25/06/2018 10:18 GMT+7

Tôi đã không ngoảnh mặt khi Tổ quốc cần

TRẦN KIÊM HẠ
TRẦN KIÊM HẠ

TTO - Đang yên giấc trong ký túc xá Trường kỹ thuật xây dựng Thủy lợi (Hạp Lĩnh, Tiên Sơn, Hà Bắc), tôi bỗng nghe tiếng kẻng báo động liên hồi. Tin dữ lan truyền: Trung Quốc đã xua quân xâm lược, gây nên cảnh màn trời chiếu đất cho nhân dân ta!

Tôi đã không ngoảnh mặt  khi Tổ quốc cần - Ảnh 1.

Chừng mười phút sau, giữa sân trường còn ngổn ngang gạch đá xây dựng, gần một ngàn sinh viên và cán bộ trường chúng tôi đứng lặng yên trong bóng tối, lắng nghe thầy hiệu trưởng báo tin dữ: cách đây ba ngày (17-2-1979), Trung Quốc đã xua quân xâm lược, gây nên cảnh màn trời chiếu đất cho nhân dân sáu tỉnh sát biên giới nước ta...

Bày tỏ cảm xúc xong, thầy hiệu trưởng đọc lời hiệu triệu của Chính phủ kêu gọi toàn dân ra sức cứu nước. Sau buổi nói chuyện, sinh viên chúng tôi về ký túc xá, xếp bút nghiên chuẩn bị ngày mai ra mặt trận. 

Trong không khí căm phẫn quân xâm lược tàn ác, có người háo hức mong trời sáng để ra mặt trận, cũng có người đăm chiêu lo sợ, nhất là mấy bạn nữ quen sống khuê các đã không cầm được nước mắt.

Tháng ngày lăn lóc ngoài mặt trận đối mặt với chết chóc, làm bạn với những người xem mạng sống nhẹ tựa lông hồng để bảo vệ Tổ quốc, khi về trường lòng tôi không còn mảy may toan tính thiệt hơn cho bản thân nữa.

Trần Kiêm Hạ


Đoàn sinh viên Thừa Thiên - Huế chúng tôi ra đây học gần ba mươi người. Theo thầy hiệu trưởng, tuổi thơ chúng tôi đã đối mặt với hiểm nguy trong cuộc chiến tranh chống Mỹ nhiều rồi. Chủ trương trên cho được miễn ra mặt trận, ở lại bảo vệ trường chờ ngày các bạn đánh đuổi quân xâm lược xong sẽ trở về học lại. 

Tuy không lên đường ra biên giới nhưng anh em chúng tôi lại rỉ tai nhau, âm thầm gói ghém hành trang, lên kế hoạch sẽ cùng nhau trốn về quê hương để thực hiện lại ước mơ đời mình! Tại sao lại có chuyện tát nước theo mưa như vậy?

Thật ra chuyện này đã âm ỉ trong tâm tư anh em lâu rồi. Ngày ấy vị cán bộ tuyển sinh vào huyện nhà chúng tôi công bố rằng: ngôi trường ông đang tuyển sinh chuyên đào tạo sinh viên rồi đưa đi du học các nước trong khối xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức... để trở thành chuyên viên. 

Trong tình cảnh ngày ấy thông tin còn mờ ảo, lời ông đã làm những học sinh vừa học xong cấp ba như chúng tôi chưa kịp thi cử gì đã choáng ngợp, tranh nhau nộp đơn, nhờ vả...

Hôm ấy, vừa đặt chân lên ngôi trường này chúng tôi đã vỡ mộng rồi. Muốn bỏ về nhưng sợ địa phương phê phán, sợ cha mẹ phiền lòng. 

Thử hỏi sau mười hai năm được cha mẹ cho ăn học, vì lẽ gì mà chúng tôi phải xa gia đình, phải lặn lội ra miền Bắc xa xôi để học lấy một nghề thợ nề, thợ mộc, thợ sắt... không cần học hành nhiều, ở quê cũng không thiếu?

Theo kế hoạch, ngày mai khi bạn bè khác đang trên đường ra mặt trận, chúng tôi sẽ nhanh chóng trốn về quê. Tôi sẽ ôn thi đại học để kiếm lấy một việc làm mưa không ướt mặt, nắng không đến vai. 

Chí ít cũng làm tài xế máy kéo vì nhà tôi có máy kéo kia mà. Tại sao tôi phải ở lại giữ trường để có thể bị quân xâm lược tàn sát. Nếu có bình yên chăng nữa cũng trở thành một người thợ dầm mưa dãi nắng suốt đời trên các công trường mà thôi. Lòng tôi đã quyết, nhất định trở về quê thôi.

Tờ mờ sáng hôm sau, đoàn xe tỉnh đội đã nối đuôi nhau tại sân trường để đưa sinh viên ra mặt trận. Thầy quản sinh đọc tên từng trung đội, tiểu đội... lần lượt bước lên xe. Tôi lớp trưởng, được phân công làm trung đội trưởng ở lại bảo vệ trường.

Tâm tư tôi bắt đầu xao động trước cảnh cờ xí rợp trời, băngrôn khẩu hiệu san sát; các bạn cùng khóa hân hoan bước lên xe ra mặt trận cùng lời nhạc hùng hồn phát trên loa: "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, cùng toàn dân ta vào trận chiến đấu mới...". 

Rồi lời thầy hiệu trưởng vang lên: "Mất nước là mất tất cả. Giàu sang hay nghèo khổ, trí thức hay bình dân cũng trở thành nô lệ mà thôi. Kẻ sống gió chiều nào che chiều đó để yên thân là hèn hạ. Kẻ vì giàu sang và nhàn nhã mà ngoảnh mặt quay lưng với Tổ quốc để ngoại bang chà đạp đất nước mình là phường vô cảm, sống tầm thường...".

Tổ quốc lâm nguy sao mình đành ngoảnh mặt? Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu, tôi bước lên hàng quân, nói dõng dạc với thầy quản sinh: "Thưa thầy, cho em được ra mặt trận". Thầy trố mắt: "Cậu chưa bằng lòng nhiệm vụ được giao sao?". 

Tôi nói: "Dạ không. Em xin được ra mặt trận". Giọng thầy hân hoan: "Ồ tốt quá! Cậu đã trải qua khóa huấn luyện quân sự rồi, cầm súng được thôi. Hãy ký vào đây cho tôi một chữ...".

Trên quốc lộ 1A, con đường huyết mạch lên tỉnh biên giới Lạng Sơn người và xe cộ nườm nượp ra mặt trận. Ngồi trên chiếc xe nhà binh mui trần tay cầm súng, chứng kiến cảnh này lòng tôi càng rộn ràng phấn chấn. 

Càng lên biên giới, cảnh trời bao la, núi non càng hùng vĩ, hồn thiêng sông núi cha ông ta để lại ngút ngàn. Trên con đường dẫn lên một xóm núi, từng đàn trâu nằm dưới những cội cây tránh nắng, miệng nhẩn nha nhai lại; vài em nhỏ người vùng cao vô tư nghịch nước dưới con suối trong vắt... 

Bất giác trong mắt tôi, quê hương đất nước mình, con người và cảnh vật... đâu đâu cũng đẹp. Lòng tôi trào dâng ý chí phải hết lòng bảo vệ, quyết không để quân xâm lăng chà đạp.

Tháng ngày lăn lóc ngoài mặt trận đối mặt với chết chóc, làm bạn với những người xem mạng sống nhẹ tựa lông hồng để bảo vệ Tổ quốc, khi về trường lòng tôi không còn mảy may toan tính thiệt hơn cho bản thân nữa. 

Tôi không trở về quê ôn thi đại học như dự định mà ở lại trường chuyên cần học lấy một nghề để chung tay tái thiết quê hương.

Sau ba năm học tập với kết quả xuất sắc, cộng với tấm bằng khen "Chiến sĩ thi đua" ngoài mặt trận, tôi được giữ lại trường làm giáo viên. Đó là ước mơ của bao sinh viên khác nhưng tôi từ chối, xin trở về xây dựng quê hương với một nghề thợ.

Cùng trở về quê hương với tôi là một người bạn gái. Người mà được tổ chức phân công theo dõi, kết nạp Đoàn cho tôi vào ngày 26-3-1979 trên biên giới. Cô ấy cũng được trường giữ lại làm giáo viên nhưng đồng cảm với tôi một lẽ sống... 

Chúng tôi đã nên vợ chồng và có mặt trên hầu hết các công trường thủy lợi ở quê nhà, chung tay cùng đồng đội đưa nước về tưới tiêu cho những cánh đồng khô hạn...

Giờ đây vợ chồng tôi đã về hưu, sống bằng đồng lương hưu ít ỏi nhưng lòng lại thanh thản, tự hào. Nghĩ lại thấy nhờ khoảnh khắc ngày ấy tôi đã chọn đúng cho mình một lẽ sống. Một lẽ sống không ích kỷ. '

Tuy gian lao nhưng nhận được nhiều điều vô giá: được bạn bè yêu mến, được một người vợ đảm đang, hết mực yêu thương gia đình và con cái trưởng thành biết sống vì mọi người. Quan trọng hơn là tránh được điều xấu hổ nhất của con người, đó là ngoảnh mặt quay lưng khi Tổ quốc cần.

Tôi đã không ngoảnh mặt  khi Tổ quốc cần - Ảnh 3.
Tôi đã không ngoảnh mặt  khi Tổ quốc cần - Ảnh 4.
TRẦN KIÊM HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên