12/10/2016 11:06 GMT+7

​Tổng thống Duterte có được phép chia tay Mỹ?

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Không ít lần Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói thẳng về chuyện dừng các thỏa thuận quốc phòng với Mỹ. Nhưng liệu ông có thể dễ dàng làm điều đó?

Tổng thống Duterte ngày càng phản ứng mạnh với người Mỹ - Ảnh: Reuters

Do bực tức trước những lời chỉ trích về cuộc chiến chống ma túy bị cho là quá bạo lực từ phía Mỹ, chưa kể việc cảm thấy Philippines bị Mỹ chèn ép suốt nhiều năm qua, Tổng thống Duterte đã nhiều lần đặt câu hỏi về tương lai của liên minh lâu đời của đất nước mình với Mỹ.

Nhiều quan chức chính quyền Tổng thống Barack Obama đã tỏ ý nhẫn nhịn nhấn mạnh đến sức mạnh của mối quan hệ giữa hai nước, trong khi một số quan chức Philippines cũng không ít lần nhắc đến mối quan hệ “cứng như đá tảng, vững như đồng” của hai nước trong hơn nửa thế kỷ qua.

Tuy nhiên điều đó có vẻ không còn được như các bên đang ra sức hàn gắn sau những phát biểu đầy ý định và quyết tâm của ông Duterte.

Hãng tin Bloomberg đặt ra những vấn đề pháp lý về khả năng Philippines "chia tay với Mỹ”.

1. Hai nước hiện có các thỏa thuận hợp tác quốc phòng nào?

Có 3 thỏa thuận: Hiệp ước Phòng thủ chung ký kết năm 1951, Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự ký kết năm 1998 và Thỏa thuận Hợp tác quốc phòng nâng cao ký kết năm 2014.

Hiệp ước Phòng thủ chung có hiệu lực sau khi Mỹ đã trao trả độc lập cho Philippines vào năm 1946. Đây cũng là năm đánh dấu cho sự khởi đầu của mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Hiệp ước này là trung tâm của các mối quan hệ quốc phòng hai nước từ đó đến nay. Hiệp ước này là một trong bảy hiệp ước phòng thủ chung mà Mỹ ký kết với các nước.

Tám điều khoản của Hiệp ước cho phép kêu gọi mỗi bên trợ giúp chống lại các cuộc tấn công vũ trang, và "đáp ứng những mối nguy hiểm chung theo quy trình lập pháp của mình" nếu một trong hai bên bị tấn công.

Như vậy, theo hiệp ước này, Philippines và Mỹ sẽ cùng phản ứng trong trường hợp một trong hai nước bị tấn công. Nhưng Hiến pháp Philippines thay đổi vào năm 1987 lại có điều khoản cấm binh sĩ và căn cứ của nước ngoài đặt tại Philippines.

Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (Philippines-United States Visiting Agreement) có hiệu lực từ ngày 27-5-1999, cho phép quân đội hai nước thăm viếng nhau. Thỏa thuận ra đời do những nỗ lực của Mỹ với mong muốn cho quân đội nước này hiện diện thường xuyên ở Philippines.

Thỏa thuận này mang tính chi tiết hơn, nêu rõ các chi tiết pháp lý cho việc lực lượng quân sự Mỹ được hoạt động tại Philippines. Nó bao gồm tất cả mọi thứ, từ các quy định hộ chiếu cho đến gui trình thủ tục nhập khẩu thiết bị quân sự và cả qui trình xử lý hình sự đối với quân nhân vi phạm.

Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao (EDCA) là cái mới nhất, đạt được giữa chính quyền Tổng thống Barack Obama và Tổng thống Benigno Aquino, người tiền nhiệm của Tổng thống Duterte. Các điều khoản trong đó cho phép sự hiện diện nhiều hơn của quân đội Mỹ tại các căn cứ quân sự Philippines và xây dựng cơ sở mới trong các căn cứ.

Ngày 28-4-2014, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin, và Đại sứ Mỹ ở Manila Philip Goldberg, đã ký Thỏa thuận EDCA tại một căn cứ quân sự, chỉ vài giờ trước khi Tổng Thống Obama có chuyến công du hai ngày tới Manila.

Với thỏa thuận EDCA, Washington muốn chứng minh rằng người Mỹ đã đến Philippines một cách hợp pháp. Theo EDCA, quân đội Mỹ được luân phiên hiện diện rộng lớn hơn trên lãnh thổ Philippines. Thời hạn thỏa thuận là 10 năm với điều kiện Mỹ không được lập căn cứ lâu dài và cũng không có quyền đưa vũ khí hạt nhân đến Philippines.

Thỏa thuận không nêu rõ số lượng binh sĩ Mỹ được phép hiện diện ở Philippines và cũng không xác định căn cứ nào quân đội Mỹ có thể đóng quân. Cũng theo thỏa thuận EDCA, Philippines và Mỹ sẽ thực hiện nhiều cuộc tập trận chung hơn nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của Manila.

Binh sĩ Mỹ hướng dẫn quân sự cho binh sĩ Philippines - Ảnh: AFP

2. Tổng thống Duterte không hài lòng chuyện gì với các thỏa thuận trên?

Tổng thống Rodrigo Duterte, ngay sau khi nắm quyền vào cuối tháng 6 vừa qua, từng đặt câu hỏi về việc liệu Mỹ có bảo vệ Philippines nếu Trung Quốc chiếm giữa các bãi cạn và rạn san hô đang tranh chấp ở Biển Đông. Đây cũng là mối hoài nghi đã tồn tại trong các quốc gia Đông Nam Á nhiều thập niên qua.

Đó là chưa kể điều gì sẽ xảy ra nếu Quốc hội Mỹ không phê chuẩn việc cho phép quân đội Mỹ thực thi phản ứng quân sự, và có bao gồm các vùng đang tranh chấp hay không. Một tài liệu ngoại giao của Mỹ hồi năm 1976 (được giải mật sau này) cho biết các thỏa thuận quân sự Mỹ-Philippines không bao gồm các khu vực tranh chấp như quần đảo Trường Sa.

"Tôi hỏi thiệt nha. Chắc mấy ông thực sự nghĩ rằng chúng tôi cần các thỏa thuận quân sự đó?"
Tổng thống Rodrigo Duterte phát biểu nhắm vào người Mỹ hôm 11-10

3. Tổng thống Duterte có thể chấm dứt các thỏa thuận theo cách nào?

Ông Duterte có thể làm việc này nhưng sẽ mất một thời gian. Hiệp ước Phòng thủ chung, được Thượng viện mỗi nước phê chuẩn, có thể chấm dứt trong một năm sau khi một bên đưa ra quyết định và gửi thông báo cho bên kia. Điều quan trọng là cho đến giờ cụm từ "thông báo" không được xác định rõ ràng trong qui định.

Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự được xem là một hiệp ước chính thức ở Philippines vì ​đã được Thượng viện Philippines phê chuẩn, và được xem như một thỏa thuận được thực thi ở phía Mỹ. Các bên có thể chấm dứt nó sau 180 ngày sau khi gửi thông báo bằng văn bản cho bên kia.

Thỏa thuận EDCA được xem là một thỏa thuận đi vào thực thi ở cả hai bên. Thời hạn thực thi ban đầu là 10 năm, và sẽ tiếp tụ có hiệu lực sau thời hạn đó trừ khi một trong hai bên quyết định chấm dứt nó bằng thông báo văn bản cho bên kia trước một năm.

4. Các nhà lập pháp Philippines có cần phải ký hủy bỏ thỏa thuận?

Không cần thiết. Hiến pháp Philippines chỉ yêu cầu cần ít nhất 2/3 các thượng nghị sĩ phê duyệt thỏa ước quốc tế, chứ không nhắc gì về việc chấm dứt chúng. Ông Pacifico Agabin, một chuyên gia về hiến pháp và là cựu trưởng khoa của Trường Luật, Đại học Philippines, cho biết quyết định kết thúc một thỏa ước quốc tế "hoàn toàn nằm trong tay của Tổng thống”.

Binh sĩ Philippines. Ông Duterte muốn xây dựng quân đội vững mạnh và không phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ - Ảnh: AFP

5. Chuyện này từng xảy ra trước đây?

Philippines, vốn là thuộc địa của Mỹ trong gần 50 năm cho đến khi độc lập, vẫn thường định kỳ đánh giá lại mối quan hệ quân sự với Mỹ.

Hiệp định Căn cứ Quân sự ký kết năm 1947, tức một năm sau khi Philippines được trao trả độc lập, ban đầu là một thỏa thuận kéo dài 99 năm.

Nó cho phép Mỹ hiện diện quân sự ở Philippines. Theo đó, Washington đã thiết lập hai căn cứ ở Clark và Subic.

Trong quá trình thực thi Hiệp định đã được sửa đổi nhiều lần để tăng bồi thường kinh tế hay chủ quyền cho Philippines, trong đó có cả một lần sửa đổi để chấm dứt nó vào năm 1991.

Sau khi Hiệp định Căn cứ Quân sự 1947 giữa Philippines và Mỹ bị hết hạn vào năm 1991, các căn cứ quân sự, binh sĩ nước ngoài không được phép hiện diện tại Philippines nữa. Hơn nữa, Thượng viện Philippines cũng bác bỏ việc phê chuẩn hiệp ước gia hạn cho Mỹ thuê hai căn cứ Subic và Clark.

Vào đầu những năm 1990, các nhà lãnh đạo của hai nước tìm cách mở rộng các hiệp ước qui đinh cho người Mỹ được giữ những gì ở tiền đồn quân sự lớn nhất của mình ở Tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tình cảm chống thực dân ngày càng dân cao khiến Thượng viện Philippines từ chối một thỏa thuận mới, và Mỹ buộc đóng cửa tất cả các căn cứ của mình tại Philippines vào năm 1992.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên