Nhật ký phóng viên: Đi gặp 'những người hùng'

TTO - Gần hai tháng ngược miền biên viễn, xuôi về Sơn Lôi, vào Trúc Bạch, đến khu cách ly ở thủ đô, chúng tôi may mắn được gặp những người hùng làm việc trong 'đỉnh dịch'. Từ Vũ Hán, Daegu và bây giờ là châu Âu, các anh vẫn kiên trì trực chiến.

Những ngày đầu tháng hai, chúng tôi nhận nhiệm vụ ngược lên biên viễn, tìm đến nơi bộ đội dựng lều căng mình trực chiến. Thời điểm đó, số người chết ở Vũ Hán vì COVID-19 tăng lên theo cấp số nhân.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 1.

Những chiến sĩ trẻ tuổi tại Trung đoàn 59, Sư đoàn bộ binh 301, Bộ Tư lệnh thủ đô là những người hùng thầm lặng làm nhiệm vụ trực chiến "xuyên cách ly" - Ảnh: NAM TRẦN

"Đi như thế này sợ không?"

Chúng tôi chọn Lào Cai - cửa khẩu quốc tế lớn nhất vùng Tây Bắc, trong khi anh em báo chí đã "nằm vùng" khá lâu ở tuyến Lạng Sơn. Trong dịch bệnh, bộ đội càng quý báo chí và sẵn sàng cung cấp các đầu mối cần thiết.

Xe ôtô chỉ còn cách thành phố Lào Cai chừng 15km, tức tốc tôi nhận được tin báo: chuyến tàu hàng liên vận quốc tế mang số hiệu 1212 từ ga Sơn Yêu (Trung Quốc) nhập cảnh vào ga Lào Cai (Việt Nam) đầu tiên sẽ được thông thương sau 5 ngày tạm dừng vì dịch corona (lúc đó vẫn gọi là corona thay COVID-19 như bây giờ - PV).

Chúng tôi chuyển hướng, đến ga Lào Cai trước.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 2.

Lái tàu Hoàng Cường nhìn qua khung cửa sổ sau khi về tới phần lãnh thổ của Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

13h45 ngày 8-2, tàu qua mốc giới Trung Quốc, về đến Việt Nam. Trưởng tàu liên vận quốc tế (ga Lào Cai) là "người hùng" đầu tiên tôi gặp gỡ sau khi ông hoàn tất công tác khử trùng, làm thủ tục nhập cảnh.

- "Đi như thế này, ông có sợ không?", tôi hỏi.

Ánh mắt "vị lão tướng" có hơn 20 năm gắn bó với những chuyến tàu đôn hậu: "Mình động viên anh em trong ban lái tàu cùng tổ công tác trên tàu yên tâm. Vấn đề đại dịch ở đâu cũng có, bản thân tự đề phòng đảm bảo an toàn cho mình".

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 3.

Ông Trung trưởng tàu cùng đoàn công tác là những người hùng đầu tiên xung phong vào trận chiến phòng chống dịch bệnh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ông Trung trưởng tàu, ông Hải kỹ thuật viên toa xe cùng hai lái tàu trẻ măng là Hoàng Cường và Khổng Minh là những "người hùng" đầu tiên xung phong vào trận chiến dịch bệnh, tiên phong giải tỏa cho những container đang "nằm chết dần" nơi cửa khẩu.

Mưa biên giới

Đặt chân đến mốc biên 112 - Bản Lầu (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai) - nằm cách thành phố chừng 40km, cách biên giới Việt - Trung chừng 5km vừa kịp lúc các anh bắc xoong chảo ra nấu cơm tối.

Khoe mớ rau vừa "dân vận" được, các anh bộc bạch cũng nhờ bà con đồng lòng cho mượn tạm đất dựng lều dã chiến chừng 12m2, thỉnh thoảng còn cho chút rau. Biên giới gần dân, chỉ vậy thôi mà ấm lòng bộ đội lắm.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 4.

Dựng lán tạm trực chiến, thổi cơm bằng bếp lửa tự chế, nấu mớ rau nhờ "dân vận" được - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

25 ngày tính từ thời điểm nhận nhiệm vụ trực Tết Nguyên đán đến lúc được phỏng vấn, thượng úy Triệu Tiến Ngân (39 tuổi, nhân viên đội phòng chống ma túy và tội phạm) chưa về với gia đình. Trực tết xong, anh nhận luôn nhiệm vụ trực chiến phòng chống dịch nơi biên viễn.

Anh kể, biên giới đang trưa nắng, tối mưa ngay được. Có ngược biên viễn cùng bộ đội, mới hiểu được cái rét tê buốt khi cơn mưa bỗng nhiên ập xuống. Đêm biên giới, mưa rét thấu xương.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 5.

Tuần tra mốc 112 - Bản Lầu (Mường Khương, Lào Cai) - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Chỉ bước qua mấy rặng chuối là đặt chân "sang bên kia", mùa này sông suối cạn bà con càng dễ dàng qua lại. Thế nhưng từ lúc hay tin có dịch, bộ đội đeo băng rôn tuyên truyền, bà con ít ra đường hơn, hạn chế mở hàng quán hơn.

Nhờ có bộ đội ngày đêm chiến đấu mà trong thời kỳ có "tâm dịch" Vũ Hán ở Trung Quốc, Lào Cai không ghi nhận ca bệnh nào. 

Ánh mắt vị đại tá

13h ngày 9-2 (hôm đó là chủ nhật - PV), xe chúng tôi đến khu vực Trường Quân sự tỉnh Lào Cai sau khi đã an tâm xin ý kiến từ Chủ tịch tỉnh.

Trường vắng hoe, nhìn đồng hồ chưa đến giờ làm việc, mấy ngày chạy xe liên tục đường núi, hai anh đồng nghiệp tranh thủ chợp mắt trong xe. Còn tôi sốt ruột nhìn đồng hồ, chỉ sợ ngày cuối tuần không biết các anh có tiếp chúng tôi không.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 6.

Dựng lán tạm trực chiến, thổi cơm bằng bếp lửa tự chế, nấu mớ rau nhờ "dân vận" được - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đúng 13h30, vị đại tá mặc quân phục từ tầng 2 bước xuống, tôi đoán ngay là đại tá Nguyễn Văn Đô, phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai, vì đã được nhìn thấy ảnh ông trước đó.

Cậu lính pha ấm trà, đại tá Đô xin phép nhấp chén nước trước lúc phỏng vấn. Nhìn quầng mắt ông trũng sâu, tôi thực sự xúc động. Nay là chủ nhật, ông vẫn trực chiến, chỉ đạo trực tiếp tại trung tâm cách ly phòng dịch.

Gần 30 phút trao đổi, đại tá Đô cho biết hầu hết bà con cách ly tại đây là người dân tộc thiểu số, nên đơn vị thường xuyên phân công tổ công tác gặp gỡ bà con, tuyên truyền cho bà con hiểu được các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hay dung dịch sát trùng.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 7.

Bác sĩ kiểm tra nhiệt độ cho những người dân đang được cách ly tại Trường Quân sự tỉnh Lào Cai vào chiều 9-2 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trao đổi xong, đích thân ông đến từng phòng hỏi han bà con: "Hiện nay tư tưởng bà con nhân dân cách ly trong 14 ngày có gì khó khăn không? Trong điều kiện của quân đội, có những điều chưa đáp ứng được mong bà con cùng khắc phục".

Nơi phên dậu của Tổ quốc, chống dịch càng căng thẳng hơn. Ngoài cung cấp đầy đủ cơm ăn, nhu yếu phẩm cần thiết, tại khu vực cách ly còn phát loa tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh bằng các thứ tiếng: Mông, Dao, Dáy. Vị đại tá nói, có như vậy bà con mới hiểu, mới nâng cao ý thức và chung tay cùng bộ đội đẩy lùi dịch bệnh.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 8.

Nơi phên dậu, bà con dân tộc cùng đồng lòng với bộ đội chiến thắng dịch bệnh - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Đứng nép mình bên góc sân, chị Thúy - công dân vừa về khu cách ly - xúc động ngăn nước mắt. Một năm nay, chị bám trụ bên Trung Quốc đóng chuối thuê, tính ra mỗi ngày cũng được hơn 300 tệ. Dịch bệnh bùng phát, chị bỏ việc về ngay, mang theo ba bộ quần áo xin vào khu cách ly.

"Có tiền đấy nhưng về thôi, mình sợ bệnh, sợ chết. Về Việt Nam sướng hơn, đi lại sướng hơn. Về Việt Nam, mình xin vào đây được các chú bộ đội cho ăn ở đàng hoàng. Nhà nước quan tâm thế này, mình cám ơn lắm", chị trải lòng.

Sức mạnh quân đội

Rời Lào Cai, chúng tôi nhận nhiệm vụ vào "tâm dịch" Sơn Lôi (Vĩnh Phúc) rồi đến Trúc Bạch (Hà Nội). Ngoài khẩu trang, găng tay, xịt khử khuẩn liên tục, một quy định nghiêm ngặt khác được đặt ra là phóng viên phải tự cách ly tại nhà đủ thời gian quy định một khi đã tác nghiệp ở những nơi này.

Sau 14 ngày, tôi liên hệ Bộ Tư lệnh thủ đô Hà Nội nhờ giới thiệu đến các khu vực cách ly, nói vui là xin được vào xem các anh bộ đội "ăn ở thế nào".

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 9.

Bộ đội ở Trung đoàn 59, Sư đoàn bộ binh 301, Bộ Tư lệnh thủ đô trực chiến xuyên đêm canh gác tại khu vực cách ly - Ảnh: NAM TRẦN

Tôi may mắn được nhìn thấy các anh làm việc từ những ngày đầu tiên, từ bố trí sẵn sàng phòng ốc, chuẩn bị lực lượng ra sao để đón tiếp bà con nước mình từ Trung Quốc về. Cho đến ngày dịch bùng phát ở Daegu (Hàn Quốc), các anh luôn trong trạng thái sẵn sàng. Và bây giờ là đón những người trở về từ "tâm dịch" châu Âu.

Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô và Trung đoàn 59 (Sư đoàn bộ binh 301, Bộ Tư lệnh thủ đô) là hai khu vực cách ly có sức chứa hơn 1.000 người.

Những nơi này luôn được phong tỏa nghiêm ngặt. Vòng 1 có thể đón tiếp người nhà đến gửi đồ dùng, nhu yếu phẩm. Kể từ vòng 2 cho đến vòng 3 là khu cách ly đặc biệt, không người lạ nào có thể xâm nhập vào khu vực dày đặc vòng thép gai này.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 10.

Phóng viên đứng ở vòng 2 đeo găng tay, khẩu trang, mặc thêm bảo hộ phỏng vấn người dân ở vòng 3 cách ly đặc biệt qua hàng rào thép gai - Ảnh: NAM TRẦN

Làm việc với bộ đội, đôi lúc cũng… khó nhằn một chút, bởi phóng viên không được tiếp cận vòng cách ly đặc biệt để đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Không được tiếp cận, chúng tôi nảy ra "sáng kiến" xin phép các anh được phỏng vấn qua hàng rào thép gai, đảm bảo nguyên tắc cách xa 2 - 3m. Bộ đội mặc bảo hộ kín mít, phóng viên cũng kín như bưng, đeo khẩu trang phỏng vấn từ xa nên ai cũng hiểu phải nói thật to, thật rõ.

Phỏng vấn xong trút bỏ bộ đồ bảo hộ, mồ hôi nhễ nhại, càng thấu hiểu hơn cho các anh khi mỗi ngày mặc nguyên bộ đồ bảo hộ leo từ tầng nọ sang tầng kia, từ tầng thấp nhất đến cao nhất, gõ cửa từng phòng đưa cơm nước cho bà con.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 11.

Khu vực cách ly đặc biệt ở Trường Quân sự Bộ Tư lệnh thủ đô được dựng rào chắn, hàng rào thép gai, không một người lạ nào được tiếp xúc ở khu vực này, kể cả phóng viên - Ảnh: NAM TRẦN

"Siêu nhân xanh"

Trong một lần "bí" title bài, trong phòng cách ly của Trung đoàn 59 chợt có tiếng reo lên: "Siêu nhân xanh, mẹ ơi các chú là siêu nhân xanh". Không kiềm chế được xúc động, tôi thầm cảm ơn đứa trẻ đưa đến sáng kiến cho một title bài mới: Biệt đội "siêu nhân xanh" được đăng trên Tuổi Trẻ Online.

Những công dân Việt Nam từ Hàn Quốc trở về đặt cho các chú, các anh cái tên như vậy, bởi mỗi ngày được các chú bộ đội ân cần đo nhiệt độ, kiểm tra sức khỏe, phục vụ cơm nước cho mình.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 12.

Hơn 240 công dân từ vùng dịch Hàn Quốc về đang cách ly tại trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô hoàn thành đợt cách ly 14 ngày, trở về cuộc sống bình thường (ảnh chụp ngày 11-3) - Ảnh: NAM TRẦN

Sau 14 ngày chấp hành quy định cách ly tập trung, chẳng có món quà nào hơn, họ gửi lại các anh bài thơ hay những dòng nhật ký đầy xúc động.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh cô du học sinh Lê Thị Quỳnh (ở Bắc Giang) rơi nước mắt viết lên những dòng tâm sự: "Ra đi cánh gió phương trời lạ/Vẫn nhớ non sông một mái nhà/Tổ quốc là nơi không bao giờ bỏ rơi chúng ta".

Hoàn thành cách ly 14 ngày "tâm dịch" Daegu, các anh tiếp tục mở cổng đơn vị đón chào bà con người Việt từ châu Âu trở về. Đồng hồ sang ngày mới, về đến khu cách ly, Đinh Thị Quỳnh Anh (24 tuổi, quê ở Thanh Hóa) - du học sinh từ Anh nhớ mãi bát mì tôm.

"Mình nhớ không nhầm là khoảng 1h30 sáng, chừng 30 phút sau các anh bộ đội gọi có mì tôm xuống ăn. Thực sự mình cảm thấy may mắn, nghĩ trong đầu cuối cùng cũng về đến Việt Nam, có bị hay không cảm giác cũng an toàn, sống rồi", Quỳnh Anh rưng rưng.

Tôi đã gặp những người hùng trong mùa chống dịch cam go - Ảnh 13.

Những người hùng thầm lặng gác ngày canh đêm giúp bà con nhân dân trong khu vực cách ly - Ảnh: NAM TRẦN

14 ngày hết cách ly, bạn có thể trở về, nhưng các anh vẫn làm việc "xuyên cách ly" như thế. Mệt không? Có chứ, nhìn mồ hôi nhễ nhại dính chặt lấy bộ đồ bảo hộ là biết. Nhớ nhà không? Dĩ nhiên là nhớ, nhìn hình ảnh mỗi sáng anh bộ đội quân y gọi điện về "báo cáo" vợ con là hiểu.

Khó khăn vất vả là vậy nhưng trên dưới ai cũng một lòng: phải cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, miễn là được giúp bà con, giúp đồng bào mình vượt qua hoạn nạn.

HÀ THANH
NGUYỄN KHÁNH - NAM TRẦN
HÀ THANH - KIỀU NHI
31-3-2020
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0