04/09/2023 21:59 GMT+7

Giáo sư Văn Tần, người mổ tách cặp song sinh Việt - Đức, qua đời

THU HIẾN
và 1 tác giả khác

GS.TS.BS Văn Tần, một trong những bác sĩ phẫu thuật chính của ca tách song sinh Việt - Đức, đã qua đời vào ngày 4-9.

Giáo sư Văn Tần ngồi làm việc tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - Ảnh: TRẦN NHUNG

Giáo sư Văn Tần ngồi làm việc tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) - Ảnh: TRẦN NHUNG

Tối 4-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo Bệnh viện Bình Dân xác nhận GS.T.S.BS Văn Tần đã từ trần lúc 10h15 sáng 4-9 tại nhà riêng, hưởng thọ 92 tuổi.

GS Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Ông từng là phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân từ năm 1981, đã trực tiếp tham gia hàng chục ngàn ca mổ khó, phức tạp.

Ngoài ra, GS Văn Tần còn có nhiều cải tiến trong nghiên cứu khoa học được báo cáo nhiều nơi trong nước và trên thế giới.

Ông từng giữ các chức vụ như: phó chủ tịch hội ngoại tim mạch, lồng ngực Việt Nam; chủ tịch phân hội nội soi lồng ngực Việt Nam; thành viên ban chấp hành các hội: ngoại khoa, ung thư, khoa học tiêu hóa, gan mật quốc gia Việt Nam...

GS Văn Tần là điển hình cho tấm gương “lương y như từ mẫu”. Dù nghỉ hưu đã lâu nhưng vẫn miệt mài với công việc và coi Bệnh viện Bình Dân là ngôi nhà thứ hai của mình.

Ông từng là phẫu thuật viên chính của ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh anh em dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức tại Bệnh viện Từ Dũ, cùng giáo sư Trần Đông A, Trần Thành Trai...

Bác sĩ Văn Tần (đứng giữa), bác sĩ Trần Đông A (phải), bác sĩ Trần Thành Trai (trái) cùng ê kíp ca phẫu thuật tách đôi cặp song sinh dính liền Việt – Đức tại Bệnh viện Từ Dũ ngày 4-10-1988 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Bác sĩ Văn Tần (đứng giữa), bác sĩ Trần Đông A (phải), bác sĩ Trần Thành Trai (trái) cùng ê kíp ca phẫu thuật tách đôi cặp song sinh dính liền Việt – Đức tại Bệnh viện Từ Dũ ngày 4-10-1988 - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Ca mổ trở thành mốc son trong lịch sử y học Việt Nam, không chỉ cứu sống được bệnh nhân mà còn thay đổi cách nhìn của thế giới về y học Việt nam.

Sau khi nghỉ hưu, ông ở lại bệnh viện làm cố vấn chuyên môn, tiếp tục công tác giảng dạy y khoa cho nhiều thế hệ sinh viên, bác sĩ tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Trường đại học Y Dược TP.HCM.

Các giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM thăm GS.TS Văn Tần vào năm 2022 - Ảnh: ThS.BS CKI Lê Anh Duy cung cấp

Các giảng viên Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM thăm GS.TS Văn Tần vào năm 2022 - Ảnh: ThS.BS CKI Lê Anh Duy cung cấp

Từng là học trò khi là sinh viên năm 4 và 6 của GS.TS.BS Văn Tần tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, bác sĩ Lê Thiện Khiêm - giảng viên công tác tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch - rất thương tiếc khi người thầy lớn của bao thế hệ bác sĩ ngoại khoa đã qua đời.

“Vẫn nhớ hình ảnh thầy rất giản dị nhưng nghiêm chỉnh trong tác phong, ân cần và kỹ lưỡng trong thăm khám cho bệnh nhân…

Thầy đã cống hiến cả đời, hết lòng và tận tâm cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, mong thầy an nghỉ”, bác sĩ Khiêm chia sẻ.

GS.BS Trần Đông A: "Ca mổ cặp song sinh sẽ là dấu mốc lịch sử ngành y Việt Nam"GS.BS Trần Đông A: 'Ca mổ cặp song sinh sẽ là dấu mốc lịch sử ngành y Việt Nam'

TTO - Dành thời gian nghỉ hiếm hoi ngoài phòng mổ, GS.BS Trần Đông A - tham vấn chuyên môn - nhận định ca mổ 2 bé Trúc - Diệu sẽ là cột mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam, kể từ sau 32 năm tách mổ thành công cặp song sinh Việt - Đức.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên