Gần đây trào lưu ăn đồ tươi sống đang thịnh hành.
Ăn đặc sản tươi sống nhiễm ký sinh trùng
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (Viện Sốt rét - ký sinh trùng và côn trùng trung ương) không ít trường hợp bệnh nhân bị tổn thương não, gan do nhiễm ký sinh trùng.
Điển hình như ông D.V.P. (58 tuổi, trú tỉnh Thái Nguyên) đang điều trị đợt thứ ba tại đây. Trước đó, ông P. có sức khỏe hoàn toàn bình thường. Hôm đó ông bất ngờ co giật, méo miệng, không nói được. Gia đình nghi ngờ đột quỵ nên đã đưa đi cấp cứu, tuy nhiên ông P. được chẩn đoán không đột quỵ.
Theo bác sĩ Tạ Huy Hải, ông P. đã điều trị đợt thứ ba do bệnh viện tuyến dưới chuyển lên nghi ngờ sán heo tấn công vào não, khi chụp phim hình ảnh thấy có tổn thương sán não ở giai đoạn hoạt động.
Ông P. cho hay: "Tôi không hiểu tại sao ăn vào miệng mà sán lại bò lên não được. Trước đó tôi cũng thỉnh thoảng có ăn tiết canh heo nhà làm".
Một trường hợp khác cũng điều trị tại bệnh viện này, chị H.T.D. (29 tuổi, trú tỉnh Lạng Sơn), bất ngờ được bác sĩ thông báo nghi nhiễm sán lá gan trong lần khám sức khỏe định kỳ.
Chị D. cho biết bình thường chị rất khỏe mạnh, chưa từng mắc bệnh gì. Sau khi kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm, chị D. được bác sĩ chẩn đoán mắc bệnh sán lá gan do thói quen ăn đồ sống. Chị phải nằm viện điều trị 10 ngày theo phác đồ điều trị của bác sĩ.
Chị D. cho hay có ăn nhiều rau sống như rau xà lách, diếp cá. Trước khi ăn, gia đình còn rửa sạch và ngâm nước muối. Tất cả đều là do nhà trồng nên nghĩ an toàn.
Ngoài ra, tại bệnh viện, không ít bệnh nhân nhiễm sán lá phổi do ăn "đặc sản" cua sống, gỏi cua nhập viện trong tình trạng nôn ra máu, tràn dịch phổi. Những trường hợp phổi tổn thương nặng sẽ mất nhiều thời gian để điều trị, phục hồi.
Ký sinh trùng "lạc chỗ" gây tổn thương đa tạng
Bác sĩ Phan Thị Thu Phương - Bệnh viện Đặng Văn Ngữ - cho biết sán lá gan gây ra tổn thương nhu mô gan. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ký sinh trùng đi lạc chỗ sang một số cơ quan khác, ví dụ như thành bụng, thành dạ dày, các mô dưới da.
Tại bệnh viện đã ghi nhận những trường hợp sán lá gan lạc chỗ tại cánh tay, tuyến vú. Với bệnh sán lá gan nếu không được điều trị đúng cách, bệnh nhân sẽ bị áp xe gan, vỡ gan.
Về nguyên nhân gây sán lá gan, bác sĩ Phương lý giải do người bệnh ăn phải thức ăn nhiễm mầm bệnh. Sán lá gan thường ký sinh ở các loại rau thủy sinh, dưới nước.
"Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân chia sẻ không ăn rau thủy sinh nhưng vẫn nhiễm sán lá gan. Việc dùng nước dưới sông hồ tưới rau trên cạn, nếu nguồn nước nhiễm ký sinh trùng thì đây cũng là nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra, các loại ốc, cua... sống trong môi trường nước cũng có thể mang mầm bệnh.
Ký sinh trùng sẽ bị tiêu diệt trong nhiệt độ cao, vì vậy cách đơn giản nhất là ăn chín uống chín. Đồng thời quá trình nuôi trồng cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm", bác sĩ Phương chia sẻ.
Còn đối với sán não, theo bác sĩ Hải, là do ấu trùng sán heo gây ra. Sán heo có hai thể là sán ký sinh trong não và sán ký sinh dưới cơ. Nguyên nhân mắc bệnh là do ăn phải ấu trùng sán heo từ thói quen ăn thịt heo chưa được nấu chín, nem chạo hoặc thịt nướng chưa chín kỹ, tiết canh.
Nguy hiểm nhất khi sán ký sinh trong não sẽ khiến người bệnh có thể gặp phải những cơn động kinh nặng nhẹ khác nhau. Những triệu chứng như mất ngủ, rối loạn giấc ngủ... Một số triệu chứng khác hiếm gặp hơn như yếu liệt nửa người, cảm giác và vận động có những bất thường...
Tẩy giun định kỳ có phòng được sán?
Theo bác sĩ Tạ Huy Hải, nhiều người cho rằng chỉ cần tẩy giun định kỳ sẽ có thể phòng các loại ký sinh trùng, sán gan, sán lá phổi hay sán heo. Điều này hoàn toàn không đúng. Việc tẩy giun định kỳ thường có tác dụng tẩy các loại giun thông thường như giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim... chứ không có tác dụng với các loại sán. Mỗi người vẫn cần tuân thủ nguyên tắc ăn chín, uống chín, giữ gìn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận