31/01/2018 09:56 GMT+7

'Tôi không ưa nổi những người nước ngoài hay than phiền ở Việt Nam'

QUỲNH CHI dịch
QUỲNH CHI dịch

TTO - Tôi rất may mắn khi có được một cuộc đời khác khi còn trẻ, và luôn tự nhắc như vậy mỗi ngày.

Tôi không ưa nổi những người nước ngoài hay than phiền ở Việt Nam - Ảnh 1.

Du khách nước ngoài ăn mừng tại TP.HCM sau khi đội bóng đá U23 Việt Nam giành quyền vào chung kết AFC Cup - Ảnh minh hoạ: QUANG ĐỊNH

Tuổi Trẻ Online dịch lại bài viết của tác giả Rick Ellis, người Canada, trên Tuổi Trẻ News. Bản gốc tại đây:

Tôi đã dành phần lớn 5 năm vừa qua để khám phá Việt Nam cũng như các điểm đến khác và Việt Nam chắc chắn là một nơi tôi vô cùng yêu thích.

Người Việt và người nước ngoài thường cười phá lên khi tôi nói một bí mật: kể từ khi bắt đầu sống ở châu Á cách đây 5 năm, tôi đã giảm tương tác với người nước ngoài sống ở các quốc gia này.

Tất nhiên tôi đã gặp một số người thực sự tuyệt vời, nhưng tất cả những gì tôi đã viết ở trên là sự thật. Tôi không thể chịu đựng được sự than thở và so sánh với cuộc sống ở nước ngoài, tại sao người dân địa phương làm thế này mà không làm thế kia, tại sao không có những tiện ích mà họ đã quen ở nước ngoài lại không có, như thực phẩm và giao thông.

Họ kêu ca và than vãn về mọi thứ.

Một người lao động nước ngoài nghĩa là gì? Thuật ngữ người lao động nước ngoài (expat) là viết tắt của từ "expatriate" bắt nguồn từ "patria" trong tiếng Latin, nói đến một người không sống tại quê hương họ. Đó có thể là một người làm việc tại nước khác, nghỉ hưu và sống ở một quốc gia khác, hoặc một người du mục, như tôi, không sống ở một nơi nào cụ thể.

Theo đúng mục đích của bài thảo luận này, hãy tập trung vào những người nước ngoài đã tình nguyện chọn chuyển sang nước khác để kết hôn, làm việc hoặc sau khi nghỉ hưu.

Tôi đã dành phần lớn 5 năm qua để khám phá Việt Nam cũng như các điểm đến khác, và Việt Nam là nơi tôi yêu thích nhất. Từ người dân địa phương luôn nhiệt tình chào đón, khoan dung, đến thời tiết tuyệt vời, khí hậu đa dạng, những món ăn ngon nhất mà tôi từng biết, chi phí sinh hoạt thấp và cơ sở hạ tầng tuyệt vời so với một nước đang phát triển. 

Tôi chắc chắn không sai khi lựa chọn nơi đây. Theo tôi, khả năng để một người nước ngoài gặp phải một ấn tượng xấu tại đây không cao.

Rick Ellis

Đây là một chủ đề mà tôi tự coi mình là một chuyên gia. Tôi là người nước ngoài đã 40 tuổi. Tôi đã từng sống ở 8 nước khác, ngoài quê hương Canada. Tôi đã sống sót qua các cuộc đảo chính, các cuộc cách mạng, vòi rồng, động đất và nhiều trở ngại khác. Tôi nói được nhiều ngôn ngữ, một số tôi nói kém, một số có thể sử dụng lưu loát. Đối với một số nơi, tôi biết nhiều trò chơi của nhiều nước.

Tôi ước tính 3/4 người lao động đến từ nước ngoài không hài lòng với cuộc sống hiện tại của họ. 25% còn lại biết thích nghi với hoàn cảnh, chấp nhận cả những điều tốt lẫn xấu.

Vậy tại sao quá nhiều người lao động nước ngoài cảm thấy không hạnh phúc?

Một trong những lí do rất dễ hiểu có thể kể đến: người lao động đến từ nước ngoài đặt chân tới một đất nước xa lạ, bỏ lại đằng sau mọi thứ thân thuộc và thoải mái. Đó là điều không dễ chấp nhận. Để giảm thiểu sốc văn hoá và quản lý sự thay đổi tốt hơn, những người lao động tại nước ngoài cần nghiên cứ đích đến một cách chi tiết và xem xét những điều kiện mong đợi trong thực tế.

Đây là một cách rất đơn giản, nhưng hầu hết những người nước ngoài mà tôi biết đã dành ít, hoặc không hề dành thời gian phân tích tình hình tại quốc gia mà họ sẽ tới. 

Họ chọn đến ở tại một quốc gia mới vì nhiều lí do mà theo tôi đều là những lí do kì quặc và không thực tế: họ gặp một cô gái và quyết định đến ở một đất nước mà họ không có một chút thông tin gì; họ có một vài người bạn đã từng sống ở đó; hoặc có một cơ hội việc làm thu hút họ.

Chỉ vì thích một cô gái ở một quốc gia khác hoặc có bạn bè ở đó, liệu điều đó có đảm bảo rằng cuộc sống của bạn sẽ thuận lợi? Tất nhiên là không. 

Tại sao ư? Thật tuyệt khi bạn có sẵn một số mối quan hệ, đặc biệt là một người yêu tiềm năng hoặc thằng bạn thân, nhưng điều đó không đảm bảo bạn sẽ thành công hoặc mang lại những ưu điểm rõ rệt.

Bạn trẻ đừng vội lên đường theo tiếng gọi tình yêu Bạn trẻ đừng vội lên đường theo tiếng gọi tình yêu

TTO - Rất nhiều người đã hối hận vì mối quan hệ vẫn tan vỡ sau khi họ chuyển đến ở gần người yêu.

Nhưng còn một số điều lạ kì hơn nữa.

Theo một vài quan sát khác, tôi nghĩ rằng nhiều người ngoại quốc tới nước khác làm việc vì muốn tìm kiếm những lợi ích từ một quốc gia đang phát triển như Việt Nam đang mời gọi, mà không yêu cầu kinh nghiệm.

Đây là một ví dụ điển hình: thói quen lái xe ở Việt Nam rất khác với bất kỳ nước phát triển nào. Người nước ngoài muốn điều khiển phương tiện giao thông ở đây phải chấp nhận rủi ro xảy ra bất cứ lúc nào, và người ngoại quốc thường tương đối cứng nhắc trong nguyên nhân gây ra tai nạn.

Việt Nam cũng có chung vấn đề với các nước khác, đó là rác thải và tái chế. Rác rất nhiều, ở khắp mọi nơi và ngày càng trở nên tồi tệ. Nhiều nước tốn rất nhiều chi phí để vận chuyển rác ra nước ngoài.

Là người Canada, tôi đã thật sự hoảng hốt khi chuyển đến Mỹ. Thông thường, các đồ dùng gia đình, đồ gia dụng và mọi loại rác được để ở mọi lối ra, hoặc bị vất ở những góc xa lộ, nơi dễ dàng đổ rác ra khỏi xe mà không bị phát hiện. Rác thường được đổ ra ngoài đường phố, vỉa hè và ngoài cửa xe.

Vậy tại sao chúng ta lại hi vọng một nước đang phát triển có thể quản lí tốt như quê hương chúng ta? Các nước đang phát triển có nguồn lực hạn chế, đó là lý do họ được dán nhãn là đang phát triển. Việt Nam không đủ nguồn lực để đưa cảnh sát hoặc nhân viên môi trường đến mọi ngóc ngách.

Tại sao tôi hiếm khi nghe thấy người ngoại quốc nói về những điều tệ ở đất nước họ mà họ đã may mắn có thể tránh khỏi? 

Ngay bây giờ ở nước tôi (Canada) là giữa mùa đông, trời siêu lạnh, khô đến mức các xoang, mắt, tai và cổ họng đau buốt. Tuyết ở khắp nơi, tất cả mọi thứ đều phải sử dụng hệ thống sưởi với chi phí lớn. Chúng tôi phải chuẩn bị quần áo mùa đông, lốp xe tuyết và nhiều thứ khác.

Rick Ellis

Thời tiết vẫn thật kinh khủng dù dùng bất kỳ biện pháp nào, và trên hết chi phí sinh hoạt thật đáng sợ. Nếu tôi đang ở Canada hoặc Mỹ, tôi chỉ cảm thấy may mắn nếu mình đang nghỉ hưu. Vậy chúng tôi nên cảm thấy thế nào ở nước ngoài?

Chỉ có một câu trả lời duy nhất: Tôi đã rất may mắn khi tìm kiếm được một cuộc đời khác khi còn trẻ, và luôn tự nhắc như vậy mỗi ngày. Nếu không nhờ mức sống thấp ở Việt Nam, tôi có lẽ đang làm như nô lệ tại quê hương cho đến khi già, không còn sức tận hưởng cuộc sống.

Lòng biết ơn chỉ là một trong hàng ngàn lí do, nhưng tôi rất hiếm khi nghe người lao động từ nước ngoài nói với tôi rằng họ hạnh phúc thế nào khi có thể sống với một khoản tiền nhỏ, thường thức thời tiết tuyệt vời, thức ăn ngon và lối sống đơn giản.

Nhiều người dành thời gian để phân tích, đòi thay đổi mọi thứ họ không thích thay vì biết ơn những lợi ích họ có. Tôi nghe những điều đó mỗi ngày khi đứng quanh những người lao động ngoại quốc: vệ sinh không đạt tiêu chuẩn nhà hàng, các vấn đề rác thải, giá cả phải trả gấp đôi so với người bản xứ và nhiều vấn đề khác.

Giả thiết rằng người ngoại quốc chúng ta có thể làm mọi thứ tốt hơn là một điều khó chấp nhận khác đối với tôi. Các quốc gia phát triển may mắn có hàng loạt tiện ích hiện đại. Nhưng điều đó không có nghĩa là người địa phương không có văn hoá và cần chuyên môn của chúng ta để thay đổi cách sống của họ.

Hãy xem những gì đang diễn ra. Người Việt có thường vội vàng chuẩn bị đồ ăn và sau đó ăn vèo vèo như thể đổ xăng? 

Các phong tục luôn được tôn trọng từ lúc nấu nướng đến lúc thưởng thức. Trên đời này, điều gì quan trọng hơn những thứ chúng ta đang ăn? Nhưng văn hoá ăn uống tuyệt vời ở đất nước này lại là chủ đề chỉ trích của nhiều người ngoại quốc. Tôi không hiểu nổi.

Vì vậy, kinh nghiệm quan trọng nhất dành cho người ngoại quốc lao động tại Việt Nam là chú trọng vào việc học hỏi hơn là dạy dỗ. Hãy thấm nhuần và hiểu vì sao mọi thứ lại diễn ra như vậy. Những người đến đây với tâm lí "dạy dỗ" sẽ phải đối mặt với một trận chiến dai dẳng không hồi kết.

Còn tôi? Tôi đang bận rộn quay cuồng với người dân nơi đây, học hỏi, thấm nhuần, và tôn trọng cách sống của họ. Tôi ở đây để tìm hiểu. Nếu không, sao tôi ở đây?

Và tôi luôn giữ khoảng cách với 75% những người không hài lòng với những trải nghiệm của họ về nơi đây.

Họ không biết mình đang bỏ lỡ những gì đâu.

QUỲNH CHI dịch
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên