Nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange tại Đại sứ quán Ecuador ở trung tâm London ngày 5-2-2016 - Ảnh: REUTERS
Julian Assange bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố vào năm 2019 với 18 tội danh, bao gồm gián điệp và công bố các tài liệu quân sự bí mật của Mỹ. Ông Assange bác bỏ cáo buộc và tuyên bố các tài liệu này phơi bày tội ác chiến tranh và sự lạm dụng của quân đội Mỹ tại Iraq.
Luật sư của ông Assange lập luận rằng toàn bộ vụ truy tố mang động cơ chính trị, do Tổng thống Trump hậu thuẫn và việc ông Assange bị dẫn độ đe dọa nghiêm trọng đến công việc của các nhà báo.
Tại phiên điều trần ở Old Bailey - Tòa án hình sự ở trung tâm London, thẩm phán Vanessa Baraitser đã bác bỏ gần như tất cả các lập luận của nhóm pháp lý của ông chủ WikiLeaks, nhưng cũng đồng thời cho rằng không thể dẫn độ Assange vì có nguy cơ ông ta sẽ tự tử.
Phán quyết không xác định liệu ông Assange có phạm tội hay không và các công tố viên Mỹ cho biết họ sẽ kháng cáo.
Trong khi ông Assange nhiều lần khẳng định bản thân vô tội vì chỉ làm công việc đơn thuần của một nhà báo là công bố thông tin vì lợi ích của công chúng, Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng không thể coi Assange là nhà báo vì ông ta không viết hay chỉnh sửa bất kỳ tài liệu nào mà WikiLeaks công bố.
Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ hạn chế chính phủ bỏ tù, phạt tiền hay áp đặt trách nhiệm đối với nội dung báo chí đăng tải nhưng không bảo vệ các nhà báo khỏi trách nhiệm hình sự.
Ngoại trưởng Anh là người có tiếng nói cuối cùng về các vụ dẫn độ. Có nghĩa là vụ việc sẽ còn kéo dài trong một khoảng thời gian.
Người ủng hộ ông Assange ăn mừng sau phán quyết của tòa án tại London - Ảnh: REUTERS
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết họ "vô cùng thất vọng" trước quyết định của thẩm phán Anh.
"Dù chúng tôi vô cùng thất vọng về quyết định cuối cùng của tòa án, chúng tôi hài lòng rằng Mỹ đã thắng thế trong mọi điểm pháp lý được nêu", Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định, nhắm tới tuyên bố của ông Assange rằng ông thực hiện quyền tự do ngôn luận trong khi Mỹ truy tố ông vì động cơ chính trị. Bộ Tư pháp cũng tuyên bố sẽ "tiếp tục tìm cách dẫn độ ông Assange sang Mỹ".
Trong khi đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết Mexico sẵn sàng cho Julian Assange tị nạn chính trị và ủng hộ quyết định từ chối dẫn độ ông Assange sang Mỹ của thẩm phán Anh.
"Assange là một nhà báo và xứng đáng có một cơ hội, tôi ủng hộ ân xá cho ông ta. Chúng tôi sẽ bảo vệ ông ấy", Tổng thống Obrador nói trong một cuộc họp báo.
Ông Assange đã bị giam giữ từ tháng 5 năm ngoái tại nhà tù Belmarsh ở London, nơi giam giữ một số người vi phạm pháp luật nguy hiểm nhất ở Anh.
Nếu bị dẫn độ và kết án tại tòa án Mỹ, ông Julian Assange có khả năng sẽ đối mặt với án tù kéo dài 175 năm, theo USA Today.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận