Cách đây hơn nửa thế kỷ, đó là năm 1953 khi tôi tròn 23 tuổi, là một người lính nhập ngũ theo lệnh động viên (của chế độ cũ). Sau đó tôi được cử đi học lái xe, xong khóa học thì tôi trở về đơn vị là đại đội công binh đóng ở ngoại ô Cần Thơ. Tôi có nhiệm vụ phụ trách lái một chiếc xe GMC.
Chỉ từ một khoảnh khắc ngắn ngủi trên đường công tác, hành động cúi đầu suy tư rồi kiêu hãnh bước tới của cô gái đã cảm hóa được lòng tôi, để rồi từ khoảnh khắc đó cho tới cuối đời, mỗi khi ngồi vào tay lái, tôi đã trở thành một con người khác
Vệt nước bùn trùm lên cô nữ sinh
Bấy giờ cũng là cao điểm thời chiến của xe quân đội, hồi đó gọi là xe nhà binh. Xe nhà binh thời đó có tiếng là chạy ẩu. Nhắc đến xe nhà binh, người ta nghĩ ngay đến những đoàn xe gầm rú chạy bạt mạng trên đường mà lái xe thường là những anh lính mặt mày non choẹt.
Những xe chạy chiều ngược lại nếu gặp xe nhà binh là vội vàng tấp vào lề đường ngừng lại cho lành! Xe nhà binh vào thành phố thì mấy anh cảnh sát giao thông cũng lặng lẽ tránh xa.
Một buổi chiều nọ, tôi có nhiệm vụ lái xe ngang qua thành phố Cần Thơ. Tôi ngồi cầm tay lái chạy bon bon trên đường. Chiếc xe GMC gồ ghề to lớn như một con mãnh thú bằng sắt xù xì và xám xịt tha hồ gầm rú, lao vun vút.
Tôi vô cùng tự hào vì con mãnh thú đó đang dưới sự điều khiển của tôi. Tôi vừa hát nghêu ngao vừa cho xe lạng lách mấy vòng mà vẫn chưa đã cái cảm giác đó!
Thành phố Cần Thơ sau cơn mưa dài vừa mới tạnh, ánh nắng chiều vàng nhạt dịu dàng nghiêng mình bên hàng cây chạy đều tăm tắp bên đường, song song với đó là dải cỏ xanh màu lá mạ như một dải lụa mềm tươi mát. Dưới hàng cây, một nữ sinh tha thướt ôm cặp đi học về, khép nép đi bên những vũng nước mưa còn đọng lại bên đường.
Khi đó xe tôi đang chạy gần đến vũng nước, tôi có thể lái xe vào giữa đường để tránh vũng nước. Nhưng trong lúc đó, tôi lại đang hào hứng với một ý nghĩ quậy phá, nó đã thôi thúc nên tôi không bỏ lỡ cơ hội này. Tôi nhấn mạnh chân ga, cho xe lao thẳng vào vũng nước.
Một vạt nước dài cao hơn một mét bắn tóe lên, chụp xuống, trùm hết lên người cô nữ sinh bé nhỏ... Tôi chắc mẩm thế nào cô gái cũng sẽ vung vẩy, chỉ chỏ chửi bới um sùm.
Xe lao qua, tôi khoái trá nhìn vào kính chiếu hậu. Sự việc xảy ra ngoài ý tưởng của tôi! Tôi thấy cô gái toàn thân ướt đẫm; cô ấy đứng dậy, gục đầu một vài giây, rồi thẳng người lên tiếp tục bước đi mà không nói một lời nào, mà cũng không thèm nhìn vào chiếc xe tôi vẫn còn ở trong tầm mắt.
Tôi đã trở thành con người khác
Khoảnh khắc cúi đầu suy tư và đứng thẳng người tiếp tục bước tới của cô gái đã thể hiện một sự dũng cảm lớn lao và một nghị lực phi thường! Tôi thấy lạnh người, tôi thấy mình hèn hạ! Lòng tôi chợt đau nhói, trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó lương tri tôi bừng tỉnh dậy, tôi lái xe đi trong sự bàng hoàng. Khi đã về đến đơn vị mà lòng tôi vẫn không sao quên được sự việc đã xảy ra vừa qua.
Tôi nghĩ: Tại sao mình lại lấy nỗi đau, sự thiệt hại, sự tổn thương của người khác làm niềm vui cho bản thân như vậy?
Chỉ từ một khoảnh khắc ngắn ngủi trên đường công tác, hành động cúi đầu suy tư rồi kiêu hãnh bước tới của cô gái đã cảm hóa được lòng tôi, để rồi từ khoảnh khắc đó cho tới cuối đời, mỗi khi ngồi vào tay lái, tôi đã trở thành một con người khác, điềm đạm, có lương tâm...
Sau ba năm, hết thời hạn động viên, tôi ra lính và vẫn theo nghề lái xe. Tôi lái xe luôn luôn tôn trọng và yêu mến người đi trên đường. Tôi nghĩ những người đi trên đường rất có thể có cô gái đó.
Nghề tài xế nay đây mai đó, ra Bắc vào Nam. Tôi cũng có đôi lần đi ngang qua thành phố Cần Thơ. Qua bao năm tháng, thành phố ấy đã có quá nhiều sự thay đổi, nhà cửa san sát khắp nơi và những con đường cũng đã có nhiều đổi thay.
Nhưng mỗi lần đi qua thành phố Cần Thơ, hình ảnh ánh nắng chiều rọi nghiêng vào hàng cây, đám cỏ và cô nữ sinh thướt tha đi về vẫn không hề thay đổi trong ký ức của tôi.
Tôi ước ao một ngày nào đó ánh nắng chiều vàng quay trở lại cho tôi gặp người con gái đó để nói lên một lời xin lỗi - một lời xin lỗi chất chứa ở trong tim.
Từ ngày 5 đến 8-10, cuộc thi "Khoảnh khắc thay đổi đời tôi" đã nhận được bài dự thi của các tác giả: Huỳnh Thu Thảo, Khôi Nguyên, Nguyễn Công Tám (TP.HCM); Nguyễn Văn Học (Đà Nẵng); Nguyễn Vũ Minh Đăng (Đà Lạt); Phạm Văn Trung (Cần Thơ); Nguyễn Văn Hải (Thừa Thiên - Huế)…
Tuổi Trẻ tiếp tục chào đón bài dự thi của bạn đọc. Bài dự thi xin gửi về báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM (ngoài bì thư ghi "Bài dự thi Khoảnh khắc thay đổi đời tôi") hoặc email khoanhkhaccuocdoi@tuoitre.com.vn. Trân trọng.
Đồng hành cùng cuộc thi này
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận