Hoạt động tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ở Việt Nam trong ống kính Hãng thông tấn quốc tế Reuters (ảnh chụp tại Hải Dương) - Ảnh: REUTERS
Theo Bộ Y tế, tính từ 12h đến 18h ngày 17-5, cả nước có 117 ca mắc mới (bệnh nhân 4243 - 4359), trong đó 1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa và 116 ca mắc ghi nhận trong nước tại Bắc Giang 61 ca, Bắc Ninh 38 ca, Đà Nẵng 7 ca, Hà Nội 5 ca, Phú Thọ 2 ca, Hưng Yên 2 ca, Vĩnh Phúc 1 ca.
Tất cả số ca mắc mới trong nước trên được phát hiện trong khu cách ly (93 ca) và trong khu vực được phong tỏa (23 ca). Không phát hiện các ổ dịch mới.
Với 117 bệnh nhân mới, số mắc COVID-19 cả nước tính từ đầu mùa dịch là 4.359 bệnh nhân, trong đó số ca mắc mới trong nước tính từ ngày 27-4 đến nay là 1.320 ca.
Tại buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế với UBND tỉnh Bắc Giang cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế sẵn sàng tập trung nguồn lực, hỗ trợ Bắc Giang phòng chống dịch COVID-19.
Đồng thời sẽ báo cáo đề xuất với bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập bộ phận hỗ trợ của Bộ Y tế thường trực tại Bắc Giang, để kịp thời hỗ trợ địa phương trong công tác phòng chống dịch.
Thông tin chi tiết các ca mắc mới:
Bắc Ninh (38 ca)
Ca bệnh 4243-4249, 4264, 4266-4280, 4282-4287, 289-4294, 4296-4298, là F1 của bệnh nhân 3758 và 3998, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16 và 17-5, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Đà Nẵng (7 ca)
Ca bệnh 4250 - 4256, là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16-5 dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.
Phú Thọ (2 ca)
Ca bệnh 4257, nam, 21 tuổi, địa chỉ tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là F1 của bệnh nhân 3116, đã được cách ly trước đó.
Ca bệnh 4259, nam, 5 tuổi, địa chỉ tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ; là F1 của bệnh nhân 3116, đã được cách ly trước đó.
Kết quả xét nghiệm ngày 17-5 cả hai dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ.
Hà Nội (5 ca)
Ca bệnh 4260, 4263, 4265, 4281, 4288, là F1 liên quan đến ổ dịch cũ, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16-5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
Hưng Yên (2 ca)
Ca bệnh 4261, nam, 25 tuổi, địa chỉ tại thị xã Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; là F1 của bệnh nhân 3120, đã được cách ly trước đó.
Ca bệnh 4262, nữ, 38 tuổi, địa chỉ tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên; là F1 của bệnh nhân 3168, đã được cách ly trước đó.
Kết quả xét nghiệm ngày 16 và 17-5, hai người dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh.
Vĩnh Phúc (1 ca)
Ca bệnh 4295, nam, 54 tuổi, địa chỉ tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, đã được cách ly trước đó. Ngày 29-4, người này đi trên chuyến bay VN160 có chuyên gia Trung Quốc dương tính với SARS-CoV-2. Kết quả xét nghiệm ngày 17-5 dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Vĩnh Phúc.
Bắc Giang (61 ca)
Ca bệnh 4299-4359, là F1 liên quan các KCN Quang Châu, Vân Trung, Đình Trám, đang tiếp tục điều tra, đã được cách ly trước đó. Kết quả xét nghiệm ngày 16-5 các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.
1 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa:
Ca bệnh 4258, nữ, 23 tuổi, địa chỉ tại huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Ngày 14-5, chị từ Nhật Bản nhập cảnh sân bay Cam Ranh. Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 16-5 dương tính với SARS-CoV-2, hiện đang được cách ly, điều trị tại Phòng khám Ninh Sim, tỉnh Khánh Hòa.
Đề xuất tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho nhân viên đường sắt
Báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết đến nay có 1 công nhân gác chắn ở Bắc Ninh dương tính với SARS-CoV-2 (do tiếp xúc gần với anh trai chăm sóc mẹ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2).
Tại các đơn vị đường sắt ở 7 tỉnh, thành phố có 14 trường hợp F1 (đã được cách ly tập trung) và 95 trường hợp F2 phải cách ly tại nhà.
Theo Tổng công ty Đường sắt, do đặc thù của hoạt động vận tải đường sắt, nhiều bộ phận nối tiếp trong các khâu sản xuất, nếu một bộ phận bị ảnh hưởng của dịch bệnh như: điều hành giao thông đường sắt, tài xế lái tàu, khai thác chạy tàu, tiếp viên trên tàu... sẽ gây nguy cơ đình trệ toàn bộ hoạt động đường sắt.
Để phòng tránh dịch COVID-19, tổng công ty này đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Giao thông vận tải đề xuất Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế cấp cho doanh nghiệp này 6.598 liều vắc xin, chia làm 3 đợt để tiêm cho cán bộ, nhân viên điều độ chạy tàu, lái tàu, phục vụ chạy tàu, làm việc trực tiếp tại ga…
Bên cạnh đó, Tổng công ty Đường sắt đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có đường sắt đi qua hỗ trợ, tăng cường công tác phòng chống dịch tại các nhà ga, các cơ sở sản xuất như: phun thuốc khử khuẩn, trang bị máy đo thân nhiệt bằng hồng ngoại tại một số ga Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược vắc xin, theo đó chúng ta nỗ lực tiếp cận vắc xin nhanh nhất bằng nhiều nguồn lực, sớm nhất có thể tiêm vắc xin cho người dân. Đây là một trong những vũ khí quan trọng nhất để phòng chống dịch.
Chiều 16-5, gần 1,7 triệu liều vắc xin của AstraZenceca qua cơ chế COVAX được chuyển giao cho Việt Nam.
Tính đến ngày 15-5, tổng cộng cả nước đã thực hiện tiêm vắc xin ngừa COVID-19 với 977.032 liều cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng tuyến đầu chống dịch, có nguy cơ lây nhiễm cao.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng đề án nhập khẩu, sản xuất, tổ chức tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và bố trí nguồn lực thực hiện.
Người cao tuổi ở ngoại ô thủ đô Johannesburg của Nam Phi tiêm vắc xin ngừa COVID-19 ngày 17-5 - Ảnh: REUTERS
Thêm hi vọng từ 1 vắc xin mới
Ngày 17-5, Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp và Hãng dược phẩm GSK của Anh thông báo vắc xin (vaccine) ngừa COVID-19 mà hai hãng này đang phối hợp phát triển đã tạo "phản ứng miễn dịch mạnh" trong các thử nghiệm ban đầu.
Kết quả này mang lại hi vọng thế giới có thêm một loại vắc xin ngừa COVID-19, đóng góp vào nỗ lực đẩy lùi đại dịch nguy hiểm khiến thế giới lún vào khủng hoảng hơn một năm qua.
Trong một tuyên bố, Sanofi và GSK cho biết trong nghiên cứu giai đoạn 2 với 722 tình nguyện viên, vắc xin thử nghiệm "đã đạt tỉ lệ kháng thể vô hiệu hóa virus (SARS-CoV-2) mạnh" ở tất cả các nhóm người trưởng thành, tương ứng tỉ lệ ở những bệnh nhân mắc COVID-19 đã bình phục.
Kết quả này cho phép hai hãng nghiên cứu tiếp giai đoạn 3 quy mô lớn trên quy mô toàn cầu, dự kiến bắt đầu trong những tuần tới.
Trao đổi với báo giới, ông Thomas Triomphe, phó chủ tịch điều hành Sanofi kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu vắc xin Sanofi Pasteur, cho biết các dữ liệu thử nghiệm giai đoạn 2 đã khẳng định tiềm năng của vắc xin này đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu đang diễn ra.
Ông nhấn mạnh trong bối cảnh liên tục xuất hiện các biến thể của virus SARS-CoV-2, việc có thêm nhiều loại vắc xin với hiệu quả phòng bệnh cao và có thể được bảo quản ở nhiệt độ thường càng trở nên cấp thiết.
Vắc xin đang được thử nghiệm kết hợp kháng nguyên do Sanofi phát triển, vốn kích thích tạo ra kháng thể diệt virus, với công nghệ bổ trợ của GSK.
Trước đó, nghiên cứu được công bố vào cuối năm 2020 cho thấy vắc xin của Sanofi/GSK tạo miễn dịch thấp ở những người cao tuổi. Thời điểm đó, hai công ty trên cho biết chế phẩm này chưa sẵn sàng được đưa vào sử dụng cho tới cuối năm 2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận