
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu - Ảnh: TTXVN
Chiều 13-5, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì cuộc họp Ban Bí thư về triển khai và tình hình lấy ý kiến nhân dân, các ngành, cấp đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp 2013.
Đa dạng hóa các hình thức để nhân dân đóng góp ý kiến sửa Hiến pháp
Phát biểu tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ các công việc.
Nhất là việc lấy ý kiến nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013, đảm bảo đúng tiến độ, để trình Quốc hội theo đúng chương trình của kỳ họp.
Tổng Bí thư lưu ý cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về mục đích, ý nghĩa, phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Đa dạng hóa các hình thức để nhân dân đóng góp ý kiến, không hạn chế bất cứ hình thức nào, đảm bảo phát huy dân chủ, thực chất.
Tăng cường vận động nhân dân góp ý thông qua ứng dụng VNeID, ứng dụng công dân số quốc gia.
Tổng Bí thư chỉ rõ các cơ quan theo nhiệm vụ phân công cần làm tốt công tác tổng hợp ý kiến của nhân dân, đảm bảo ghi nhận đầy đủ, khách quan ý kiến đóng góp theo đúng phạm vi, nội dung sửa đổi Hiến pháp 2013 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Tăng cường công tác đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc hại trên không gian mạng liên quan đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.
Ban Bí thư giao cho Đảng ủy Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan tổng kết quá trình lấy ý kiến nhân dân sau khi đã hoàn thành nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc lấy ý kiến nhân dân đối với những vấn đề lớn của đất nước trong thời gian tới.

Tổng Bí thư và nhiều vị lãnh đạo tại phiên họp - Ảnh: TTXVN
Nếu cứ giữ tư duy cũ không phân cấp hoặc phân cấp nửa vời sẽ rất khó làm việc
Một số vấn đề có liên quan đến việc thực hiện nghị quyết 18, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Đảng ủy Chính phủ tập trung thực hiện phân cấp triệt để, quyết liệt, khẩn trương, sao cho địa phương, nhất là cấp xã, cấp tỉnh phải nắm được những nội dung trong phân cấp quản lý.
Phải thay đổi cơ bản tư duy, nếu cứ giữ tư duy cũ không phân cấp hoặc phân cấp nửa vời sẽ rất khó làm việc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh vấn đề phân cấp quản lý nhà nước phải đưa được vào hệ thống với sự phân công rất rõ ràng, phân cấp đến các nhiệm vụ để bộ máy phải chạy, ai cũng phải làm theo đúng chức năng, nhiệm vụ của mình.
Xác định phân cấp là để phục vụ trực tiếp yêu cầu của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, đảm bảo giải quyết mọi yêu cầu của nhân dân ở cơ sở. Trung ương, cấp tỉnh chỉ làm chính sách. Đầu mối mà đại diện cho chính quyền các cấp là ở cơ sở.
Theo Tổng Bí thư, trên cơ sở phân cấp sẽ phải tổ chức tập huấn, cập nhật những vấn đề mới, hướng dẫn rất cụ thể cho cán bộ về những việc cần làm, phải làm.
Không được để tình trạng cán bộ đùn đẩy trong công việc, không thấy hết trách nhiệm của mình. Đây mới là nội dung quan trọng để đánh giá cán bộ.
Trước những yêu cầu của nhân dân, các công việc của đất nước, cán bộ phải thể hiện rất rõ quan điểm của mình về giải quyết vấn đề đó như thế nào. Nếu công việc vượt quá thẩm quyền thì chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tìm giải pháp giải quyết.
Phải quán triệt rõ tinh thần đó và tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho cán bộ. Tất cả những công việc, yêu cầu nói trên phải được triển khai rất khẩn trương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận