
Tạt vôi ổn định môi trường nước ruộng nuôi trước cơn mưa trái mùa tại xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: MINH KHANG
Ngày 22-4, ông Nguyễn Văn Tài, ngụ tỉnh Cà Mau có hơn 1ha nuôi tôm quảng canh ở huyện Đầm Dơi cho biết vuông tôm của ông xuất hiện tình trạng tôm nuôi nổi đầu chết đỏ khoảng một tuần nay.
“Đây là vụ mùa chính trong năm mà gặp cảnh tôm chết này thì ảnh hưởng nhiều đến thu nhập. Hiện tại tôi đã tháo nước ra, phơi đầm cho khô đất rồi vô nước thả lại vụ tôm mới cho kịp nước mặn. Vụ này coi như lỗ vốn tiền bơm nước, cải tạo và thả giống khoảng 15 triệu đồng”, ông Tài than.
Ông Lý Minh Nguyên, huyện Phú Tân, tỉnh Cà Mau cho hay ông đã thả giống và tôm nuôi đang lớn được khoảng 70 con/kg thì bắt đầu có dấu hiệu nổi đầu chết do nắng nóng.
“Cũng may tôi bơm nước vào vuông nhiều để pha loãng, ổn định nhiệt độ nên hiện tại tôm cũng đã giảm chết, chuyến này thiệt hại khoảng 50%, chắc vụ này không có lời nhiều”, ông Nguyên lo lắng.
Tương tự, ông Nguyễn Việt Phi (xã Đông Hưng A, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang) cho biết 1ha tôm quảng canh (10.000 con) của gia đình bị bệnh đốm trắng cách đây nửa tháng.
Sau khi chính quyền hỗ trợ xử lý, tôm chết khoảng 60%, ông bán được số còn lại với giá 170.000 đồng/kg (loại 35 con/kg), thiệt hại ước vài chục triệu đồng. Ông nghi do thời tiết nắng nóng và môi trường nước thay đổi. Hiện ông đã thả nuôi lại tôm và cua.

Hướng dẫn cho người dân xử lý vuông nuôi tôm trước tình trạng thời tiết nắng nóng kéo dài - Ảnh: MINH KHANG
Nói về hiện trang trên, ông Phù Vĩnh Thái - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản - Kiểm ngư tỉnh Kiên Giang - thông tin toàn tỉnh đã thả nuôi tôm được 132.195ha, đạt 96,46% kế hoạch, tăng 1,67% so với cùng kỳ. Thời tiết đang trong giai đoạn mùa khô nắng nóng khá gay gắt làm nhiệt độ tăng cao, kèm theo xuất hiện các cơn mưa trái mùa làm ảnh hưởng đến sức khỏe tôm nuôi, tác nhân gây bệnh dễ tấn công gây hại.
Đến nay toàn tỉnh có trên 250ha nuôi tôm bị thiệt hại, bằng 11,4% so với năm 2024. Trong đó bệnh đốm trắng 141,1ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp và bệnh đốm trắng 12,6ha; bệnh hoại tử gan tụy cấp 8,34ha; thiệt hại do các yếu tố môi trường (sốc nhiệt) 88,45ha.
“Diện tích bị thiệt hại tập trung tại vùng U Minh Thượng (An Minh, An Biên) chủ yếu trong mô hình nuôi tôm - lúa, tôm quảng canh cải tiến. Diện tích nuôi bị thiệt hại với mức độ không lớn, được cán bộ kỹ thuật địa phương hỗ trợ xử lý dịch bệnh theo quy định; đồng thời hướng dẫn cải tạo lấp vụ nuôi đúng theo khung lịch thời vụ thả giống năm 2025”, ông Thái thông tin.
Lãnh đạo Chi cục Thủy sản - Kiểm ngư Kiên Giang khuyến cáo bà con nuôi tôm cần chủ động phòng ngừa thiệt hại do thời tiết phức tạp cuối tháng 4 đến tháng 5. Bố trí ao nuôi, xử lý nước đúng kỹ thuật; gia cố bờ bao giữ nước (1,3-1,5m đối với thâm canh - bán thâm canh; 0,5m trở lên đối với tôm lúa và quảng canh cải tiến). Phát hiện tôm bệnh, báo ngay cán bộ thú y để được hướng dẫn xử lý, tuyệt đối không tự ý xả nước nhiễm bệnh ra môi trường.

Nông dân xem tôm bị bệnh tại xã Đông Hưng, huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang - Ảnh: MINH KHANG
Nắng nóng khiến tôm nuôi quảng canh cải tiến ở Cà Mau thiệt hại trên 98ha, chủ yếu do bệnh đỏ thân (15-40%), tập trung ở Đầm Dơi, Trần Văn Thời và Phú Tân. Nhiệt độ nước không ổn định gây tôm ghim đầu, dẫn đến chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận