Thu hoạch cá tra tại xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) - Ảnh: CHÍ QUỐC |
Trước đó, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) cũng tuyên bố tiếp tục áp thuế chống bán phá giá với tôm của VN trong ít nhất năm năm nữa.
Theo các chuyên gia, bên cạnh nhiều chiến dịch “bôi bẩn” của những nhóm cạnh tranh thì chính các nhà xuất khẩu VN, đặc biệt với sản phẩm cá tra, cũng chịu một phần trách nhiệm đối với việc thủy sản VN bị làm khó khi xuất sang các thị trường.
Chiến dịch bôi bẩn?
Trong một tuyên bố mới đây, chuỗi bán lẻ lớn nhất châu Âu Carrefour, Tập đoàn Esselunga cho biết sẽ ngừng bán các sản phẩm cá tra tại tất cả cửa hàng của tập đoàn này do lo ngại những tác động tiêu cực lên môi trường của các trại nuôi cá tra.
Động thái này được đưa ra sau khi Đài truyền hình Cuatro TV (Tây Ban Nha) phát sóng chương trình “El Punto de Mira” với nội dung chứa đựng thông tin không chính xác và có ý bôi nhọ hình ảnh của cá tra VN đang được nuôi trên dòng sông Mekong đầu năm 2017.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), phóng sự về cá tra VN do phóng viên Ricardo Pardo của Đài truyền hình Cuatro TV (nằm trong Tập đoàn truyền thông Telecinco) trực tiếp đến các cơ sở nuôi cá tra ở ĐBSCL thực hiện.
Tuy nhiên, phóng sự này chỉ đưa những hình ảnh theo mục đích và kịch bản có sẵn tại một số cơ sở nuôi cá tra, có đối chiếu với một số cơ sở nuôi tại Tây Ban Nha để thấy ở Tây Ban Nha chất lượng tốt hơn.
Ngoài ra, phóng sự cũng đưa thông tin điều tra về tình hình kiểm soát phân phối và tiêu thụ cá tra tại Tây Ban Nha, trong đó có việc một số nơi bán cá tra đội lốt cá khác để bán giá cao hơn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký VASEP, cho biết VASEP đã gửi thư phản đối những thông tin sai lệch của phóng sự này, đồng thời chứng minh sự tiến bộ, tính an toàn từ khâu nuôi đến chế biến cá tra tại VN.
Không riêng gì Vasep, nhiều tổ chức quốc tế cũng lên tiếng bảo vệ cá tra VN. Liên minh Nuôi trồng thủy sản toàn cầu (GAA) vừa lên tiếng khẳng định rằng cá tra được nuôi theo phương thức có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe.
Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra.
Trong khi đó, sau khi một số chuỗi siêu thị châu Âu (Ý, Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp) cấm bán cá tra, Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản (ASC) đã phát thông cáo báo chí bày tỏ sự không hài lòng với quyết định này, đồng thời lên tiếng bảo vệ các tiêu chuẩn môi trường nuôi cá tra.
Theo ASC, khi nuôi cá tra theo tiêu chuẩn ASC, người tiêu dùng có thể tin tưởng khi ăn loại cá này.
“Tất cả chứng nhận thủy sản ASC tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt để đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực của nuôi trồng thủy sản” - thông cáo báo chí của ASC khẳng định.
Trao đổi với chúng tôi, giám đốc một doanh nghiệp thủy sản khẳng định một trong những nguyên nhân khiến cá tra VN bị một số nhóm cạnh tranh tại châu Âu thực hiện các chiến dịch truyền thông theo kiểu “bôi nhọ” là do cá tra VN được bán quá rẻ, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của một số nhóm cạnh tranh.
Chẳng hạn vào năm 2011, một kênh truyền hình tại Đức đăng tải một bộ phim tài liệu về cá tra, mô tả loài cá này là rẻ tiền, chất lượng thấp, được nuôi ở vùng nước ô nhiễm.
Trước đó năm 2008, một phóng sự mang tên “Don’t eat this fish: Panga” bằng tiếng Pháp cũng cáo buộc giá cá tra rất rẻ vì nuôi và chế biến không an toàn?!
Đến lượt con tôm gặp hạn
Mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD của VN vào năm 2025 đang gặp rất nhiều thách thức không chỉ với điều kiện nuôi trồng trong nước, mà còn ở những hàng rào do các quốc gia nhập khẩu dựng lên.
Ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ Úc đã cấm nhập khẩu các mặt hàng tôm chưa nấu chín từ nhiều quốc gia, trong đó có VN, do liên quan đến dịch bệnh virút đốm trắng ở tôm nuôi của nước này. Hàng loạt lô tôm của các doanh nghiệp xuất khẩu đã không được nhập khẩu vào thị trường nước này.
Sau Úc, đến lượt Hàn Quốc thông báo sẽ kiểm dịch với các lô hàng thủy sản xuất khẩu vào nước này, trong đó có mặt hàng tôm mà VN đang là nhà cung cấp lớn nhất.
Theo đó, kể từ ngày 1-4-2017 tất cả thủy sản nuôi và tự nhiên nhập khẩu vào Hàn Quốc đều phải có chứng thư do cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu cấp.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-2, ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty Thủy sản sạch VN - Vina Cleanfood (Sóc Trăng), cho biết các doanh nghiệp thủy sản VN vẫn chưa biết cụ thể Hàn Quốc muốn kiểm tra dịch bệnh gì trên tôm và cơ quan nào sẽ kiểm dịch để chuẩn bị.
Tuy nhiên, đây lại là một hàng rào kỹ thuật mới mà các thị trường nhập khẩu dựng lên với tôm của VN.
“Điều khó khăn với các doanh nghiệp không chỉ là mất thêm thời gian và chi phí, mà còn ở chỗ chưa rõ họ muốn kiểm tra gì. Nếu kiểm tra các dịch bệnh thông thường có trong tôm, hoạt động xuất khẩu tôm VN sang thị trường này có thể bị ảnh hưởng” - ông Phục cho biết.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm, quy định mới của Hàn Quốc sẽ làm cho xuất khẩu tôm vào thị trường này gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu tôm VN. Bởi Hàn Quốc đứng thứ 12 về nhập khẩu tôm trên thế giới, trong đó VN là nước cung cấp nhiều tôm nhất cho nước này.
Ông Nguyễn Hoài Nam cũng cho biết từ trước đến nay, Hàn Quốc chỉ yêu cầu kiểm soát về an toàn thực phẩm và không kiểm soát về dịch bệnh. Đây là lần đầu tiên họ yêu cầu kiểm tra về hạng mục này, nên còn gây khó khăn và bỡ ngỡ cho các doanh nghiệp khi chưa có đủ thông tin.
Theo VASEP, Hàn Quốc chiếm 9% tổng xuất khẩu tôm VN và là thị trường nhập khẩu lớn thứ năm của tôm VN sau Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.
Kể từ năm 2014, VN đã vượt qua Trung Quốc, trở thành nước cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường này và duy trì vị trí số 1 tới nay.
Ông Nguyễn Như Tiệp, cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), cho biết sau khi nhận được thông báo này, Nafiqad đã liên hệ với cơ quan chức năng của Hàn Quốc để xem các quy định cụ thể rồi mới thông báo và hướng dẫn các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị.
Doanh nghiệp xuất khẩu tự “lấy đá ghè chân” Dù lên tiếng phản đối những động thái tiêu cực của một chuỗi siêu thị tại EU, nhưng một số chuyên gia ngành thực phẩm cho rằng các nhà xuất khẩu của VN cũng nên xem lại chiến lược bán cá tra vào thị trường này. Từ loại cá có giá khá cao, các nhà xuất khẩu của VN liên tục hạ giá nhằm tăng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này vào châu Âu. Sản lượng tăng nhanh chóng, giá xuống thấp đã giúp cá tra chiếm lĩnh thị trường và cạnh tranh với các loại cá khác vốn có mặt tại EU từ lâu, dẫn đến cuộc chiến về truyền thông. “Không chỉ gây khó chịu cho các nhà cạnh tranh, việc đua nhau hạ giá bán theo kiểu lô hàng sau có giá thấp hơn trước cũng khiến cả doanh nghiệp và người nuôi cá tra VN bị thiệt hại, trong đó người nuôi cá liên tục lỗ trong những năm qua” - một chuyên gia thủy sản khẳng định. |
Kim ngạch xuất khẩu cá tra sang EU giảm mạnh Trong năm 2016, tổng giá trị xuất khẩu cá tra VN sang thị trường châu Âu đạt 260,9 triệu USD, giảm 8,5% so với năm trước đó. Trong đó giá trị xuất khẩu sang 4 thị trường lớn nhất trong EU đều giảm như Hà Lan (-7,5%), Anh (-4,2%), Tây Ban Nha (-6,2%) và Đức (-4,9%) so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu cá tra trung bình sang thị trường EU cũng liên tục giảm. Năm 2016, giá cá tra xuất khẩu trung bình sang thị trường EU dao động ở mức 2,1 EUR/kg, thấp hơn so với mức 2,3 EUR/kg năm 2015. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận