"Phở là món ăn khơi gợi trong tôi vùng ký ức với lưng áo bạc màu của bố mỗi lần hai bố con đèo nhau lên phố trên chiếc xe Dream" - Ảnh minh họa: NAM TRẦN
Ngày tôi còn nhỏ, hè về là mắt của tôi lại giở chứng nháy không kiểm soát. Cứ như thế, mỗi mùa miền Bắc đổ lửa, bố lại đèo tôi đi Bệnh viện Mắt trung ương khám bệnh.
Nhà tôi ngày ấy còn thuộc tỉnh Hà Tây cũ, con đường từ nhà ra viện bắc ngang qua con đê làng Chèm (Thụy Phương - Hà Nội). Mọi ký ức nhỏ nhoi của tôi về con đường ấy là con sông Hồng ôm dòng phù sa đỏ, là um tùm cây dây leo chằng chịt bụi đường, là quán phở bò dưới mái tôn lụp xụp nơi đánh dấu cột mốc nửa chặng đường bố con tôi vừa bỏ lại phía sau lưng.
Cứ mỗi lần xe đi gần tới quán phở ấy, bố lại hỏi tôi một câu hỏi như thử lòng: "Bé muốn ăn gì không?". Tôi bám eo áo bố, giật mạnh và nhảy cẫng lên dù chiếc xe vẫn đang chạy đều đều, đáp kiểu đỏng đảnh hờn dỗi: "Con muốn ăn phở bò".
Phở bò trong mắt con bé 8 tuổi ngày ấy không nhiều lựa chọn như bây giờ, chẳng phải tái, nạm, gầu, gân hay sách, pín... Chỉ duy nhất một kiểu thế này: bố sẽ gọi 2 bát phở tái đập, 1 bát to cho bố và 1 bát nhỏ cho tôi.
Chú chủ quán mau mắn nhúng sợi phở vào nồi nước, tay đưa nhịp nhàng lên xuống vài nhịp cho ráo sau đó nghiêng vợt nhúng, để từng sợi từng sợi trắng óng ả xô đẩy nhau chảy ào vào bát sứ.
Khi những sợi phở còn chưa kịp tan khói nóng, đầu bếp lấy tảng thịt bò, cắt những lát thịt thật mỏng, xoay lưng dao bằm mấy nhát vừa đủ rồi dùng lưỡi dao đập và cán mỏng cho bò mềm mịn, đồng thời nổi rõ những sợi tơ gân.
Thịt bò được xếp tròn trịa lên kín bề mặt sợi phở trước khi chuyển màu và thay hình đổi dạng theo đủ sắc thái ngay khi chìm nghỉm trong muỗng nước dùng sóng sánh.
Bát phở bưng ra nghi ngút, cái nóng lúc ấy thật dễ chịu, dẫu bao quanh hai bố con tôi là cảm giác hầm hập của mái tôn nhà tạm sơ sài, của chiếc quạt treo tường chẳng thể làm mát vì bụi bám đầy, cứ chạy ro ro yếu ớt được nửa quãng lại kêu khùng khục.
Bố luôn gọi 2 bát phở, bát to cho bố và bát nhỏ cho tôi - Ảnh minh họa: NGUYỄN KHÁNH
Bố kéo cả hai bát phở lại gần phía ông, dùng thìa nhấn nhấn như để chắc chắn 1 lần nữa là thịt bò đã chín đúng độ. Rồi bố bảo tôi thử nước phở nguyên bản trước khi ông gia giảm cho bát phở ấy bằng cách gắp thêm mấy miếng tỏi ngâm và đổ thêm nửa thìa giấm tỏi. Bố cười khà khà lôi kéo: "Ăn phở phải có tỏi mới ngon".
Phở bò là món ăn mà bố con tôi hợp cạ đến lạ thường. Nề nếp khi ăn phở của tôi cũng "copy" từ bố, tôi giống ông y đúc.
Tôi bắt chước bố từ bước mở màn, luôn luôn là 1 miếng thịt bò, ngắt thêm cọng rau ngổ non và 2-3 lát tỏi, nhai khoan khoái. Rồi ông ngưng lại một lúc như để hít hà cho đã cái cảm giác cay nồng sảng khoái của hoa hồi, cái ấm nóng ngọt ngào của quế thanh.
Điều mà tôi thích hơn cả là mùi hành lá, và mấy sợi hành tây xắt mỏng chín từ từ trong thứ nước dùng sánh béo thơm ngậy bởi tủy xương. Thứ nước dùng ngọt lịm ấy lúc này đan xen cả những hạt mỡ to nhỏ của nước béo, lúc nhập vào lúc tách ra sinh động chạy xung quanh thành bát.
Rồi bố con tôi "xử đẹp" những sợi phở và tổng thể những thứ còn lại cùng đĩa rau thơm đi kèm chỉ trong chưa đầy mươi phút. Điều duy nhất chúng tôi để lại chỉ đâu đó hai ba thìa nước phở bố hay chọc ghẹo là để lại "làm duyên" cho bát đũa đỡ buồn.
Cứ như thế, bát phở bò ngọt lành và quyến rũ nhất trong ký ức bao năm qua của tôi vẫn là những bát phở tôi được ngồi ăn cùng bố nơi quán quen, được nghe tiếng nhai miếng thịt bò kèm cọng rau ngổ xốp rộp của bố. Bát phở ấy lẫn vào trong hàng ngàn vạn quán phở trên đất nước này, chẳng thương hiệu, chẳng nổi tiếng, nhưng thứ nước phở ấy vẫn ngon ngọt đậm đà cả trong vị giác và ký ức của tôi mãi tới tận bây giờ.
Năm tháng trước ngày tôi thi đại học, bố mất. Con đường từ nhà tôi tới điểm thi vẫn bắc ngang qua con đê làng Chèm của ngày ấy. Vẫn là câu hỏi ngày đó, khác chăng bố chẳng còn là người cầm lái chiếc Dream ngày nào: "Bé muốn ăn gì không?". Tôi giữ trong tâm can câu trả lời mãi mãi chỉ còn trong hoài niệm: "Con muốn ăn phở bố ạ", mà thì thầm với anh trai: "Dạ em không".
Hướng đến Ngày của phở 12-12-2021, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết "Phở trong tôi"
YÊU CẦU:
* Bài viết được viết bằng tiếng Việt, tối đa 1.000 chữ.
* Lưu ý: cung cấp thông tin cụ thể nhân vật trong bài (nếu viết về nhân vật).
* Những bài được chọn đăng đều được chấm nhuận bút.
* Bài dự thi chưa từng đăng tải nơi nào khác, tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền, không chấp nhận sự trích dẫn tài liệu mà không ghi rõ nguồn gốc.
* Bài dự thi cuộc thi viết xin gửi về email theo địa chỉ: ngaycuapho@tuoitre.com.vn.
* Thời gian nhận tác phẩm dự thi: từ ngày 22-10 đến hết ngày 25-11-2021.
* Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12 diễn ra ngày 12-12-2021 tại TP.HCM, bao gồm:
* 1 giải nhất: trị giá 10 triệu đồng/giải
* 1 giải nhì: trị giá 5 triệu đồng/giải
* 1 giải ba: trị giá 3 triệu đồng/giải
* 5 giải khuyến khích: trị giá 1 triệu đồng/giải.
Các điều khoản khác, mời độc giả đọc thêm tại đây.
Ngoài ra, hướng đến Ngày của phở 12-12, báo Tuổi Trẻ đồng thời tổ chức hai cuộc thi khác: Đi tìm người nấu phở ngon 2021 dành cho những người yêu phở và biết nấu phở, và cuộc thi sáng tác video trải nghiệm phở trên Tiktok.
Trân trọng kính mời độc giả tham gia.
Thăm dò ý kiến
Sau giãn cách xã hội, bạn mong muốn ăn quán phở nào? Bạn có thể đề cử thêm bằng cách chọn "Ý kiến khác" để gửi mail về tòa soạn. Vui lòng giới thiệu thêm về quán phở yêu thích (tối đa 500 chữ)
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận