Một người đàn ông đeo khẩu trang khi ông được khử trùng trước khi bước vào một trung tâm mua sắm ở thành phố Karachi hôm 18-5, sau khi Pakistan bắt đầu nới lỏng phong tỏa - Ảnh: REUTERS
Ngày 18-5, Tòa án tối cao Pakistan ra lệnh cho chính phủ nước này dỡ bỏ một số biện pháp hạn chế còn lại đang áp dụng với các loại hình kinh doanh, mặc dù nước này đã ghi nhận số ca nhiễm tăng mạnh kể từ lúc bắt đầu nới lỏng phong tỏa.
Theo Hãng tin Reuters, trong quyết định mang tính bắt buộc trên, Tòa án tối cao Pakistan nói rằng COVID-19 "rõ ràng không phải là đại dịch ở Pakistan" và đặt câu hỏi tại sao việc chống lại dịch bệnh này lại "đang nuốt rất nhiều tiền của".
"Chúng tôi không tìm ra được lý do tại sao rất nhiều tiền của lại được chi để đối phó COVID-19. Pakistan không phải là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do dịch bệnh này" - Tòa án tối cao Pakistan giải thích.
Tòa án đã ra lệnh mở cửa trở lại các trung tâm mua sắm nếu nhà chức trách y tế không phản đối, đồng thời dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đang áp dụng với các loại hình kinh doanh vào cuối tuần.
"Nếu các cửa hàng vẫn đóng cửa, các chủ cửa hàng sẽ chết vì đói hơn là vì COVID-19", chánh án Tòa án tối cao Pakistan Gulzar Ahmed nói.
Tính đến sáng 19-5, Pakistan ghi nhận tổng cộng 42.125 ca nhiễm và 903 ca tử vong do COVID-19. Dù các con số này đến nay thấp hơn nhiều so với các nước ở phương Tây nhưng đã tăng mạnh trong tháng này. Pakistan hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng thứ hai ở khu vực Nam Á, sau Ấn Độ.
Các quan chức Pakistan, gồm Thủ tướng Imran Khan, nói rằng mức gia tăng ca nhiễm vẫn còn thấp hơn so với dự đoán. Đối diện với viễn cảnh kinh tế chịu thiệt hại nặng do lệnh phong tỏa, họ đã cho phép các chợ bán lẻ mở lại tuần trước như một phần trong kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa theo giai đoạn trên toàn quốc.
Tuy nhiên, các bác sĩ đã chỉ trích quyết định mở cửa trở lại vì lo ngại COVID-19 có thể lây lan nhanh và khiến hệ thống y tế quá tải.
"Điều đó chắc chắn sẽ khiến số ca nhiễm, trong đó có các ca nguy kịch, tăng lên. Chúng tôi lo ngại áp lực sẽ đè nặng lên các bệnh viện", Salman Kazmi, một thành viên tại Hiệp hội Các bác sĩ trẻ của Pakistan, chia sẻ.
Khi mở cửa trở lại vào tuần trước, các khu chợ ở Pakistan ngay lập tức đông đúc, có rất ít dấu hiệu cho thấy người dân giữ giãn cách xã hội hay đeo khẩu trang.
Tuy nhiên, các cửa hàng và chợ chỉ được mở từ 8h-16h trong 4 ngày một tuần - điều mà tòa án tối cao nước này không đồng ý. Tòa án nói rằng các khu chợ vẫn cần phải mở vào thứ bảy và chủ nhật, theo Hãng tin Anadolu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch vào ngày 11-3. Đây là lần đầu tiên WHO tuyên bố dịch bệnh do một chủng virus corona gây là đại dịch, dù trước đây từng có hai dịch bệnh khác cũng do virus corona chủng khác gây ra là SARS và MERS.
Theo từ điển dịch tễ học, nguồn tham khảo tiêu chuẩn của các nhà dịch tễ học, "đại dịch" (pandemic) là "một dịch bệnh xảy ra trên toàn thế giới, hoặc trên một vùng rộng lớn, vượt qua cả các biên giới quốc tế và thường ảnh hưởng tới một số lượng người rất lớn".
Cần nhớ từ "đại dịch" chỉ nói tới quy mô bao nhiêu khu vực trên thế giới đang phải ứng phó với cấp độ lây lan gia tăng của bệnh dịch, và về lý thuyết, không nói tới mức độ nghiêm trọng của căn bệnh đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận