Tám tổng thống sau đó được bầu cử dân chủ (gồm cả Tổng thống Yoon hiện tại) đều vướng bê bối. Ngay cố Tổng thống Kim Dae Jung, nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Hòa bình, cũng không tránh khỏi đánh giá tiêu cực. Ông bị cáo buộc hối lộ Triều Tiên để tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lịch sử...
Một ngày tháng 4-1960, khi hàng ngàn sinh viên Hàn Quốc tràn xuống đường phố Seoul đòi trả lại lá phiếu chân chính, từ phủ tổng thống, ông Syngman Rhee - người từng là biểu tượng của độc lập và trí tuệ thời thanh xuân - đứng lặng im sau lớp kính dày, chứng kiến sự phản kháng mãnh liệt của người dân.
Tổng thống đầu tiên
Ông Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) từng sống sót qua tra tấn, tù đày, lưu vong và cả những năm tháng chiến tranh khốc liệt, nhưng giờ đây quyền lực của ông đang lung lay hơn bao giờ hết. Không súng ống, không ngoại bang, không uy quyền nào ngăn được dòng người biểu tình đang cuồn cuộn đổ về trước phủ tổng thống. Tiếng hô vang "tự do" của sinh viên khi ấy không chỉ là một cuộc biểu tình, mà còn là bước ngoặt mở ra trang sử mới cho nền dân chủ Hàn Quốc.
Cuộc đời ông Syngman Rhee, vị tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, là chuỗi những sự kiện lịch sử phức tạp. Ông xuất thân là nhà đấu tranh giành độc lập dân tộc trước ách đô hộ của Nhật Bản, từng học tập tại Mỹ và thành gương mặt tiêu biểu của phong trào dân tộc chủ nghĩa. Tuy nhiên, sau khi trở thành tổng thống đầu tiên của Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) năm 1948, sự cứng rắn về chính trị, cách cai trị độc đoán và những lần bị cáo buộc gian lận bầu cử đã dần làm xói mòn uy tín của ông. Đỉnh điểm là cuộc nổi dậy của sinh viên tháng 4-1960 đã dẫn đến việc ông phải rời bỏ quyền lực, sống lưu vong tại quần đảo Hawaii (Mỹ) mấy chục năm và qua đời tại đó ở tuổi 90 .
Sinh năm 1875 tại vùng Pyongsan, tỉnh Hwanghae (nay thuộc Triều Tiên), ông Rhee lớn lên khi Triều Tiên đang bị đe dọa bởi các thế lực bên ngoài, chủ yếu là Nhật Bản và các cường quốc. Ông tiếp nhận nền giáo dục Nho giáo truyền thống, rồi theo học trường giáo hội Giám lý (một giáo phái Tin lành dòng chính), ở đó ông đã học tiếng Anh và sau cải đạo Thiên Chúa giáo.
Cuối thế kỷ 19, ông Rhee nổi lên như nhà hoạt động dân tộc chủ nghĩa đầy nhiệt huyết. Năm 1896, ông tham gia Câu lạc bộ Độc lập nhằm cổ vũ nền độc lập Triều Tiên trước sự xâm chiếm của Nhật Bản. Tuy nhiên, sự đàn áp của phe thân Nhật làm câu lạc bộ giải tán năm 1898 và ông Rhee bị bắt giam cho tới năm 1904. Ra tù, ông sang Mỹ, tiếp tục học và trở thành người Triều Tiên đầu tiên nhận bằng tiến sĩ Đại học Princeton năm 1910, theo Bách khoa toàn tư Britannica.
Nhiều thập niên ông Rhee sống lưu vong, hoạt động không ngừng nhằm vận động quốc tế ủng hộ độc lập cho Triều Tiên. Năm 1919, ông được bầu làm tổng thống "Chính phủ Lâm thời Đại Hàn" tại Thượng Hải (dù vắng mặt). Tuy nhiên, sau thời gian mâu thuẫn với các nhà cách mạng trẻ hơn, ông dần bị gạt ra lề. Ông quay về Mỹ sống ở Washington D.C trong Thế chiến II và tiếp tục kêu gọi các đồng minh ủng hộ nền độc lập bán đảo Triều Tiên.
Sau năm 1945, Nhật Bản đầu hàng, Thế chiến II kết thúc, ông Rhee về quê hương trên danh nghĩa là chính trị gia duy nhất trên bán đảo Triều Tiên khi ấy có mối quan hệ gần gũi người Mỹ. Với danh tiếng sẵn có, ông sớm thống lĩnh đời sống chính trị miền Nam, lúc này nằm dưới sự chiếm đóng của Mỹ. Ông thúc đẩy độc lập trên bán đảo và phản đối mọi kế hoạch trì hoãn.
Bằng cách tận dụng các nhóm chính trị và lực lượng bán vũ trang, ông củng cố quyền lực của mình. Năm 1948 Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) ra đời, ông trở thành vị tổng thống đầu tiên của quốc gia mới này. Song cũng từ đây, hình ảnh của ông Rhee dần chuyển hướng, nắm quyền với "bàn tay sắt", chủ trương đàn áp đối lập trong nước, phớt lờ các yêu cầu tự do dân chủ.
Cách mạng Tháng Tư
Ông Rhee tái đắc cử 3 nhiệm kỳ liên tiếp các năm 1952, 1956 và 1960 nhưng đều bị tố gian lận. Theo báo Korea Times, thời điểm đó người dân, đặc biệt là sinh viên và tầng lớp trí thức, ngày càng bất mãn chính phủ của ông Rhee. Họ chán ghét sự đàn áp chính trị, nạn tham nhũng và tình trạng kinh tế suy trầm của đất nước. Hàn Quốc dưới thời ông Rhee là nước nông nghiệp nghèo, sống dựa viện trợ của Mỹ. Ông không có tầm nhìn kinh tế và từ chối kế hoạch kinh tế 5 năm do các quan chức đề xuất năm 1957.
Những năm cuối thập niên 1950, sự ủng hộ cho ông Rhee ngày càng giảm. Năm 1956, ứng viên đối lập Trương Miễn (Chang Myon) giành được ghế phó tổng thống, cho thấy làn sóng bất mãn và xu hướng chống đối ông Rhee đã dần xuất hiện trong nền chính trị Hàn Quốc thời đó. Đến năm 1960, khi ông Rhee tiếp tục ý đồ kéo dài quyền lực thông qua một cuộc bầu cử bị nghi ngờ gian lận nghiêm trọng, giọt nước đã tràn ly.
Sự phẫn nộ bùng lên đặc biệt sau "sự kiện Masan". Tháng 3-1960, thành phố Masan, tỉnh Nam Gyeongsang là nơi đầu tiên diễn ra cuộc biểu tình phản đối gian lận bầu cử. Theo tư liệu trang web của Hiệp hội Nghiên cứu và Đào tạo ngoại giao (Adst.org) tại Hoa Kỳ, cảnh sát đã nổ súng vào người biểu tình làm bạo lực leo thang. Vài tuần sau, thi thể sinh viên Kim Ju Yul bị mất tích khi tham gia biểu tình được tìm thấy bên bờ biển ở Masan với trái đạn hơi cay găm hộp sọ. Hình ảnh rùng rợn này, khi được truyền thông trong nước loan tin, đã khơi dậy phẫn uất trong công chúng. Chính quyền ông Rhee cố gắng bưng bít nhưng bất thành.
Ngày 19-4-1960, sinh viên Đại học Korea, Seoul xuống đường phản đối bạo lực cảnh sát, yêu cầu tổ chức bầu cử lại. Cảnh sát lại nổ súng, lần này giết chết hàng trăm sinh viên. Hình ảnh các thanh niên trí thức ngã xuống càng khiến làn sóng phẫn nộ lan rộng. Giảng viên, giáo sư, người dân thường cùng nhập cuộc biểu tình, đòi ông Rhee từ chức.
Sự kiện này, còn được gọi là "Cách mạng Tháng Tư" (April Revolution, còn được gọi là Cách mạng 19 Tháng 4 hoặc Phong trào 19 Tháng 4), đẩy tình hình tới bờ vực hỗn loạn. Ngày 25-4-1960, nhiều giáo sư, trí thức cũng xuống đường. Áp lực từ mọi phía, cộng thêm sự phản đối từ Quốc hội Hàn Quốc và cả Chính phủ Mỹ, ông Rhee không còn đường lùi. Ngày 27-4-1960 ông từ chức, chấm dứt 12 năm cầm quyền.
Lịch sử và nhân dân phán xét
Ông Rhee lưu vong trong suốt 1/3 cuộc đời còn lại ở quần đảo Hawaii (Mỹ) và qua đời tại đó vào năm 1965 ở tuổi 90. Kết cục đáng buồn cho một nhân vật từng đóng vai trò quan trọng trong việc đặt nền móng cho Hàn Quốc độc lập.
Theo tờ Korea Times, nhiều học giả cho rằng đóng góp tích cực nhất của ông Rhee là giúp nền cộng hòa Hàn Quốc non trẻ tồn tại sau chiến tranh, dù là sự tồn tại lay lắt. Ông thất bại trong việc thiết lập các truyền thống dân chủ căn bản như bầu cử công bằng hay chuyển giao quyền lực hòa bình. Nói cách khác, 12 năm cầm quyền của ông thường bị xem là một thất bại bởi vì không có gì trở nên tốt hơn cho đến khi ông rời ghế.
Thực tế, cũng có nhiều người cho rằng lịch sử phần nào đó đã không ưu ái ông Rhee khi ông nhậm chức trong thời kỳ đầy hỗn loạn: bạo lực tả - hữu, nội chiến, tái thiết sau chiến tranh…
Tuy nhiên, chính sự thiếu vắng tầm nhìn kinh tế và cải cách chính trị đã biến nhiệm kỳ của ông thành một giai đoạn trì trệ. Nếu ông chịu chấp nhận thất bại trong bầu cử, nỗ lực xây dựng hệ thống dân chủ, có lẽ hình ảnh lịch sử đã bớt khắc nghiệt với ông hơn.
-------------------------------
Kỳ tới: Yun Bo Seon - Tổng thống chưa được nửa nhiệm kỳ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận