04/09/2019 15:00 GMT+7

'Tôi sẽ kể con nghe ngày khai giảng xưa vui không thể tả'

TUẤN KIỆT (Thanh Xuân, Hà Nội)
TUẤN KIỆT (Thanh Xuân, Hà Nội)

TTO - Nhớ lại những năm 90, ba tháng hè xa trường, xa lớp, xa thầy cô, bạn bè khiến tôi háo hức với ngày khai giảng. Tôi tự tay bọc vở, dán nhãn và thổn thức chờ đợi được mặt bộ quần áo mới đến lớp.

Tôi sẽ kể con nghe ngày khai giảng xưa vui không thể tả - Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Trần Hưng Đạo, quận 1, TP.HCM trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tôi nhớ như in ngày đó cả trường cùng hát quốc ca, cùng vỗ tay rào rào chứ chẳng cần tập vỗ tay như trẻ con bây giờ và cùng nhảy cẫng lên khi buổi lễ kết thúc.

Đứa nọ kể chuyện hè được theo mẹ ra đồng bắt cua, đứa kia tíu tít khoe đi câu cá, câu tôm với ông. Tuyệt nhiên, chẳng đứa nào đề cập đến chuyện học suốt 3 tháng hè ròng rã.

Tuổi thơ ngày ấy vui thế, chẳng như bây giờ, trẻ học mải mướt cả hè, rồi học trước cả tháng mới đi khai giảng.

Lễ tựu trường ngày đó đối với tôi thực sự là ngày hội, cảm giác không ngủ được, hồi hộp chỉ mong trời mau sáng. Tò mò muốn biết sau mấy tháng hè các bạn thế nào, chúng nó có lớn không, để được đo với mấy đứa bạn xem đứa nào cao hơn...

Tôi kể với con về ngày khai giảng của mình, về cảm xúc mới mẻ, hít hà mùi vở mới thơm lừng hay những cuốn sách giáo khoa ngai ngái mùi giấy cũ từ anh chị truyền lại.

Ai đó nói, những gì là khởi đầu thường cho ta cảm xúc tươi mới và bền lâu. Một năm học mới bắt đầu, đứa trẻ sẽ vui với những tấm biểu ngữ màu đỏ trước cổng trường: "Chào mừng ngày hội đến trường của trẻ", "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người"...

Tôi lại nhớ cảm giác mong mình nhanh lớn, nhớ cảm giác được đeo khăn quàng đỏ và cảm giác hớn hở nhảy chân sáo để đến trường dự khai giảng. Tất nhiên, khai giảng thời đó của tôi cũng đơn giản lắm, chẳng có phát biểu thành tích, cả trường cùng đứng chào cờ, hát quốc ca.

Giữa hè và năm học mới có một khoảng cách rất xa, 3 tháng, nên những đứa trẻ có nhiều chuyện để kể, để chí chóe. Và các tiết mục văn nghệ ngày đó cũng rất "cây nhà lá vườn", chẳng rình rang "trống giong cờ mở" như bây giờ nhưng chẳng hiểu sao khai giảng thuở đó chạm đến từng đứa trẻ - như tôi, một đứa không nhiều thành tích trong học tập.

"Trẻ cần một ngày hội thực sự". Chúng ta nghe câu này nhiều rồi nhưng dường như câu chuyện tập khai giảng vẫn diễn ra ở đâu đó. Có khi nào chúng ta tự hỏi, tại sao những đứa trẻ thời nay trở nên hững hờ, lạnh nhạt với ngày khai giảng? Có khi nào chúng ta tiếc cho một ngày hội ý nghĩa đối với những đứa trẻ? Và ai đã đánh cắp đi cảm xúc hân hoan, tự hào của đứa trẻ trong ngày hội của chính mình?

Nhớ hồi sang Pháp du học, tôi được chứng kiến khai giảng tại một ngôi trường tiểu học gần nhà. Họ tổ chức đơn giản lắm và dường như tất cả mọi hoạt động đều dành cho các bạn nhỏ. Ngay trong sân trường có một dãy bàn với bánh kẹo, nước uống, trà để học sinh và cả phụ huynh cùng thưởng thức.

Mọi người gần nhau hơn bằng những câu chuyện đầu năm học và chẳng có một bài phát biểu lê thê nào, chẳng có nghi thức nào, càng không có chuyện tập khai giảng… Nhưng tôi vẫn cảm nhận được sự hân hoan của các bạn nhỏ Pháp trong ngày đầu tiên đến trường.

Và tôi nghĩ, giá trị cuối cùng của ngày khai giảng là cho trẻ cảm giác đó là ngày bắt đầu của năm học mới và mình luôn là trung tâm. Đó cũng là ngày hội thực sự của gia đình.

Ngày khai trường ở Nga cũng diễn ra nhẹ nhàng với bài học về hòa bình. Ở Mỹ, khai giảng không dài dòng mà chủ yếu người ta nhắn nhủ, gửi gắm trách nhiệm với thế hệ trẻ.

Còn ở Việt Nam, phải chăng cả thầy lẫn trò đều cần một ngày hội đến trường nhẹ nhàng, ngắn gọn, bớt lê thê?

Thăm dò ý kiến

Lễ khai giảng hiện nay bị đánh giá là quá hình thức, không ý nghĩa khi học sinh đi học xong mới khai giảng. Theo bạn, nên:

Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.

Bộ trưởng hứa trả lại ngày khai giảng đúng nghĩa cho học sinh Bộ trưởng hứa trả lại ngày khai giảng đúng nghĩa cho học sinh

TTO - Khi 'toàn dân đưa trẻ đến trường', khai giảng không phải chỉ dành riêng cho học sinh, nhưng phải làm sao để thay đổi, để lễ khai giảng 'thực sự vì học sinh', thực sự mang ý nghĩa cho sự khởi đầu vẫn là những câu hỏi còn bỏ ngõ...

TUẤN KIỆT (Thanh Xuân, Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên