
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Kim Phương, nguyên giám đốc Viện Tim TP.HCM, được đồng nghiệp và bệnh nhân yêu thương gọi là "người lương y của những trái tim" - Ảnh: NVCC
Với hơn 30 năm cống hiến, bác sĩ Phan Kim Phương đã miệt mài gieo mầm sự sống, thắp lên hy vọng, hồi sinh nhịp đập cho hàng ngàn trái tim người Việt.
Không chỉ là một bác sĩ tài năng và tận tụy, bà còn là biểu tượng của lòng nhân ái vô bờ bến.
Hành trình từ sản phụ khoa đến giám đốc Viện Tim TP.HCM
Tốt nghiệp bác sĩ vào năm 1983 chuyên sản phụ khoa, nhưng một cơ duyên vào năm 1989 đã đưa bác sĩ Phan Kim Phương (nguyên giám đốc Viện Tim TP.HCM, hiện nay là người sáng lập và cố vấn chuyên môn tại Bệnh viện Tim Tâm Đức) đến với những dấu son trong lĩnh vực phẫu thuật tim mạch tại Việt Nam.
Ngày ấy, sau khi ra trường, bác sĩ Phương công tác tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, nơi được Sở Y tế TP.HCM lựa chọn để thực hiện chương trình "Mổ tim thị phạm". Chương trình này nhằm tìm kiếm và đào tạo phẫu thuật viên cho dự án Viện Tim TP.HCM, dự kiến đi vào hoạt động năm 1992.

Bác sĩ Phương luôn tận hiến cho nghề với tâm niệm: "Cứu được một trái tim là cứu cả một cuộc đời" - Ảnh: NVCC
Tham gia chương trình, bác sĩ Phương dần cảm thấy say mê chuyên ngành tim mạch, nhưng chưa từng nghĩ rằng mình sẽ được chọn để tiếp tục đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực phẫu thuật tim. Tuy nhiên, chính cơ duyên này đã mở ra một hành trình mới, khởi đầu cho những đóng góp to lớn của bà trong ngành tim mạch Việt Nam.
"Có lẽ đó là một duyên may khi tôi đã có được cơ hội đặc biệt ấy. Sau chương trình Mổ tim thị phạm, tôi được giáo sư Alain Deloche trực tiếp phỏng vấn và vỡ òa hạnh phúc khi biết mình có tên trong danh sách.
Tôi là một trong hai phẫu thuật viên tim đầu tiên của Viện Tim, được tham gia chương trình đào tạo từ tháng 12-1989 đến cuối tháng 11-1991 tại một bệnh viện danh tiếng về phẫu thuật tim ở Paris, Cộng hòa Pháp" - bác sĩ Phương bồi hồi nhớ lại.
Sau hai năm đào tạo bài bản tại Pháp, không chỉ về chuyên môn mà còn về tư cách và trách nhiệm của một phẫu thuật viên, bác sĩ Phương trở về Việt Nam với khát khao mãnh liệt đối với những trái tim. Bà ngay lập tức cùng các đồng nghiệp bắt tay vào chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để thực hiện ca mổ tim đầu tiên của Viện Tim TP.HCM vào ngày 1-1-1992.
Niềm hạnh phúc khi chứng kiến bệnh nhân hồi phục sau ca phẫu thuật, sự biết ơn sâu sắc với những người thầy đã tận tâm chỉ dạy, cùng sự hỗ trợ quý báu từ Sở Y tế và lãnh đạo các cấp TP.HCM đã trở thành động lực to lớn để bác sĩ Phương kiên trì theo đuổi nghề.
Lúc bấy giờ, sự ra đời và đi vào hoạt động của Viện Tim TP.HCM cũng là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của ngành phẫu thuật tim mạch tại Việt Nam.
"Mình phải làm thật tốt để cứu cho nhiều người bệnh tim đang mong chờ được phẫu thuật điều trị". Đó không chỉ là suy nghĩ nhất thời mà đã trở thành tâm niệm suốt hơn 30 năm qua, thúc đẩy bác sĩ Phương tiếp tục cống hiến cho ngành y và tận tâm hơn cho những trái tim đang cần được hồi sinh nhịp đập.
Một "bàn tay vàng" và một "trái tim hồng"
Bác sĩ Phan Kim Phương chia sẻ rằng phẫu thuật tim là một trong những chuyên ngành khó nhất trong y khoa, luôn đặt bác sĩ trước những thử thách đầy cam go. Bệnh tim mạch rất đa dạng, từ hàng trăm loại dị tật bẩm sinh phức tạp đến các bệnh lý van tim, cơ tim, động mạch vành và mạch máu lớn, mỗi trường hợp đều mang một đặc điểm riêng biệt.
"Mỗi ca bệnh là một bức tranh riêng, không có ca nào giống ca nào và cũng không có công thức chung trong phẫu thuật", bác sĩ Phương trải lòng.

Kiến thức và kỹ năng chuyên môn sâu được trau dồi bài bản là nền tảng cho hàng ngàn ca phẫu thuật tim thành công được thực hiện bởi Bác sĩ Phương, trong đó có nhiều ca phức tạp và nguy hiểm - Ảnh: NVCC
Chính vì thế, mỗi ca mổ đối với bà đều là một thử thách mới, đòi hỏi sự sáng tạo, kiên nhẫn và tự tin. Nhưng điều quý giá nhất mà bà luôn hướng đến chính là "trái ngọt" sau cùng: "Chữa lành trái tim bị bệnh, mang lại cho người bệnh một cuộc sống mới".
Dành trọn tâm huyết cho chuyên ngành phẫu thuật tim, bác sĩ Phương thừa nhận đây là một hành trình đầy thử thách, đặc biệt đối với một người phụ nữ như bà. Nhưng chính tình yêu nghề, cùng niềm vui khi thấy bệnh nhân hồi phục, đã giúp bà vượt qua tất cả.
Không chỉ là một bác sĩ tài năng, với nhiều năm gắn bó trong ngành, bác sĩ Phương còn thấu hiểu sự vất vả của cả ê kíp y tế - từ bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên đến nhân viên y công - những con người làm việc không ngừng nghỉ để giành lại sự sống cho bệnh nhân.
Nên khi đảm nhận vai trò quản lý, bà luôn tâm niệm ba điều quan trọng là đào tạo thế hệ trẻ, cải thiện cơ sở vật chất và chuyển giao kỹ thuật.
Trong suốt 22 năm cống hiến tại Viện Tim TP.HCM, bác sĩ Phan Kim Phương không chỉ trực tiếp tham gia điều trị mà còn góp phần quan trọng vào công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật tim cho nhiều trung tâm và bệnh viện trên cả nước.
Đặc biệt, bà là một trong những người đặt nền móng cho sự ra đời của Bệnh viện Tim Tâm Đức - một mô hình xã hội hóa với sứ mệnh "Mổ tim cứu người".
"Tôi cảm thấy tự hào khi bản thân đã đóng góp cho sự phát triển của ngành phẫu thuật tim TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Viện Tim TP.HCM - nơi tôi đã gắn bó 22 năm - không ngừng đổi mới, phát triển nhiều kỹ thuật tiên tiến, xứng đáng là trung tâm phẫu thuật tim hàng đầu cả nước", bác sĩ Phương tâm sự.
Không giấu được niềm vui, bác sĩ Phương chia sẻ niềm tự hào khi chứng kiến các đồng nghiệp trẻ - những thế hệ tiếp nối - ngày càng vững vàng, làm chủ nhiều kỹ thuật tiên tiến, góp phần đưa nền phẫu thuật tim mạch Việt Nam vươn tầm khu vực và thế giới.
"Hiện nay, ngoài các kỹ thuật mổ tim ít xâm lấn giúp bệnh nhân giảm đau và mau hồi phục, các đồng nghiệp trẻ tại các trung tâm phẫu thuật tim trên cả nước còn thực hiện thành công những ca ghép tim và ghép tim phổi. Đây là bước tiến vượt bậc trong vòng 5 năm qua, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành phẫu thuật tim Việt Nam", bác sĩ Phương chia sẻ đầy tự hào.
Một hành trình truyền cảm hứng, nhiều dấu son rực rỡ
Là một trong những phẫu thuật viên tim đầu tiên của Viện Tim TP.HCM, bác sĩ Phan Kim Phương được đào tạo bài bản tại Bệnh viện Broussais, Paris, Pháp (1989 - 1991) và hoàn thành thạc sĩ y học chuyên ngành phẫu thuật tim mạch - lồng ngực tại Đại học Y Dược TP.HCM vào năm 2005.
Với tài năng và sự tận tâm, bác sĩ Phương đã chiếm trọn sự tín nhiệm của đồng nghiệp và giới y khoa, lần lượt đảm nhiệm vai trò phó giám đốc (1992 - 2007) và giám đốc Viện Tim TP.HCM (2008 - 2014), góp phần đưa Viện Tim trở thành trung tâm phẫu thuật tim hàng đầu cả nước.
Năm 2006, mang theo sứ mệnh "Mổ tim cứu người", bác sĩ Phan Kim Phương cùng tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Chiếu đã sáng lập Bệnh viện Tim Tâm Đức - một bệnh viện chuyên khoa tim mạch hiện đại, giúp tăng công suất phẫu thuật, kịp thời cứu sống hàng ngàn "trái tim" đang chờ đợi.
Không chỉ tận hiến với nghề, bác sĩ Phương còn khởi xướng chương trình Mổ Tim Từ Thiện (MT3), phối hợp cùng đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Tim Tâm Đức để thực hiện những ca phẫu thuật miễn phí, mang lại hy vọng sống cho hàng ngàn bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, chương trình vẫn tiếp tục lan tỏa giá trị nhân văn sâu sắc, đúng như tâm niệm của bà: "Cứu được một trái tim là cứu cả một cuộc đời".
Bệnh viện Tim Tâm Đức: "Không để nhiều trái tim phải chờ đợi"
Viện Tim TP.HCM chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-1-1992, nhanh chóng trở thành niềm hy vọng sống của hàng ngàn bệnh nhân mắc bệnh tim. Với những ca mổ thành công đạt tỉ lệ 97,6%, Viện Tim đã cứu sống nhiều bệnh nhân, nhưng đến cuối năm 1999 vẫn còn hơn 5.000 người mắc bệnh tim cần phẫu thuật phải chờ đợi.
Trước thực trạng đó, Viện Tim đã chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện lớn tại Huế và Hà Nội nhằm chia sẻ gánh nặng phẫu thuật tim, đồng thời tìm giải pháp để tăng công suất điều trị.
Nhận được sự đồng thuận và khuyến khích từ lãnh đạo TP.HCM, Sở Y tế TP.HCM và Hội đồng lãnh đạo Viện Tim, Bệnh viện Tim Tâm Đức được thành lập và chính thức khánh thành vào ngày 8-3-2006.
Sau 19 năm hoạt động, Bệnh viện Tim Tâm Đức đã trở thành bệnh viện chuyên khoa tim mạch kỹ thuật cao, cung cấp đầy đủ các dịch vụ như: khám, chẩn đoán và điều trị bệnh lý tim mạch - chuyển hóa; cấp cứu - hồi sức tim mạch; thông tim can thiệp động mạch vành, động mạch chủ, động mạch ngoại biên; thông tim chẩn đoán và điều trị bệnh tim bẩm sinh, điện sinh lý tim, khảo sát và điều trị rối loạn nhịp tim; phẫu thuật tim tiên tiến…
Mỗi năm, 80.000 bệnh nhân đến Bệnh viện Tim Tâm Đức điều trị, không chỉ từ TP.HCM mà còn từ Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, và cả bệnh nhân quốc tế từ Campuchia cũng như người nước ngoài đang sinh sống tại Việt Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận