25/04/2025 09:11 GMT+7

Tôn vinh gương mặt tiêu biểu của TP.HCM 50 năm: 5 giờ sáng đã thấy giáo sư Văn Tần khám bệnh

Hình dung của nhiều thế hệ y bác sĩ về cố giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Văn Tần - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân TP.HCM - là một người thầy mặc áo blouse trắng, hiền lành nhưng nghiêm khắc.

Văn Tần - Ảnh 1.

Giáo sư Văn Tần ngồi làm việc tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - Ảnh: TRẦN NHUNG

GS.TS.BS Văn Tần luôn đến bệnh viện từ 5h sáng để thăm khám cho từng bệnh nhân, đặc biệt là những trường hợp phức tạp và chỉ rời bệnh viện ra về khi phố phường đã lên đèn.

Giáo sư Văn Tần chính là người mổ ung thư tụy cho mẹ tôi và đã giúp mẹ tôi sống thêm được một thời gian, mặc dù khi ấy ông cũng đã cao tuổi. Tôi luôn nhớ ơn, kính trọng và xem giáo sư là người thầy của mình.
Thực tế giáo sư Văn Tần đã là vị thầy đáng kính của nhiều người thầy. Suốt hàng chục năm đời mình, giáo sư đã đào tạo nên nhiều thế hệ bác sĩ ngành y.
Bác sĩ Nguyễn Hồng Dũng, nguyên cán bộ Sở Y tế TP.HCM, tâm sự về giáo sư Văn Tần.

Mổ tách cặp song sinh Việt - Đức: Kỳ tích y học

Tận tâm, giản dị như thế, ông đã làm nên kỳ tích y học mà những thế hệ sau còn nhắc mãi: mổ tách thành công cặp song sinh Việt - Đức. Về miền mây trắng ở tuổi 92, thế nhưng những gì mà vị bác sĩ khả kính đã tận hiến về y đức, niềm say mê nghề nghiệp và lẽ sống ở đời vẫn luôn còn cháy bỏng trong tâm thức nhiều người.

Ngược dòng thời gian những năm 1960 khi đất nước còn chìm trong khói lửa đạn bom, chàng trai quê đất lửa Quảng Trị dành tâm huyết cho sự học. 

Ông tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1965 và trở thành tiến sĩ y khoa năm 1967, khi mới ngoài 30 tuổi. Từ năm 1971, giáo sư Văn Tần gắn bó với Bệnh viện Bình Dân và bắt đầu hành trình cống hiến không ngừng nghỉ.

Bệnh viện Bình Dân là một trong những chiếc nôi của ngành ngoại khoa tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Là một bác sĩ giỏi, một người thầy hết mình truyền đạt kiến thức y khoa, giáo sư Văn Tần còn chú tâm với những công trình nghiên cứu công phu, tỉ mỉ.

Văn Tần - Ảnh 2.

Bác sĩ Văn Tần đứng giữa, bác sĩ Trần Đông A (phải), bác sĩ Trần Thành Trai (trái) cùng ê kíp ca phẫu thuật tách đôi cặp song sinh dính liền Việt - Đức tại Bệnh viện Từ Dũ ngày 4-10-1988 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Trong cuộc đời dài của mình, ông đã tiến hành hơn 30.000 ca phẫu thuật, hầu hết là đại phẫu. Trong ngành y, người thầy thuốc giản dị này được tôn vinh là bác sĩ phẫu thuật động mạch giỏi nhất Việt Nam và là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật cắt thần kinh giao cảm ngực, phẫu thuật phình động mạch chủ bụng.

Dấu son trong sự nghiệp của bác sĩ Văn Tần có thể kể đến ca mổ tách cặp song sinh dính nhau Nguyễn Việt - Nguyễn Đức. Hai anh em là con của một đôi vợ chồng nghèo tại huyện Sa Thầy, Kon Tum, chào đời năm 1981.

Sau đó Việt sống đời thực vật, trong khi Đức vẫn tỉnh táo. Việt và Đức được đưa sang Nhật chữa trị nhưng không thể mổ tách. Nếu tiếp tục tình trạng này, nguy cơ tính mạng Đức bị đe dọa ngày càng cao, khiến ai nghe chuyện cũng thương xót và thầm mong có một phép màu.

Đầu năm 1988, Bệnh viện Từ Dũ đề nghị cho mổ tách hai anh em. Đó là cuộc phẫu thuật được chuẩn bị bảy tháng, qua nhiều tranh luận, bởi hai anh em có ba chân, chung bàng quang, hậu môn, bộ phận sinh dục. 

Ngày 4-10-1988, ca mổ diễn ra. Bác sĩ Văn Tần là một trong ba phẫu thuật viên chính cùng giáo sư Trần Đông A và bác sĩ Trần Thành Trai, và 70 y bác sĩ Việt - Nhật khác.

Sau 15 giờ cân não, ca mổ tách thành công tốt đẹp. Sự tận tụy của giáo sư Văn Tần cùng các đồng nghiệp đã góp phần làm nên kỳ tích y học, ghi danh kỷ lục Guinness thế giới năm 1991. Sau mổ, Việt sống đời thực vật 19 năm rồi qua đời, Đức lớn lên bình an và hiện có một gia đình nhỏ rộn tiếng cười.

Văn Tần - Ảnh 3.

Hai anh em song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức - Ảnh tư liệu

Một đời giản dị, tận hiến cho ngành y

Sau khi về hưu, vị giáo sư đáng kính vẫn gắn bó Bệnh viện Bình Dân trong vai trò cố vấn chuyên môn. Không chỉ là một bác sĩ tài năng, ông còn là người thầy mẫu mực, tận tâm với sự nghiệp giáo dục.

Ông từng là giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y Dược TP.HCM, truyền đạt kiến thức và kinh nghiệm cho nhiều thế hệ sinh viên. Bài học đầu tiên mà ông dạy các học trò là về đạo đức của người thầy thuốc, luôn tận tâm hướng về người bệnh.

Một chi tiết nói lên cuộc đời giản dị của vị giáo sư, đó là căn phòng làm việc của ông trong những năm tháng đó và mãi sau này cũng chỉ đơn sơ kệ sách, bộ bàn ghế, máy tính… 

Và có một bức ảnh mà ông quý trọng rất nhiều: chân dung giáo sư Phạm Biểu Tâm - chuyên gia về phẫu thuật và là người thầy mà ông hết mực kính trọng.

Trong căn phòng ấy, vào những giây phút ngơi việc khám chữa bệnh, vị giáo sư khả kính lại đắm chìm trong những công trình nghiên cứu, viết lách, tìm tòi phương pháp truyền đạt cho sinh viên. 

Thậm chí, những năm tuổi đời đã U90, ông còn tập tành làm quen với công nghệ để dạy học trực tuyến trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát.

Lá vàng lìa cành, giáo sư Văn Tần đã ra đi mãi mãi vào 10h15 sáng 4-9-2023, nhưng nhiều thế hệ đồng nghiệp và học trò vẫn khắc ghi hình ảnh mẫu mực và những lời tâm huyết của ông. 

Từng tham gia ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức, giáo sư Võ Văn Thành chia sẻ rằng thời gian làm việc tại Bệnh viện Bình Dân, ông có một năm rưỡi học về ngoại khoa tổng quát và đó là dịp được học hỏi giáo sư Văn Tần.

Văn Tần - Ảnh 4.

Các giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM thăm giáo sư, tiến sĩ Văn Tần vào năm 2022 - Ảnh: ThS.BS CKI Lê Anh Duy cung cấp

"Anh Tần nổi bật với cá tính ít nói, siêng năng, làm việc nghiêm túc, không quản ngại đến bệnh viện bất kể đêm ngày khi các đồng nghiệp trẻ cần tham vấn, hay trực tiếp đứng mổ. 

Cá tính đặc biệt của anh là biểu lộ một sự cương nghị khi thấy bệnh cần có chỉ định phẫu thuật. Anh phán đơn giản một chữ: mổ" - giáo sư Thành kể lại với nhà báo Kim Sơn trong dịp kỷ niệm 35 năm ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức.

Còn bác sĩ Lê Thiện Khiêm (giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) từng là học trò của giáo sư Văn Tần. Trong trí nhớ của bác sĩ Khiêm, thầy Văn Tần giản dị, nghiêm chỉnh trong tác phong nhưng ân cần khi thăm khám cho người bệnh.

Một bác sĩ giỏi không chỉ cần tay nghề vững mà còn phải có tấm lòng nhân hậu, song hành với trách nhiệm là lòng trắc ẩn. Và những người thầy thuốc trẻ sẽ nhớ mãi tấm gương của giáo sư Văn Tần, luôn nỗ lực hết sức mình để mang lại hy vọng cho bệnh nhân, dù là nhỏ nhoi.

Giáo sư Văn Tần có hơn 60 năm giảng dạy, đã xuất bản 10 đầu sách chuyên ngành cùng hơn 300 công trình nghiên cứu các bệnh lý ngoại khoa từ chấn thương chỉnh hình, lồng ngực, tim mạch, thần kinh.

Ông từng giữ các chức vụ quan trọng như phó chủ tịch Hội Ngoại tim mạch, lồng ngực Việt Nam; chủ tịch Phân hội nội soi lồng ngực Việt Nam; thành viên ban chấp hành các hội ngoại khoa, ung thư, khoa học tiêu hóa, gan mật Việt Nam và một số hội quốc tế.

Với những đóng góp to lớn, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú năm 1997, Thầy thuốc nhân dân năm 2005 và Anh hùng Lao động năm 2006. Ông còn được trao tặng Huân chương Lao động hạng I, huy chương Vì thế hệ trẻ, giải thưởng Phạm Ngọc Thạch về cải tiến phẫu thuật phình động mạch chủ và nhiều danh hiệu cao quý khác.

5 giờ sáng, đã thấy giáo sư Văn Tần đến khám cho bệnh nhân - Ảnh 5.Giáo sư Văn Tần: ‘Một đời thinh lặng cứu người’

Lắng đọng trong tôi là hình ảnh giáo sư Văn Tần, một người thật hiền từ, ít nói, điềm đạm, nhẹ nhàng mà thẳng thắn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên