không còn phù hợp với bối cảnh mới nhưng thiếu nhân sự thực sự đủ năng lực dẫn dắt "cuộc chơi mới", những người này phải tính toán bổ sung vào bộ máy. Những nhân sự ở lại phải xứng đáng, đủ năng lực nhận trách nhiệm của người đã rời đi.
TP.HCM cần có những bộ máy đặc thù
Đồng quan điểm, TS Trương Minh Huy Vũ - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho rằng TP.HCM hiện có nhiều chính sách mang tính chất đặc thù hơn các địa phương khác.
Ông dẫn chứng ngày mai 4-1, TP.HCM sẽ ra mắt Trung tâm tài chính quốc tế. Tuy nhiên để vận hành trung tâm này cần có thêm các cơ quan mới.
Các cơ quan này có thể hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm nhưng cũng có cơ quan phải thành lập mới, mời gọi các nhân sự hàng đầu quốc tế về làm việc. Như vậy sẽ phát sinh bộ máy mới nhưng không thể không làm. Do đó, "việc chỗ thừa chỗ thiếu" cần phải tính toán dựa vào thực tiễn có những đặc thù, vượt trội của TP.HCM.
Cũng về vấn đề này, TS Nguyễn Anh Tuấn, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho rằng sắp tới TP.HCM sẽ thực hiện rất nhiều chương trình, đề án mang tính chiến lược, đột phá. Như vậy phải có con người và bộ máy tương ứng. Như việc TP.HCM sắp tới sẽ làm mạng lưới đường sắt đô thị, đây là mô hình khá đặc thù, cần bộ máy chuyên biệt để thực hiện.
Ông Tuấn cũng dẫn chứng các nước trong khu vực trong quá trình phát triển của quốc gia, họ thường nhìn nhận các vấn đề bức thiết và lập bộ máy để thực hiện.
Giữ chân người tài khi tinh gọn bộ máy
Góp ý về bộ công cụ khảo sát, PGS.TS Võ Trí Hảo cho rằng mục tiêu của khảo sát là nhìn nhận những bất cập để sau khi tinh gọn, hoạt động của bộ máy phải đi lên.
Ông Hảo cho rằng đừng chỉ nhìn một chiều là cắt giảm nhân sự, mà phải quan tâm đến nguyện vọng của những người muốn rời đi, trong đó có những người tài. Nếu giảm cơ học thì vô tình làm cho người tài bước ra khỏi hệ thống.
Ông Hảo cho rằng cần phân thành hai nhóm đối tượng được khảo sát là: người ra đi và người ở lại.
Trong nhóm người ra đi thì có những người do không đáp ứng được năng lực, nhưng cũng có những người có tài, có đức muốn ra khu vực tư nhân làm việc. Lúc này, không chỉ cần chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng và phải có chính sách giữ chân người tài.
Ở nhóm người ở lại, cần phải nghiên cứu các phương pháp làm việc khi số lượng người giảm nhưng khối lượng công việc lại tăng.
Tinh gọn bộ máy phải tính đến tinh gọn thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật để nhân sự ở lại có thể xử lý khối lượng công việc gấp 5 lần nhưng vẫn hoàn thành tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận