Kiều Anh trò chuyện với phóng viên báo Tuổi Trẻ - Ảnh: MINH HÒA
Vất vả để hẹn gặp cô nữ sinh Bùi Thị Kiều Anh (21 tuổi, quê An Giang, sinh viên năm 4 Trường đại học công nghệ Hutech), vì cô muốn tránh "thị phi". Với Kiều Anh, 200 triệu đó có chủ, chuyện tìm trả lại là việc nên làm và bình thường. Cô vui khi mình là người trung gian giữ giùm "của mất".
"Người mất chắc chắn sẽ rất lo buồn"
Kiều Anh kể, trưa hôm 11-10, khi đi làm về đến cổng nhà trọ trên đường Trần Văn Kỷ, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM, thấy một cọc tiền nằm lồ lộ trước nhà trọ, cô gái mất vài giây "đứng hình" trước cọc tiền lớn, và có phần hoang mang phải quan sát thật lâu mới nhặt vào để trong nhà trọ.
Cô cười bảo: "Lúc đó, mình sợ cọc tiền bỏ bùa, tẩm thuốc mê nên rất do dự". Sau khi hoàn hồn, nghĩ chắc ai đánh rơi, nếu không trả lại thì người mất xót của, lo lắng đi tìm, cô quyết định trả lại. Để an toàn, cô sinh viên đã cầm cọc tiền ném vào sân nhà trọ, sau đó dắt xe và đem tiền vào phòng.
Ban đầu Kiều Anh bối rối khi chưa nghĩ ra cách nào trả lại số tiền cho đúng "chính chủ". Cô gái nghĩ có 2 cách: đăng lên mạng xã hội hoặc đem đến công an phường. Suy xét kỹ, nếu đăng lên mạng xã hội sẽ rất phức tạp, Kiều Anh quyết định bàn giao số tiền cho công an phường.
Cô đội mưa chạy đến trụ sở công an phường gần nhà trọ trình báo sự việc, mong muốn nhờ công an tìm trả lại số tiền cho đúng chủ nhân bị mất. Cô bảo, lúc đến công an phường rất sợ và run, vì chưa bao giờ cầm số tiền lớn đến vậy.
Kiều Anh bảo, bàn giao cọc tiền nhặt được, cô thấy nhẹ cả người.
"Tôi nghĩ ai nhặt được cũng làm như tôi"
Kiều Anh làm nhân viên thu ngân cho một quán cà phê một ngày 8 tiếng, có ngày ít hơn do phụ thuộc vào việc sắp xếp lịch học trên trường. Cô đã đi làm từ năm 2 đại học. Gia đình căn bản nên chu cấp, nuôi 2 anh em cô gái đi học đại học ở TP.HCM, song cô vẫn xin cha mẹ đi làm thêm để học hỏi vốn sống bên ngoài và có thêm chút chi phí.
Kiều Anh chia sẻ về việc nhặt được số tiền 200 triệu đồng mang giao nộp công an chiều 12-10 - Ảnh: NGỌC KHẢI
Trò chuyện với phóng viên Tuổi Trẻ, Kiều Anh cảm thấy lo lắng, sốt ruột tại sao giờ này người mất tiền vẫn chưa liên hệ để nhận lại.
"Người đánh rơi số tiền mà mình nhặt được chắc đang rất buồn, hoang mang vì số tiền mất quá lớn. Tôi rất mong họ sớm nhận lại được số tiền này", Kiều Anh bày tỏ.
Cô gái kể lúc nhỏ nhiều lần nhặt được tiền trong gia đình, trường học và trả lại cho người thân, bạn bè. Kiều Anh cũng từng mất tiền mà số tiền không lớn nhưng cũng cảm thấy buồn. Trở về phòng trọ, cô gái gọi điện thoại kể cho mẹ nghe câu chuyện trả lại tiền, được mẹ khen ngợi.
Trước câu hỏi nếu sau 1 năm lỡ không ai đến nhận số tiền thì công an sẽ trao lại cho mình, cô đáp: "Tôi nghĩ số tiền đó không phải của mình làm ra nên rất mong người mất sớm nhận lại được. Tôi không mong nhận số tiền đó. Tôi thấy may mắn khi chính mình nhặt được tiền và thấy vui khi tự đem gửi công an tìm người trả giúp. Tôi nghĩ nếu một người nào khác nhặt được cũng sẽ làm như tôi".
Trước đó, chiều 12-10, tại Trường đại học Công nghệ TP.HCM, ông Đặng Hoàng Tuấn - chủ tịch UBND phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM - đã trao giấy khen thưởng đột xuất gương người tốt việc tốt cho Kiều Anh.
Để ghi nhận, biểu dương việc làm ý nghĩa và cao đẹp của Kiều Anh, lãnh đạo nhà trường cũng đã trao tặng học bổng trị giá 20 triệu đồng cho nữ sinh viên này.
Cơ quan chức năng cũng thông báo ai là người đánh rơi số tiền trên liên hệ Công an phường 14 (quận Bình Thạnh), địa chỉ 156 Lê Quang Định, phường 14, quận Bình Thạnh, TP.HCM hoặc số điện thoại: 0283.8412.218.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận