Phở 10 Lý Quốc Sư (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN
Tôi là một người nghiện phở - bún - miến, đặc biệt là phở. Trước khi rời Hà Nội, vợ chồng tôi thường xuyên ăn phở sáng ở Lý Quốc Sư. Nhiều khi ở Bruxelles, cả 2 cùng thốt lên, ôi giá có bát phở Lý Quốc Sư bây giờ.
Từ khi gia đình có thêm 2 bạn nhỏ, tôi bắt đầu tự nấu phở ở nhà, nấu cho 4 người, rồi nhiều người hơn như bạn bè thân thiết hay người thân trong gia đình. Ai cũng thích phở, món ăn nhiều hương vị ấm nồng, nhất là khi mùa lạnh đang về.
Trong căn bếp nhỏ của tôi luôn sẵn chậu húng nhỏ, để ăn phở bất cứ lúc nào ngẫu hứng, và có sự thơm tho của rau húng.
Con trai thi thoảng nhắc tôi: "Mẹ ơi, ngày mai mẹ nấu phở nhé". Có lúc ngẫu hứng, tôi nấu phở giữa mùa hè đầy nắng. Ăn phở xong, tô nào cũng cạn sạch nước, cả nhà hừng hực nóng toát mồ hôi, rồi 2 bạn nhỏ xuýt xoa: "Mẹ nấu ăn lúc nào cũng tuyệt".
Phở đã trở thành món ăn quen thuộc của gia đình chúng tôi mỗi tuần như những món ăn thường ngày trong gia đình, món ăn của quê hương Việt Nam, vừa ngon vừa bổ dưỡng cho sức khỏe và tinh thần.
Tôi nấu phở đơn giản và "bio". Đồ khô nhà tôi lúc nào cũng sẵn quế, hoa hồi, thảo quả, những gia vị dễ kiếm tìm ngay trong siêu thị Tây. Bánh phở cũng thế, sạch và đảm bảo an toàn đúng là phở từ gạo. Rồi đuôi lợn, xương bò, thịt bò ăn tái hay thịt bò dính xương và chút mỡ vàng óng ánh.
Có khi tôi mua thật nhiều đuôi bò hầm lấy thịt. Thịt ở phần đuôi bao giờ cũng mềm và đậm. Hành lá và rau húng, rau mùi có đủ...
Trong căn bếp nhỏ của tôi luôn sẵn chậu húng nhỏ, để ăn phở bất cứ lúc nào ngẫu hứng và có sự thơm tho của rau húng - Ảnh: QUỲNH IRIS DE PRELLE
Tôi nấu phở không mất nhiều thời gian, nhưng đủ để cảm nhận được mùi thơm từ lúc quế, hồi, thảo quả, gừng và hành khô trong lò, hay như lúc hầm đuôi lợn và xương bò.
Tôi thường nấu tầm 30 phút rồi tắt bếp. Trước khi ăn 1 giờ, tôi bắt đầu hành trình gia vị như mắm, muối làm sao cho hợp khẩu vị.
Bánh phở luôn được chuẩn bị lâu nhất, ngâm trong nước lạnh tầm 3 giờ trước khi nấu. Khi nào ăn, tôi trụng bánh phở với nước dùng sôi sùng sục thơm phức cho đến lúc bánh phở thật mềm.
Thịt bò thái mỏng, có khi có cả gân bò. Nếu làm thịt tái chín, tôi thường chuẩn bị trước đó tầm 1 giờ, ướp với tỏi và gừng, dầu ăn để thịt thật mềm và giữ được độ tươi.
Thịt tươi rói trong nước dùng thật nóng, cho vào bát phở đã được chuẩn bị sẵn, đó là món phở tái đậm đà ai cũng ghiền. Cuối cùng là các rau thơm như hành lá, rau mùi, rau húng.
Món phở nhà tôi luôn có thêm nấm tươi xào kèm theo, để cho cân bằng giữa thịt và tinh bột chứ không chỉ rau thơm.
Nếu nấu phở gà, tôi có nhiều lựa chọn: gà ăn ngô vàng ươm hay gà chạy vườn bio hoặc gà ri ở vùng núi. Tôi hay dùng nước phở vàng ươm từ da và mỡ gà tự nhiên. Phở gà luôn có thêm lá chanh.
Cả phở gà và phở bò, trước khi ăn, chúng tôi thường vắt thêm một ít chanh xanh để tạo thêm vị thanh mát trong bát phở nóng.
Thi thoảng tôi làm phở xào với tiệc đông người. Phở xào có thêm dầu hào để tạo thành nước xốt sền sệt cùng với thịt bò xào thơm phức, hay gà xé phay cùng nấm tươi và các rau thơm.
Sống ở Bỉ, chúng tôi ăn nhiều các món ăn của những nước châu Âu hay châu Á và món ăn Việt, hay sự kết hợp giữa Việt và nhiều món ăn khác, tạo thêm sự đa dạng và thích ứng, như sự thích ứng của đời sống giữa những đan xen đa chiều, đa dạng, tạo nên những sắc màu sống động.
Tôi vẫn luôn giữ thói quen uống trà nhài nóng khi ăn phở, và chắc sẽ không thay đổi. Phở Việt tôi nấu đơn giản và bio như thế. Có một Ngày của phở thì phở sẽ thành di sản của ẩm thực văn hóa Việt, món ăn trên phố, trong các nhà hàng hay ở mỗi gia đình gốc Việt ở khắp nơi trên địa cầu.
Hướng đến Ngày của phở 12-12-2021, báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi viết "Phở trong tôi"
YÊU CẦU:
* Bài viết được viết bằng tiếng Việt, tối đa 1.000 chữ.
* Lưu ý: cung cấp thông tin cụ thể nhân vật trong bài (nếu viết về nhân vật).
* Những bài được chọn đăng đều được chấm nhuận bút.
* Bài dự thi chưa từng đăng tải nơi nào khác, tác giả chịu trách nhiệm về bản quyền, không chấp nhận sự trích dẫn tài liệu mà không ghi rõ nguồn gốc.
* Bài dự thi cuộc thi viết xin gửi về email theo địa chỉ: ngaycuapho@tuoitre.com.vn.
* Thời gian nhận tác phẩm dự thi: từ ngày 22-10 đến hết ngày 25-11-2021.
* Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12 diễn ra ngày 12-12-2021 tại TP.HCM, bao gồm:
* 1 giải nhất: trị giá 10 triệu đồng/giải
* 1 giải nhì: trị giá 5 triệu đồng/giải
* 1 giải ba: trị giá 3 triệu đồng/giải
* 5 giải khuyến khích: trị giá 1 triệu đồng/giải.
Các điều khoản khác, mời độc giả đọc thêm tại đây.
Ngoài ra, hướng đến Ngày của phở 12-12, báo Tuổi Trẻ đồng thời tổ chức hai cuộc thi khác: Đi tìm người nấu phở ngon 2021 dành cho những người yêu phở và biết nấu phở, và cuộc thi sáng tác video trải nghiệm phở trên Tiktok.
Trân trọng kính mời độc giả tham gia.
Thăm dò ý kiến
Sau giãn cách xã hội, bạn mong muốn ăn quán phở nào? Bạn có thể đề cử thêm bằng cách chọn "Ý kiến khác" để gửi mail về tòa soạn. Vui lòng giới thiệu thêm về quán phở yêu thích (tối đa 500 chữ)
Bạn có thể chọn nhiều mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận