07/03/2018 22:49 GMT+7

Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa

ĐỨC VỊNH - KHOA NAM - C.QUỐC ghi - Ảnh: NVCC
ĐỨC VỊNH - KHOA NAM - C.QUỐC ghi - Ảnh: NVCC

TTO - Đồng bằng Sông Cửu Long đã làm gì để sản xuất lúa gạo chất lượng cao trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp, nông dân sẽ thu lợi nhuận được hàng nghìn tỉ đồng?


Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các cánh đồng mẫu, trồng các giống lúa mới của một trung tâm nghiên cứu nông nghiệp tại An Giang năm 2017Ảnh: VGP

Tái cơ cấu nông nghiệp bắt đầu từ thị trường

Ông Vương Bình Thạnh - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang

Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa - Ảnh 2.

Tại An Giang, mấy năm trước diện tích sản xuất lúa vụ ba tăng dần. Đến năm 2017 đã có hơn 167.000ha lúa vụ ba cho sản lượng khoảng 955.600 tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây giá cả không ổn định, trong khi năng suất lúa cả 3 vụ đều có xu hướng giảm dần.

Bên cạnh do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, còn do sự thâm canh lúa liên tục tạo cơ hội mầm bệnh lây lan, làm cho đất bạc màu, kém dinh dưỡng.

Vì thế, chủ trương của tỉnh là giảm bớt diện tích lúa vụ ba, giảm khoảng 30.000ha đất sản xuất lúa kém hiệu quả sang trồng rau màu và một số loại cây có lợi thế khác phù hợp với quy hoạch, đảm bảo thị trường tiêu thụ, đạt giá trị kinh tế cao hơn lúa.

Trước tình hình biến đổi khí hậu, cần phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp bền vững và hiệu quả hơn là điều tất yếu. An Giang đang tập trung phát triển ngành lúa gạo theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm với việc giảm diện tích sản xuất lúa phẩm chất thấp, chuyển dần sang canh tác lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ, lúa thơm…

Cụ thể là phát triển ứng dụng công nghệ cao, ưu tiên nghiên cứu và đưa vào sản xuất các giống chịu hạn, kháng sâu bệnh… để tăng tính chống chịu của cây lúa trong điều kiện biến đổi khí hậu phức tạp.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực và tổ chức sản xuất cho nông dân làm ra sản phẩm lúa gạo chất lượng cao an toàn.

Tái cơ cấu nông nghiệp phải bắt đầu từ thị trường, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp đóng vai trò then chốt, khi có nhiều doanh nghiệp đầu tư, liên kết sản xuất và bao tiêu sẽ giảm bớt áp lực tiêu thụ.

Việc tổ chức lại sản xuất được thực hiện dưới hình thức cánh đồng lớn thông qua mô hình HTX kiểu mới. Từng bước hình thành mô hình đa dịch vụ trong chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo, để người dân được thụ hưởng nhiều dịch vụ với chi phí hợp lý và được chia sẻ lợi nhuận trong quá trình tham gia.

Nông dân Kiên Giang tăng lợi nhuận tiền tỉ

Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho biết: "Cùng với việc chuyển từ trồng lúa thường (cho ra gạo tỉ lệ 25% tấm, giá trị thấp), sang lúa chất lượng cao (cho ra gạo 5% tấm) thì ngành nông nghiệp Kiên Giang quan tâm tới việc sử dụng giống lúa đã được cấp xác nhận. Hiện tại, diện tích sử dụng các loại giống này lên tới 75%".

Về mặt giá trị kinh tế, lúa chất lượng cao có giá bán cao hơn lúa thường khoảng 1,5-2 triệu đồng/ha. Tính chung cả năm 2017, giá trị tăng thêm nhờ trồng lúa chất lượng cao trên toàn tỉnh Kiên Giang lên tới hơn 600 tỉ đồng.

Lão nông Phạm Văn Tám - ngụ xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành (Kiên Giang) - chia sẻ, vài năm trước, chính quyền địa phương khuyến khích bà con nông dân chuyển từ giống lúa thường IR-50404 sang các giống chất lượng cao như OM, Jasmine… nhưng ít người hưởng ứng. Lý do là khó tiêu thụ, thương lái chỉ chọn mua lúa thường, lúa thơm có mua cũng chỉ chênh lệch rất ít. Trong khi đó, lúa chất lượng cao thường có đặc điểm thời gian sinh trưởng dài, năng suất không thể sánh bằng lúa thường được.

Nhưng từ đầu năm 2017, tình hình thị trường lúa gạo chuyển biến rõ rệt. Việc trồng lúa chất lượng cao bắt đầu được phổ biến rộng rãi, trong đó đáng kể nhất là việc ký kết bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn trong tỉnh và trong khu vực ĐBSCL.

"Có đầu ra là nông dân tụi tui yên tâm. Vì trồng lúa chất lượng cao sẽ giảm chi phí phân bón hóa học, chủ yếu sử dụng phân vi sinh hữu cơ, giảm chi phí thuốc trừ sâu rất nhiều" – ông Tám nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, mục tiêu sắp tới của ngành trồng lúa là hướng tới thị trường xuất khẩu với giá trị cao, chất lượng ổn định, sản xuất lúa theo hướng "xanh" – sạch, từng bước xây dựng thương hiệu hạt gạo Kiên Giang nói riêng, Việt Nam nói chung đủ sức trụ vững trên thị trường thế giới.

Lấy chất lượng hạt gạo để bù năng suất

GS Nguyễn Thị Lang - (Viện Lúa ĐBSCL)

Tôi hát bài ca ngợi ca cây lúa - Ảnh 4.

Trước đây, quá trình nghiên cứu giống lúa, người làm nghiên cứu luôn lấy mục tiêu năng suất cao đầu tiên và hiện tại năng suất lúa cao sản của VN đã vượt trần khi đạt 9 - 10 tấn/ha. Thậm chí lúa lai đạt 13 - 14 tấn/ha.

Tuy nhiên, trong tình hình mới, khi năng suất đã đạt được như vậy thì yêu cầu đặt ra là phải chuyển đổi, lấy chất lượng bù năng suất.

Thật ra diện tích sản xuất lúa gạo của ĐBSCL là thấp, chỉ bằng một nửa Thái Lan, vì vậy cần nâng cao chất lượng để đẩy giá bán lên.

Chúng tôi đã nghiên cứu chọn được giống lúa chất lượng cao với phẩm chất gạo ngon cơm, có mùi thơm, hàm lượng amylose thấp, không bạc bụng, độ trong của hạt nhìn rất bắt mắt…

để làm được như vậy, chúng tôi đã phải chuyển đổi từng bước: giai đoạn 2000-2010 lấy chỉ tiêu hàm lượng amylose trung bình, nhưng từ 2010 - 2015 chỉ tiêu hàm lượng amylose thấp vì các thị trường khó tính đều đòi hỏi như vậy.

Từ 2015 đến nay thì nhu cầu thị trường không phải gạo hạt dài nữa mà hạt trung bình, ngắn, một số thị trường yêu cầu hạt tròn, dẻo cơm…, nói chung mình phải tính theo phân khúc thị trường mà đáp ứng.

ĐỨC VỊNH - KHOA NAM - C.QUỐC ghi - Ảnh: NVCC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên