Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres - Ảnh tư liệu: REUTERS
Theo hãng tin AFP, phát biểu khai mạc trong phiên họp trực tuyến đặc biệt ngày 17-2 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, ông Guterres cảnh báo cho tới nay mới chỉ 10 quốc gia sở hữu 75% số liều vắc xin COVID-19 hiện có của thế giới, và 130 nước vẫn chưa có vắc xin.
"Thế giới đang cần gấp rút một kế hoạch tiêm vắc xin toàn cầu để đưa các bên có tiềm lực, chuyên môn khoa học, khả năng sản xuất và tài chính xích lại với nhau", ông Guterres nói.
"Chúng ta phải đảm bảo để mọi người, mọi nơi có thể được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt", ông nhấn mạnh.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc cũng nói nhóm các nền kinh tế lớn G20 ở vị trí phù hợp nhất để lĩnh xướng việc này.
Theo ông Guterres, cần thành lập một lực lượng chuyên trách về tài chính và triển khai chương trình tiêm vắc xin COVID-19 toàn cầu. Liên Hiệp Quốc sẽ hoàn toàn ủng hộ nỗ lực đó.
"Nếu virus được phép lây lan như cháy rừng ở nam bán cầu, nó sẽ lại tiếp tục biến đổi gen và biến đổi. Các chủng biến thể virus mới có thể trở nên dễ lây nhiễm hơn, dễ gây tử vong hơn, và tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hiệu quả các vắc xin hiện có cũng như các phương pháp chẩn đoán bệnh", ông Guterres nói.
"Điều này có thể kéo dài nghiêm trọng đại dịch, khiến virus có thể trở lại gây tai họa cho khu vực Bắc bán cầu", ông Guterres nói tiếp.
Theo từ điển Cambridge, Nam bán cầu (Global South) là thuật ngữ dùng để gọi nhóm các nước ở châu Phi, Mỹ Latin và các khu vực đang phát triển thuộc châu Á.
Trong khi đó Bắc bán cầu (Global North) là thuật ngữ được dùng để nói đến nhóm các nước giàu, công nghiệp hóa ở châu Âu, Bắc Mỹ và các khu vực phát triển ở châu Á.
Mỹ sẽ trả WHO 200 triệu USD cuối tháng này
Theo hãng tin AFP, ngày 17-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tuyên bố Mỹ sẽ hoàn thành trách nhiệm đóng góp tài chính cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) với việc trả hơn 200 triệu USD cho tổ chức này vào cuối tháng.
Ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh đưa nước Mỹ gia nhập trở lại WHO, đảo ngược kế hoạch rút khỏi tổ chức này trước đó của cựu tổng thống Donald Trump.
"Đây là bước quan trọng trong việc hoàn thành các trách nhiệm tài chính của chúng tôi trong tư cách một thành viên của WHO, và nó cũng phản ánh cam kết nối lại của chúng tôi trong việc đảm bảo WHO có được sự hỗ trợ cần thiết để lĩnh xướng toàn cầu ứng phó với đại dịch", ông Blinken phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về đại dịch COVID-19.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận