16/04/2018 13:41 GMT+7

'Tâm thư' một giáo viên nghỉ hưu gởi Bộ trưởng Bộ GDĐT

ĐINH VĂN THIỆN
ĐINH VĂN THIỆN

TTO - Là một giáo viên đã nghỉ hưu, bạn đọc Đinh Văn Thiện thông qua chuyên mục 'Bạn đọc làm báo' gởi tâm thư này đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. Tuổi Trẻ Online xin giới thiệu.

Tâm thư một giáo viên nghỉ hưu gởi Bộ trưởng Bộ GDĐT - Ảnh 1.

Kính gửi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo!

Sau những lùm xùm vừa xảy ra trong môi trường giáo dục, không hiểu ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã quan tâm tới việc các nhà trường phổ thông ứng xử như thế nào với khẩu hiệu "Tất cả vì học sinh thân yêu" chưa?

Ông có quan tâm tới một triết lý "giáo dục là tiếp nhận chứ không phải đào thải" không? Ông có thực sự đau lòng khi nhiều phụ huynh coi một số nhà trường là "trại lính", hay "nhà tù" chưa?

"Trại lính", hay "nhà tù" vốn không có gì là xấu. Do đặc thù của từng đối tượng cần phải rèn luyện mà nó có chức năng đào tạo giáo dục riêng và phương pháp chuyên biệt của riêng nó.

Còn nhà trường là môi trường giáo dục hoàn toàn khác, là nơi đào tạo con người cho tương lai của một đất nước và xã hội nói chung. Đối tượng, mục đích, mục tiêu, phương pháp, kỹ năng riêng.

Tuy nhiên, ngành Giáo dục đã không quan tâm đầy đủ tới mục tiêu này để những ảnh hưởng từ phương diện tiêu cực của thời kỳ kinh tế thị trường làm nảy sinh những chủ trương xã hội hóa mà thực chất là thị trường hóa phi giáo dục len lỏi vào ngôi đền thiêng giáo dục, làm cho Giáo dục nhiều năm qua xuống cấp nghiêm trọng, nhiều người đã phải thốt lên, giáo dục "đang làm sao thế này".

Bài viết này chưa bàn đến chất lượng đội ngũ giáo viên, quan niệm của phụ huynh… mà mới chỉ bàn tới thân phận học trò.

Cả trong hệ công lập lẫn trường tư, nhiều trường coi "thị trường" là cách "làm sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt".

Người ta có thể bằng mọi cách làm cho trường nổi tiếng hơn, tự nghĩ ra công nghệ sản xuất "đầu lọc", đó là các quy định thật hà khắc, để loại trừ những người học trò không thỏa mãn với tiêu chí kiếm tiền của họ, để trường họ dù không phải trường chuyên, không phải trường công, vẫn có nhiều học sinh khá giỏi, tỷ lệ đỗ THPT, CĐ, ĐH cao nhất vùng, nhất tỉnh, nhất nước, đạt chuẩn quốc gia.

Chẳng lẽ các cấp lãnh đạo của ngành giáo dục không thèm đọc những bản nội quy mang tính "trại lính" hay "nhà tù" nhằm đào thải học sinh mà nhiều trường dân lập tư thục in ra thành hàng nghìn, hàng vạn bản mỗi năm phát cho phụ huynh sao?

Ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục hãy ngó xuống bản Nội quy của trường THPT DL N.K (TP.HCM) hay quy đình về các loại hình phạt nhằm hạ nhục con người trong Nội quy của trường THPT DL L.T.V (Hà Nội) mà xem!

Ông Bộ trưởng có biết, ngay tại Hà Nội, một trường THCS, cấp học được nhà nước quy định phổ cập, để đạt chuẩn quốc gia, hàng năm thường buộc hơn năm mươi phụ huynh "tự nguyện" xin chuyển con em mình sang trường khác, nhằm nâng cao chất lượng của nhà trường không?

Đừng nghĩ đó chỉ là bệnh thành tích, nếu chỉ vì bệnh thành tích thì cũng đã không hay, nhưng còn là may. Đây là cách tự PR, tự quảng cáo để có nhiều người xin vào học, như thế sẽ thu học phí cao hơn, thu được nhiều khoản hơn, càng đầy túi tiền hơn.

Hiển nhiên đó chỉ là kỹ thuật kinh doanh bằng các luật lệ hà khắc và sự đào thải nghiệt ngã người học, kiểu kinh doanh giáo dục rất phi giáo dục.

Đẩy học sinh vào trạng thái luôn luôn lo sợ, trầm cảm, mất khả năng tự tin, khuyến khích phụ huynh gián tiếp trở thành phương tiện thực hiện mục đích kinh doanh của họ.

Trong khi đó cứ nhìn vào cơ ngơi, nhà cửa, tiện nghi sống của những "nhà giáo dục" này sẽ biết "trường" của họ đã thu bộn tiền như thế nào !

Xin ông Bộ trưởng lưu ý lại giùm một triết lý cơ bản của giáo dục - "giáo dục là tiếp nhận chứ không phải đào thải".

Bản chất của giáo dục trong nhà trường phổ thông là "tiếp nhận" - "Tiếp nhận để giáo dục" đó là lý do tồn tại của trường học bậc phổ thông.

"Đào thải" không phải là mục đích, cách thức của giáo dục phổ thông.

Chẳng phải Bác Hồ đã nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta: "Trẻ em như búp trên cành/ Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan".

"Biết" nghĩa là hiểu được những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống bình thường như "ăn ngủ", "học hành". Thế là "ngoan" rồi.

Đừng ép "trẻ em" vào mục đích kiếm tiền của người kinh doanh phi giáo dục, đến mức không từ cả việc giám sát học sinh ở quán giải khát, trong nhà vệ sinh, màu tóc hay độ dài của từng xăng ti mét áo nữ sinh…

Triết lý này rất gần với quan niệm của Khổng Tử, người được phong là bậc Đại Thành chí Thánh, là Vạn thế sư biểu, được Bác Hồ coi là "Bậc siêu nhân của nhân loại", có tới ba nghìn học trò từng theo học kiểu Tự lập, Tư thục, đầu tiên trong lịch sử nhân loại từ hai nghìn năm trăm năm trước.

Có một lần các học trò tỏ ý muốn thầy đừng nhận dạy cho một thanh niên là dân ở một vùng nổi tiếng ngỗ ngược, trộm cắp. Khổng Tử đã trả lời "Dạy học là để giáo hóa con người, ta không bao giờ từ chối dạy một người muốn học để thành người và thành đạt, dù người đó xuất phát từ một người như thế nào".

Con người cần được "giáo hóa" nên mới cần đến nhà trường và người thầy. Không có sự "giáo hóa" này xã hội sẽ loạn. Ngôi trường nào từ chối trách nhiệm "giáo hóa" này, chỉ cốt kiếm tiền, cần loại bỏ, nhằm làm trong sạch lại môi trường giáo dục nước nhà.

Kính thư!

Học sinh tự tử vì áp lực học hành, tư lệnh ngành không thể vô can Học sinh tự tử vì áp lực học hành, tư lệnh ngành không thể vô can

TTO - Theo thầy giáo Nguyễn Duy Xuân, để dẫn đến những hệ lụy đau lòng như vừa xảy ra, Bộ trưởng bộ GDĐT là người chịu trách nhiệm đầu tiên bởi chưa bao giờ con em chúng ta lại phải chịu áp lực học hành nặng nề như trong khoảng 10 năm trở lại đây.

ĐINH VĂN THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên