06/01/2023 16:12 GMT+7

TP.HCM: Bệnh viện tự chủ chịu nhiều quy định ràng buộc pháp lý, rủi ro cao

Theo Sở Y tế TP.HCM, với nghị định 60 năm 2021 của Chính phủ, bệnh viện tự chủ phải tự chịu trách nhiệm với rất nhiều quy định ràng buộc.

TP.HCM: Bệnh viện tự chủ chịu nhiều quy định ràng buộc pháp lý, rủi ro cao - Ảnh 1.

Người dân chờ đợi khám, nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện quận 1 (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI

Thông tin về vấn đề bệnh viện tự chủ được Sở Y tế TP.HCM đưa ra trong hội nghị triển khai nhiệm vụ của ngành y tế TP.HCM năm 2023 chiều 5-1.

Tính đến thời điểm hiện nay, đã có 45/50 bệnh viện trên địa bàn TP chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính toàn phần tự đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên, 3 bệnh viện tự đảm bảo một phần và 2 bệnh viện ngân sách đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động.

Nhờ đó, thành phố đã tiết kiệm được hàng nghìn tỉ đồng mỗi năm trong việc cấp kinh phí cho các bệnh viện hoạt động.

Tuy vậy, suốt khoảng thời gian dài chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, ngành y tế gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là giá thu khám bệnh, chữa bệnh vẫn chưa được kết cấu đầy đủ các yếu tố chi phí.

Sở Y tế cho biết thêm, các bệnh viện tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ tài chính nhưng theo quy định mới là nghị định 60/2021/NĐ-CP từ năm 2023. Với nghị định mới này, các bệnh viện vẫn tiếp tục gặp các khó khăn trên vì giá thu khám bệnh, chữa bệnh và các cơ chế chính sách vẫn chưa được sửa đổi, điều chỉnh.

Bên cạnh đó, các bệnh viện còn gặp thêm khó khăn khi thực hiện các hướng dẫn mới như phải nộp tiền thuê đất cho toàn bộ diện tích đất của bệnh viện; phải tự tổ chức hoạt động phụ trợ căng tin, bãi xe… mà không được cho các công ty chuyên nghiệp tổ chức thực hiện và bệnh viện giám sát như từ trước đến nay.

Không những thế, các bệnh viện đã, đang và sẽ phải tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm với rất nhiều quy định ràng buộc trách nhiệm pháp lý cao nhưng với bộ máy quản lý như hiện nay thì dễ đặt các nhà quản lý trong các nguy cơ rủi ro cao. 

Một thực tế đã và đang diễn ra tại các bệnh viện công lập là nguồn thu của các bệnh viện, nhóm bệnh viện có sự chênh lệch. Theo đó các bệnh viện chuyên khoa có lợi thế về nguồn thu rất nhiều.

Điều này dẫn đến nhiều sự khác biệt ở các bệnh viện, nhóm bệnh viện về thu nhập của nhân viên y tế, và chênh lệch lớn trong trích lập quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, huấn luyện nâng cao tay nghề năng lực cho nhân viên y tế.

Cụ thể năm 2019, thu nhập bình quân của nhân viên y tế nhóm bệnh viện chuyên khoa từ 29 đến 39 triệu đồng/tháng, cách biệt với bệnh viện đa khoa có bình quân thu nhập cao 23,5 triệu đồng/tháng và bệnh viện có thu nhập bình quân thấp nhất là 7 triệu đồng/tháng.

Ngành y tế TP cho rằng cần phải thực hiện đánh giá kết quả và đề xuất các chính sách nhằm củng cố tự chủ tài chính tại các bệnh viện công lập, đây là một nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Ngành y tế đã huy động các chuyên gia, trong đó có sự hỗ trợ của các sở, ngành để nghiên cứu và khẩn trương xây dựng đề án thí điểm các chính sách đặc thù giúp củng cố hoạt động tài chính của các bệnh viện công lập hoạt động theo cơ chế tự chủ. Đề án này sẽ trình UBND, HĐND TP xem xét, chấp thuận.

Sở Y tế TP.HCM kiến nghị thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện Sở Y tế TP.HCM kiến nghị thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện

TTO - Sở Y tế TP.HCM kiến nghị UBND TP cho thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện, hội đồng này chịu trách nhiệm hướng dẫn, tư vấn những vấn đề vướng mắc liên quan đến hoạt động tự chủ tài chính của các bệnh viện.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên