Vẫn biết sinh tử là quy luật của tạo hóa nhưng hôm nay nghe tin thầy - giáo sư Văn Tần ra đi mãi mãi, bỏ lại phía sau những ước mơ, những dự án cứu người và nhất là bỏ lại thiên chức "mẹ hiền", tôi vẫn cảm thấy thảng thốt.
Mới ngày nào, chúng tôi còn tròn mắt thán phục về những ca mổ cực khó của thầy, hay mê mẩn ngồi nghe thầy giảng như nuốt từng chữ. Vậy mà…
Chúng tôi luôn tự hào là học trò của thầy, trước đây, bây giờ và mãi mãi về sau.
Một tấm lòng nhân hậu
Thầy với bố vợ tôi (giáo sư Nguyễn Khánh Dư) cũng gần bằng tuổi nhau, nghĩa là thuộc về thế hệ vàng của nền y học Việt Nam, là những "cây đa, cây đề" trong nền y học Việt Nam hiện đại. Tôi không làm việc trực tiếp dưới sự hướng dẫn và dạy bảo của thầy, mà chỉ qua những lần gặp gỡ, những buổi sinh hoạt khoa học tại Bệnh viện Bình Dân và các hội nghị khác.
Tôi được gặp thầy nhiều hơn khi có một dạo thầy được bầu làm chủ tịch Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM, lúc ấy tôi làm phó chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký.
Muốn gặp thầy không phải dễ đâu nhé, vì từ rất sớm vào khoảng 5h sáng thầy đã đi buồng khám bệnh. Kể cả bệnh nhân mổ ngày hôm qua và bệnh nhân dù chưa mổ cũng được thầy thăm khám tỉ mỉ như chính người thân của mình.
Sau 7h, khi giao ban xong là thầy đi mổ và ở suốt ngày trong phòng mổ có khi đến gần 22h cho đến khi hoàn thành ca mổ cuối cùng.
Chỉ có vào khoảng 6h, khi thầy đi buồng khám bệnh xong, tôi mới mạnh dạn xin cô điều dưỡng trưởng vào gặp thầy.
Thầy thường tiếp chúng tôi đầm ấm, nhanh nhẹn và quyết đoán cũng giống như thầy giáo sư Cormier, chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật mạch máu của Pháp và châu Âu mà tôi hân hạnh được theo học.
Tôi có cảm tưởng các thầy lớn và nhất là thầy đều đối xử tình cảm và ấm áp đối với học trò. Có lẽ chính điều này là thể hiện của bản chất người thầy, bản chất người cha xứng đáng với danh vị giáo sư mà mọi người dân đã mến tặng.
Không biết do thầy có cảm tình với tôi hay do tôi quý mến thầy, mà lần nào gặp thầy đều hỏi thăm tôi học hành thế nào, viết được bao nhiêu bài báo, bao nhiêu cuốn sách rồi?
Đầm ấm như tình cha con, những câu hỏi của thầy kèm theo những lời động viên thấm đẫm tình người làm tôi cay cay sống mũi. Rất biết ơn thầy, dù một lời thăm hỏi động viên trong cơn bĩ cực cũng làm lòng tôi mát dịu như qua bao nắng hạn gặp cơn mưa rào. Lời thầy động viên xuất phát từ tấm lòng làm tôi thêm ý chí và nghị lực. Cảm ơn người thầy với tấm lòng nhân hậu!
Tấm gương sáng về tình yêu khoa học
Có một chuyện nhỏ nhưng không phải ai cũng biết. Đó là thầy rất yêu khoa học và hết lòng phục vụ khoa học. Điều này không phải qua số lượng bài báo và công trình khoa học, mà qua cách thầy tham dự các hội nghị khoa học kỹ thuật cả trong và ngoài nước.
Bao giờ thầy cũng chuẩn bị cho tham luận hay góp ý kiến và nhất là lúc nào cũng ngồi tham gia đến phút cuối, trong khi nhiều người, trong đó có cả chúng tôi, thì quá ư là "chểnh mảng".
Niềm xúc động vô biên khi đứng trước linh cữu thầy, chúng tôi biết nơi chín suối thầy đang mỉm cười hài lòng với những việc làm của mình trong suốt chín mươi năm trên cõi trần thế. Thầy mãi mãi là tấm lòng và nhân cách Việt Nam, chúng tôi tự hào là học trò của thầy!
Điển hình của tấm gương "lương y như từ mẫu"
Giáo sư Văn Tần sinh năm 1932 tại Quảng Trị. Ông từng là phó giám đốc Bệnh viện Bình Dân từ năm 1981 và có nhiều cải tiến trong nghiên cứu khoa học được báo cáo nhiều nơi trong nước và trên thế giới.
Ông từng giữ các chức vụ như phó chủ tịch Hội Ngoại tim mạch, lồng ngực Việt Nam; chủ tịch Hội Phẫu thuật lồng ngực và tim mạch TP.HCM; chủ tịch Phân hội Nội soi lồng ngực Việt Nam; thành viên ban chấp hành các hội: Ngoại khoa, Ung thư, Khoa học tiêu hóa, gan mật quốc gia Việt Nam...
GS Văn Tần là điển hình cho tấm gương “lương y như từ mẫu”. Ông từng là phẫu thuật viên chính của ca mổ huyền thoại tách cặp song sinh dính nhau phần xương chậu, có hai chân và một chân cụt là Nguyễn Việt và Nguyễn Đức tại Bệnh viện Từ Dũ, cùng giáo sư Trần Đông A, Trần Thành Trai...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận