17/04/2018 12:15 GMT+7

Tôi từng có ý định tự tử vì áp lực điểm số

LIÊN NGỌC
LIÊN NGỌC

TTO - Lời đay nghiến của mẹ, những câu hỏi tra khảo tại sao tôi học hành sa sút, những tiếng thở dài của mẹ bao trùm tâm hồn thơ ngây của đứa trẻ lớp 8 khi ấy. Đó là lần đầu tiên trong đầu tôi bất chợt lóe lên ý nghĩ tự tử.

Tôi từng có ý định tự tử vì áp lực điểm số - Ảnh 1.

Ba mẹ tôi đều là giáo viên cấp hai. Thế nên ngay từ nhỏ, chị em tôi luôn phải cố học thật giỏi. Lúc nào mẹ cũng bảo: "Ba mẹ là giáo viên nên con không thể học dốt".

Bởi thế dường như tôi không có thời gian ăn, ngủ. Tôi sợ bị điểm kém, sợ bị xếp sau, tụt hạng so với bạn bè sẽ làm ba mẹ xấu mặt với đồng nghiệp.

Thật buồn là có lúc tôi không biết đâu là nhà của mình. Tất cả cũng vì thời gian tôi ở trường, ở trung tâm ôn luyện nhiều hơn nhà.

Thậm chí, tôi không biết gì ngoài chuyện học nhưng thú thật có lúc tôi không biết mình muốn gì, mình học để làm gì?

"Tôi mãi không sao thoát ra được cảm giác cô đơn ngay trong ngôi nhà mình, ngay bên cạnh ba mẹ mình. Ngày nào, bữa ăn cũng là những lời xa xả mẹ mắng tôi hoặc em gái tôi, tất cả là vì điểm số."

Liên Ngọc

Bởi với tôi, ba mẹ đã ra chỉ thị đạt điểm cao, đứng đầu lớp, thi đỗ trường chuyên, lớp chọn. Tôi ám ảnh, mệt mỏi, tuyệt vọng và cảm thấy bất lực với chuyện học nhưng ba mẹ luôn bỏ ngoài tai sự phản kháng của tôi.

Cho đến khi tôi bị điểm 4 môn toán, mẹ nói một câu: "Mẹ rất sốc vì điểm 4 này và mẹ thật sự thất vọng về con".

Lời đay nghiến của mẹ, những câu hỏi tra khảo tại sao tôi học hành sa sút, những tiếng thở dài của mẹ bao trùm tâm hồn thơ ngây của đứa trẻ lớp 8 khi ấy. Đó là lần đầu tiên trong đầu tôi bất chợt lóe lên ý nghĩ tự tử.

Tự nhiên tôi cảm thấy rùng mình sợ hãi. Tôi tìm đến cô bạn thân để khóc. Thật may mắn là tôi đã vượt qua được ý nghĩ điên rồ, dại dột của mình.

Mỗi ngày chỉ có vài tiếng ngắn ngủi để ăn và ngủ, tôi ao ước giá ba mẹ mình không phải là giáo viên, giá như ba mẹ mình cởi bớt xiềng xích trên vai chúng tôi.

Bạn bè bảo tôi sướng vì có ba mẹ là giáo viên, được ba mẹ dạy kèm. Tuy nhiên, tôi lại thấy mình mới thật bất hạnh. Bởi lẽ từ tiểu học, lúc nào tôi cũng phải là học sinh giỏi, phải là hạng nhất, phải đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi huyện, tỉnh…

Khi tôi nằm ở top 6 của lớp, mẹ tỏ ra tiếc nuối: "Nếu con cố thêm một tí nữa có phải là đã nằm trong tóp 5 rồi không?". Nhìn gương mặt buồn thiu của mẹ, nghe những tiếng thở dài của mẹ, tôi hiểu mình đã khiến mẹ thất vọng đến thế nào.

Khi lên cấp 3, tôi vẫn bị giày vò bởi điểm số và những áp lực. Nhớ năm lớp 12, khi chuẩn bị thi học sinh giỏi tỉnh hai môn (toán, lý), cô giáo chủ nhiệm của tôi nói: "Cô mong em sẽ thể hiện được lời vàng ý ngọc trong bài thi và đạt giải cao để đem lại thành tích cho nhà trường. Đoạt giải nhất, nhì mới mong được thi học sinh giỏi quốc gia".

Còn thầy hiệu trưởng khi đó nói với tôi: "Ít nhất môn toán em phải đoạt giải nhì, còn môn lý ít nhất được giải ba". Tôi sợ cái chữ "ít nhất" của thầy hiệu trưởng nên suốt thời gian đó, tôi luôn cảm thấy căng thẳng.

Khi bước vào phòng thi môn lý, tôi thấy chóng mặt, buồn nôn và sau đó bị ngất. Thật tai hại là cuối cùng tôi chỉ được giải khuyến khích môn toán, làm thất vọng thầy cô.

Tôi cảm thấy thất vọng vì đã lỡ hẹn với thành tích mà thầy cô, nhà trường và ba mẹ đề ra. Khi đó, cô giáo chủ nhiệm của tôi nói: "Lẽ ra em phải ăn uống, nghỉ ngơi điều độ để làm bài thi cho tốt chứ. Em có biết cả trường đã kỳ vọng về em nhiều như thế nào…".

Tôi lại nghĩ về hai chữ "ít nhất" mà thầy hiệu trưởng từng nói với mình. Tôi mệt mỏi về những ngày tháng ấy. Tôi đã nghĩ đến việc tự tử để quên đi. Nhưng rồi phút cuối cùng tôi đã nhận ra: tại sao phải chết?

Nhìn lại chặng đường đã đi qua của mình, có những lúc tôi đã nghĩ đến hành động dại dột, tôi cảm thấy không ít bậc phụ huynh đang bị lú lẩn bởi điểm số. Nhiều người cứ nghĩ con học nhiều, đạt điểm số cao là sẽ thành công.

Để rồi, có lẽ không chỉ riêng tôi mà nhiều đứa trẻ khác đang phải dành hết khoảng thời gian tuổi trẻ chỉ để học. Chúng tôi như những chiếc xe cứ âm thầm chạy, có lúc hỏng hóc vẫn không được nghỉ ngơi để bảo dưỡng, bảo trì…

Điểm số đang giết dần giết mòn con trẻ. Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau, số phận của những học sinh thường chỉ được xoay vần trong ba phần, đó là trường học, lớp học thêm và giường ngủ.

Cái đích và tham vọng của các ông bố, bà mẹ không bao giờ dừng lại và không bao giờ đủ. Bởi thế, không ít bạn trẻ đang cảm thấy cô đơn, không lối thoát khi phải gánh gồng những ước mơ, lý tưởng của mẹ cha.

Từ câu chuyện của mình, tôi nghĩ nếu cha mẹ bớt tham vọng thành tích, nếu cha mẹ bớt hoang tưởng về điểm số, nếu cha mẹ coi trọng giây phút vui chơi của con cái, coi trọng những giấc ngủ ngon của con… chắc chắn các con sẽ được tháo cũi, sổ lòng khỏi gánh nặng học hành.

Học để sống tốt chứ đừng học đến... chết! Đã từng trải qua thời học sinh, sinh viên với nhiều áp lực, bạn suy nghĩ gì về điều này? Hãy chia sẻ với chúng tôi qua phần BÌNH LUẬN dưới bài viết hoặc email: dandt@tuoitre.com.vn. Cảm ơn bạn!

'Mẹ ơi, điểm cao với mẹ quan trọng đến thế sao?'

TTO - 'Mẹ ơi, điểm cao với mẹ quan trọng đến thế sao? - đây vừa là câu hỏi đồng thời cũng là tâm sự nhói lòng của một người con vì áp lực học tập. Với bạn B.T, vì cố gắng làm theo ý mẹ, có lúc bạn thấy mình như con mồi bị rượt đuổi!

LIÊN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên