16/06/2017 11:28 GMT+7

Tổng thống Trump bị kiện: Lợi ích cá nhân hay quốc gia

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TTO - Kiện tụng ở Mỹ là chuyện bình thường, kể cả vụ hàng trăm nghị sỹ và  tổng chưởng lý kiện Tổng thống Donald Trump về chuyện xung đột lợi ích. Nhưng phía sau vụ kiện có phải là một "đòn thù"?

Một nhóm người biểu tình chống Tổng thống Trump ở New York (Mỹ) nhân ngày sinh nhật ông (14-6) - Ảnh: AFP
Một nhóm người biểu tình chống Tổng thống Trump ở New York (Mỹ) nhân ngày sinh nhật ông (14-6) - Ảnh: AFP

Vụ 196 nghị sĩ Đảng Dân chủ cùng hai tổng chưởng lý bang Maryland và hạt Columbia (khu vực thủ đô Washington) kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump vi phạm những lệnh cấm “làm ăn riêng tư” của hiến pháp, trong một góc nhìn nào đó, có thể được xem như là một diễn biến “bình thường” ở Mỹ, một xã hội có thói quen kiện tụng “ăn vào máu”, ai kiện ai cũng được, chẳng ai đứng trên pháp luật để rồi không (bị) kiện được.

Đảng Dân chủ tự cho rằng lợi ích quốc gia Mỹ có thể bị thiệt hại hay đe dọa bởi chuyện “làm ăn” của Tổng thống Trump và tập đoàn của ông ta là “thường tình” trong ý nghĩa trên.

Cũng thế, cánh của Tổng thống Trump nay định kiện cựu giám đốc FBI Comey vì đã tiết lộ bí mật quốc gia trong buổi điều trần tuần trước nằm trong tập quán bình đẳng trước pháp luật của xã hội này.

Vấn đề không phải ở chỗ ông Trump là tỉ phú, mà ông bị cho là vẫn còn làm ăn hưởng lợi, qua tập đoàn của ông, sau khi trở thành tổng thống.

Cùng ngày với những tin tức về việc Đảng Dân chủ đâm đơn kiện, tờ Newsweek chạy tít: “Donald Trump được cấp (kinh doanh) sáu mặt hàng mới tại Trung Quốc, có khả năng xung đột lợi ích hơn nữa”.

Tờ báo này cho biết mới có thêm 6 dịch vụ của tập đoàn Trump được cấp phép tại Trung Quốc, trong đó có cả lĩnh vực thú y. Đây là một thông tin rất bình thường nếu như ông Trump không phải là tổng thống Mỹ!

Đảng Dân chủ có cái lý của mình khi khởi kiện. Hiến pháp Mỹ cấm các quan chức liên bang chấp nhận quà tặng hoặc thù lao từ các chính phủ nước ngoài.

Hiến pháp cũng cấm tổng thống chấp nhận lợi ích kinh tế hoặc thù lao từ chính quyền liên bang hoặc tiểu bang, ngoài lương tổng thống.

Vấn đề là trong 230 năm qua, chưa có tòa án nào đã giải nghĩa chính xác “thù lao” là gì. Đơn giản là do chưa có một tiền lệ làm ăn như thế ở cấp... tổng thống.

Thật ra, ngay từ tháng 11 năm ngoái, vấn đề này từng được nêu ra khi ông Trump chưa nhậm chức.

Phản ứng của ông Trump lúc đó rất “đơn giản”, trong một phỏng vấn của tờ New York Times: “Luật pháp hoàn toàn đứng về phía tôi. Tổng thống làm sao có xung đột lợi ích được”.

Quả thật là luật pháp Mỹ đã chỉ cấm các viên chức thôi chứ đâu có cấm các... tổng thống! Có xung đột lợi ích hay không, tòa án sẽ phán quyết, song Đảng Dân chủ kiện thì cứ kiện.

Trong một góc nhìn khác, mang tính chính trị, cũng có thể xem đây là một đòn tấn công khác nữa của Đảng Dân chủ nhằm “phục hận” thất cử sau khi đã bày hết keo này tới keo khác, quật văng được cố vấn an ninh quốc gia Flynch mà chưa “vật” ngã được đối thủ Trump, rồi gần đây là điều tra về quan hệ “ngoài luồng” với Nga... E rằng đây chưa phải là “đòn thù cuối cùng”.

Chuyện xung đột lợi ích như trên là điều hoàn toàn rất dễ xảy ra ở bất cứ đâu. Nếu như ở Mỹ nay mới có chuyện một doanh nhân lên làm tổng thống nên chưa kịp thiết đặt những “lan can” phòng ngừa, thì ở Pháp đã có sẵn những “lan can” như thế qua các luật lệ kê khai tài sản tất tần tật cho tới các bộ trưởng và đại biểu quốc hội, trước khi nhậm chức và sau khi rời chức tăng giảm như thế nào...

Vậy mà cũng đã có những khe hở chưa kịp che chắn dẫn đến một số vụ tai tiếng nhấn chìm thanh danh và sự nghiệp cựu thủ tướng François Fillon đang tràn trề khí thế được bầu làm ứng cử viên đại diện cánh hữu.

Chẳng qua ông này đã tự bổ nhiệm vợ ông làm trợ lý trong quốc hội, nên bị tố là để vợ lãnh lương khống. Rút kinh nghiệm vụ đó, từ tháng 3 năm nay, Quốc hội Pháp ra quy định cấm chỉ việc tuyển thân nhân làm trợ lý!

Chuyện làm ăn của Tổng thống Mỹ ở Trung Quốc, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ... có làm hại gì lợi ích quốc gia Mỹ hay không, tòa án Mỹ sẽ trả lời.

Chưa bao giờ xung đột giữa lợi ích cá nhân và lợi ích quốc gia lại bùng nổ như bây giờ, khi mà những người có quyền chức tự đồng hóa chức quyền của mình với lợi ích của gia đình hay của các thân hữu. Khi lợi ích quốc gia đi vắng, liệu quốc gia đó sẽ thăng tiến hay suy vong?

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên