Trailer phim tài liệu Mon Hanoi - Hà nội của tôi
"Vũ điệu giao thông" gây chóng mặt
Trong phim tài liệu, Jean-Noël Poirier chia sẻ rằng trong 4 năm ở Hà Nội, ông vẫn luôn tự hỏi: người Việt Nam có ý thức được những nguy hiểm mà họ có thể gây ra cho họ và cho người khác không?
Ở đây cũng như khắp nơi trên thế giới có luật đường bộ, nhưng khi cầm lái ôtô hay xe máy, người lái xe lập tức quên ngay các quy tắc sống trong cộng đồng.
Không gian giao thông trở thành một không gian không có luật lệ, mỗi người đều chỉ có một mục đích: làm sao để di chuyển được mà không phải dừng lại hoặc không phải giảm tốc độ.
Theo Jean-Noël Poirier, sự thiếu kỷ luật như thế khi cầm lái có thể gây phản ứng dữ dội ở Paris nhưng ở Hà Nội thì không, cái "vũ điệu" này thường khiến người ta cảm thấy chóng mặt.
"Tôi chưa từng nhìn thấy cảnh tượng nào tương tự như thế ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới" - ông cảm thán."
Trong 4 năm làm đại sứ, tôi đã đi lang thang khắp phố ở Hà Nội và tìm cách nắm bắt linh hồn của thành phố. Hà Nội đã trở thành một phần trong tâm hồn tôi" - Jean-Noël bộc bạch.
Vì "một phần trong tâm hồn" đó, sau nhiệm kỳ đại sứ, Jean-Noël quyết định tiếp tục ở lại thành phố này.
Phóng viên Tuổi Trẻ trò chuyện với ông tại văn phòng công ty tư vấn mới của ông ở phố Trần Hưng Đạo gần Đại sứ quán Pháp.
Ở Hà Nội, tôi ước mình là Trịnh Công Sơn...
* Trong phim tài liệu, ông chia sẻ ở Hà Nội cho ông cảm giác mỗi ngày ông đang ở cả Pháp và Việt Nam. Cảm giác này như thế nào?
- Như tôi đã chia sẻ trong phim, mỗi góc phố, mỗi mặt tiền, mỗi mảng vữa đơn sơ, mỗi ô cửa sổ, mỗi dòng chữ ở Hà Nội đều đưa tâm trí tôi trở về với nước Pháp ngày xưa.
Một vài ngôi biệt thự nhỏ dường như bước thẳng ra từ những trang viết của Maupassant (Guy de Maupassant - nhà văn hiện thực phê phán và lãng mạn của Pháp thế kỷ 19). Tôi biết một vài ngôi nhà, trong đó mọi chi tiết, từ sàn nhà cho đến toàn bộ phần mộc đều toát lên vẻ cổ kính trăm năm.
Các di sản kiến trúc Pháp còn là những ngôi nhà bình dị hơn, nằm ẩn sâu trong những con ngõ nhỏ hẹp. Những ngôi nhà đó đã trải qua biết bao thăng trầm, hiện là nơi trú ngụ của hàng chục hộ gia đình.
Ngoài ra, các ngôi biệt thự Pháp cổ rất lý tưởng để cải tạo thành những quán cà phê. Cũng như Paris, Hà Nội là một thành phố của những quán cà phê. Tôi đặc biệt rất yêu thích những quán cà phê ở Hà Nội.
Đôi khi đi dạo ở Hà Nội, tôi ước mình là Trịnh Công Sơn để có thể diễn tả cảm xúc của mình trước những cảnh tượng vừa bình dị, vừa kỳ diệu: những vạch tường đầy màu sắc như những tác phẩm trừu tượng, những chùm dây điện vừa rối như tóc, vừa đầy giai điệu, đầy tính hình học đô thị.
Tôi gọi Hà Nội là "Paris phương Đông".
* Đâu là những nơi ông yêu thích ở Hà Nội?
- Theo cảm nhận của riêng tôi, linh hồn của Hà Nội không chỉ nằm ở trung tâm thành phố mà còn ở các khu mới như Mỹ Đình, Linh Đàm.
Hà Nội đang phát triển rất nhanh, mỗi năm đều được xây mới. Tuy nhiên, những khu vực mới này vẫn đậm chất Hà Nội. Đó chính là điểm khác biệt giữa Hà Nội với Paris và các thành phố khác ở châu Âu.
Chẳng hạn, người Paris không thích dân ngoại ô và ngược lại người ngoại ô ghen tị với dân Paris. Tuy nhiên cho đến nay, theo quan sát của tôi, Hà Nội chưa có sự phân cách rõ ràng lắm về vùng miền.
Ngay ở trung tâm Hà Nội, giữa những tòa nhà cao tầng, những căn hộ xa hoa, vẫn có những ngôi nhà nhỏ khiêm tốn nép mình, đó chính là điểm đặc biệt của Hà Nội. Còn ở trung tâm Paris, nếu không có nhiều tiền thì không ở lại được.
Khu Văn Chương, Khâm Thiên là nơi hoàn hảo để thoát khỏi công việc bận rộn và suy ngẫm trong khi tản bộ. Văn Chương khó có thể tìm thấy ở nơi khác trong trung tâm thành phố, nơi đây có bầu không khí tĩnh lặng.
Khu vực này được phát triển cách đây 30 năm, là nơi mà người nông dân đến để gia nhập cuộc sống ở thành phố. Những khu phố được sáp nhập như khu Belleville và Menilmontant ở Paris vào thế kỷ 19.
Nhắc đến Hà Nội cũng không thể không nhắc đến ẩm thực đường phố nơi đây. Hà Nội giống như một nhà hàng lớn ngoài trời, ngon nhất là ăn uống ngoài đường phố.
Ông Jean-Noël Poirier
Một hôm, tôi tìm đến một ốc đảo gần tòa tháp của Times City, nơi rất nhiều người nghèo sinh sống ở đó trong không khí yên bình. Tôi ước gì ốc đảo này không bao giờ biến mất cả trong bộ nhớ của tôi và với cả những người Hà Nội. Nhưng với quá trình đô thị hóa, ốc đảo này sẽ không tồn tại. Tôi mong muốn chính quyền thành phố biến nó thành một không gian xanh, trở thành nơi đi bộ và thư giãn cho người Hà Nội vì thành phố này rất thiếu các khoảng không gian xanh.
Ông Jean-Noël Poirier
Thách thức của Hà Nội
* Trong phim tài liệu, ông đã chia sẻ rất nhiều về kiến trúc ở Hà Nội. Điều gì khiến ông cảm thấy đó là điều ấn tượng nhất?
- Điều tôi ấn tượng nhất đó chính là khả năng "Việt hóa" kiến trúc phương Tây của người Hà Nội. Chẳng hạn, những khu tập thể ở Hà Nội nhìn chung kiến trúc không tốt lắm, dịch vụ tệ, không được tiện nghi.
Tuy nhiên, những khu tập thể này cho thấy khả năng biến đổi, tạo "chuồng cọp", nới rộng không gian sinh sống tuyệt vời của người dân Hà Nội. "Chuồng cọp" không đẹp nhưng thú vị. Chắc chắn sẽ bị phá hủy trong tương lai do quá trình phát triển và đô thị hóa.
Ngoài ra, khu Thành Công với kiến trúc xây các khu nhà tập thể của Liên Xô cũng được "Việt hóa" rất thành công. Ở Hà Nội, tôi còn phát hiện thấy những tháp nhỏ kiểu lâu đài châu Âu, những khoảng sân thượng như lâu đài kiểu Ấn, những lan can thời Louis XV.
* Ông thấy người Hà Nội có yêu Hà Nội như người Paris không?
- Tất nhiên là có. Tôi cảm nhận rằng không chỉ người Hà Nội gốc mà cả những người mới đến Hà Nội sinh sống, người nhập cư cũng yêu Hà Nội.
Nhiều người nói với tôi là họ tự hào về Hà Nội. Những dịp lễ tết, khi những lao động nhập cư về quê thì phố phường lại yên tĩnh, lúc đó ai cũng biết nhau.
Hà Nội là một trong những thành phố hiếm hoi có kiến trúc Pháp. Trước đây, Phnom Penh là thành phố kiến trúc Pháp cổ nhưng chiến tranh và chế độ Pol Pot đã phá hủy phần lớn các công trình này.
* Từ góc nhìn của ông, những thách thức của Hà Nội là gì và Hà Nội có thể học hỏi gì từ những bài học kinh nghiệm mà Paris đã trải qua?
- Thách thức lớn nhất của Hà Nội chính là ô nhiễm không khí, chủ yếu do khí thải của các phương tiện tham gia giao thông và các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc. Chính quyền thành phố cần tạo ra nhiều khoảng không gian xanh hơn để phục vụ người dân.
Paris "già" hơn nhiều so với Hà Nội và TP.HCM, cơ sở hạ tầng được xây từ rất lâu rồi. TP.HCM và Hà Nội đang đô thị hóa rất nhanh, mọi thứ xây nhanh, đón lao động nhập cư rất nhanh.
Paris sau Chiến tranh thế giới thứ hai phát triển kinh tế rất mạnh, lao động nhập cư, thanh niên rất nhiều, xây nhà rất xấu và phá hủy những khu bình dị.
Hiện tại phát triển kinh tế ở Pháp chững lại, đó là điều chúng tôi lo lắng. Một vấn đề khác là dân số già.
Đó là những vấn đề của Paris và cũng sẽ là những vấn đề mà Hà Nội đã, đang và sẽ đối mặt. Để đối phó với vấn đề này cần có những quyết định chiến lược và cần nỗ lực rất lớn của chính quyền thành phố.
Hi vọng Hà Nội vẫn giữ những nét cổ kính của Hà Nội. Tôi tin rằng những người ra quyết sách của Hà Nội sẽ tìm được sự cân bằng giữa xây dựng và phá bỏ.
Hà Nội sẽ có trách nhiệm tập thể để không trở thành một thủ đô châu Á đánh mất tâm hồn và sự cuốn hút của mình trên con đường hiện đại hóa.
Giữ tâm hồn Hà Nội, đó chính là bảo vệ di sản Hà Nội.
Một số hình ảnh Hà Nội trích từ trong phim tài liệu Mon Hanoi (Hà Nội của tôi) của cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam Jean-Noël Poirier - Ảnh: NVCC
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận