GS.BS Trần Đông A - tham vấn chuyên môn trường hợp hai bé gái song sinh dính vùng bụng chậu - Ảnh: DUYÊN PHAN
GS.BS Trần Đông A là 1 trong 9 người tham vấn chuyên môn trường hợp hai bé gái song sinh dính vùng bụng chậu cực kỳ hiếm gặp đang mổ tách tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố vào ngày 15-7.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online ngoài phòng mổ, GS.BS Trần Đông A nhắc lại ca mổ tách cặp anh em song sinh dính liền Việt - Đức năm 1988 mà ông là trưởng kíp kiêm phẫu thuật viên chính ca này. Lúc bấy giờ, ngành y tế Việt Nam thiếu các trang thiết bị y tế hiện đại phục vụ ca tách mổ nên cần hỗ trợ từ nước ngoài, cụ thể là Nhật Bản.
Còn với trường hợp song sinh Trúc - Diệu được thực hiện từ trang thiết bị y tế hiện đại và đội ngũ y bác sĩ đều do chính Việt Nam thực hiện, GS.BS Trần Đông A đánh giá tỉ lệ thành công trường hợp hai bé ít nhất trên 75%.
"Tham gia nhiều ca mổ phức tạp, trong đó có ca mổ tách cực khó cho hai anh em song sinh dính liền Việt - Đức vào 32 năm trước tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), tôi là một trong rất ít nhân chứng chứng kiến sự tiến bộ của ngành y tế nói riêng và Việt Nam nói chung sau 32 năm.
Trước đây, chúng ta không có trang thiết bị y tế nên phải nhờ hỗ trợ từ Nhật Bản, còn bây giờ tự lực làm được hết. Tôi cho rằng ca mổ tách rời này sẽ là một dấu mốc lịch sử cho sự tiến bộ của ngành y tế Việt Nam" - GS.BS Trần Đông A hi vọng.
Nói về tỉ lệ rủi ro còn lại của cặp song sinh Trúc - Diệu, GS cho rằng trong y học, không có điều gì chắc chắn và chính xác tuyệt đối. Tất cả chỉ là dự kiến khi cuộc mổ chưa kết thúc. Những biến cố có thể xảy ra và hướng xử lý ra sao đã được tính toán kỹ lưỡng từ trước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận