20/01/2022 18:09 GMT+7

Tối nay, công bố chủ nhân đầu tiên của giải thưởng khoa học triệu đô tại Hà Nội

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Tối nay 20-1, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, những chủ nhân đầu tiên của Giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu VinFuture sẽ được xướng tên trong một sự kiện đang thu hút sự chú ý.

Tối nay, công bố chủ nhân đầu tiên của giải thưởng khoa học triệu đô tại Hà Nội - Ảnh 1.

Giải thưởng được trao với sự có mặt của nhiều nhà khoa học uy tín hàng đầu thế giới, những người đã có mặt tại Hà Nội để tham dự Tuần lễ khoa học công nghệ do VinFuture tổ chức - Ảnh: NAM TRẦN

Cùng với sự hiện diện của những nhà khoa học hàng đầu thế giới, sự kiện lễ trao giải thưởng VinFuture được tổ chức vào tối 20-1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội còn có sự xuất hiện của hai nhân vật nghệ thuật nổi tiếng thế giới là nghệ sĩ John Legend và nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

Lễ trao giải thưởng VinFuture sẽ diễn ra với sự chứng kiến của lãnh đạo Nhà nước Việt Nam và các nhà khoa học kiệt xuất, là chủ nhân của những giải thưởng khoa học danh giá thế giới như Nobel, Millennium Technology, Turing… 

Lễ trao giải sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam và livestream ra thế giới thông qua các kênh truyền thông quốc tế chuyên về khoa học công nghệ.

Trong sự kiện tối nay, giải thưởng VinFuture sẽ trao 4 giải thưởng. Trong đó giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD và là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất trên thế giới sẽ được trao cho nhà nghiên cứu và công trình khoa học có giá trị vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, mang lại tác động tích cực cho cuộc sống của người dân trên toàn thế giới. 

Ba giải đặc biệt, mỗi giải trị giá 500.000 USD, sẽ dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giáo sư Nguyễn Thục Quyên - đồng chủ tịch hội đồng sơ khảo của giải thưởng - đã hé lộ rằng giải thưởng chính sẽ được trao cho một công trình nghiên cứu  "không chỉ do yếu tố đổi mới, sáng tạo mà còn tác động đến nhiều triệu người trên toàn thế giới".

Tối nay, công bố chủ nhân đầu tiên của giải thưởng khoa học triệu đô tại Hà Nội - Ảnh 2.

GS Katalin Karikó là phó chủ tịch cấp cao của BioNTech, GS thỉnh giảng về phẫu thuật thần kinh tại ĐH Pennsylvania (Mỹ). Công trình của GS Katalin Karikó cùng cộng sự, GS Drew Weissman ở Đại học Pennsylvania, đã đặt nền móng cho 2 vắc xin thành công được Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ngay sau khi công bố mùa giải đầu tiên, VinFuture đã thu hút được sự quan tâm mạnh mẽ của cộng đồng các nhà khoa học thế giới với hơn 1.200 đăng ký đến từ các trường đại học hàng đầu, viện nghiên cứu và viện hàn lâm khoa học thuộc 60 quốc gia ở các châu lục.

Giải thưởng đã tiếp nhận 599 dự án tranh giải, trong đó có gần 100 dự án đến từ các nhà khoa học nằm trong top 2% các nhà khoa học được trích dẫn nhiều nhất thế giới. Nhiều người trong số đó từng nhận các giải thưởng cao quý như Giải thưởng Nobel, Giải thưởng Breakthrough, Giải thưởng Tang Prize, Giải thưởng Japan Prize…

599 dự án được đề cử năm nay được các hội đồng đánh giá có chất lượng cao, vượt trội về tính khoa học, tiên phong về công nghệ, hứa hẹn mang lại tác động tích cực cho hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người trên thế giới. 

Những vấn đề mà các dự án này tập trung giải quyết bao gồm công nghệ y sinh để ứng phó với đại dịch, ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm, sáng tạo vật liệu mới để lưu trữ và sản xuất năng lượng sạch và giá rẻ, nông nghiệp bền vững, công nghệ tiên tiến để tạo ra nguồn nước sạch cho các nước nghèo, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị bệnh hiểm nghèo và tạo ra các cơ hội bình đẳng trong giáo dục.

Các nhà khoa học trong hội đồng giải thưởng đánh giá đây là kết quả vượt xa kỳ vọng với một giải thưởng hoàn toàn mới như VinFuture.

Thành viên của hội đồng giải thưởng và hội đồng sơ khảo của giải thưởng VinFuture là các nhà khoa học và các nhà lãnh đạo uy tín của các tổ chức giáo dục nghiên cứu, các tập đoàn công nghệ - công nghiệp hàng đầu trên thế giới, với những thành tựu được ghi nhận toàn cầu, như:

GS Sir Richard Henry Friend, ĐH Cambridge, Giải Millennium vật lý năm 2010.

GS Gérard Mourou, ĐH Bách khoa École Polytechnique, Giải Nobel vật lý năm 2018.

GS Sir Kostya S. Novoselov, ĐH Manchester, Giải Nobel vật lý năm 2010.

GS Michael Porter, ĐH Harvard, cha đẻ học thuyết "chiến lược cạnh tranh toàn cầu".

GS Leslie Valiant, ĐH Harvard, Giải A.M. Turing năm 2010.

GS Pascale Cossart, trưởng khoa tế bào của Viện Pasteur, Pháp.

GS Đặng Văn Chí, giám đốc khoa học, Viện Nghiên cứu ung thư Ludwig, Hoa Kỳ.

GS Jennifer Tour Chayes, trưởng khoa thông tin, Đại học California, Berkeley, Hoa Kỳ.

TS Xuedong Huang, giám đốc công nghệ, Tập đoàn Microsoft.

GS Vũ Hà Văn, ĐH Yale, giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn - Tập đoàn Vingroup.

TS Padmanabhan Anandan, chủ tịch Telangana AI Mission (T-AIM) Graphic.

Quỹ VinFuture là quỹ hoạt động phi lợi nhuận được sáng lập bởi chủ tịch Tập đoàn Vingroup - ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân - bà Phạm Thu Hương. Quỹ cam kết có sứ mệnh tôn vinh và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học, các sáng chế công nghệ đột phá, đã đóng góp hoặc có tiềm năng đóng góp cho cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất trở nên tốt đẹp hơn, đồng thời kiến tạo môi trường sống bền vững cho thế hệ tương lai.

Giải thưởng khoa học triệu đô của Việt Nam sắp có chủ nhân Giải thưởng khoa học triệu đô của Việt Nam sắp có chủ nhân

TTO - Dù trở ngại do dịch bệnh COVID-19, nhiều nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới ở nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ đang có mặt tại Hà Nội, chuẩn bị cho một sự kiện thu hút được sự chú ý của giới khoa học toàn cầu.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên