20/04/2019 09:33 GMT+7

Chính trường Mỹ chờ... Julian Assange

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Julian Assange, nhà sáng lập tổ chức chuyên tiết lộ bí mật WikiLeaks, rất có thể mới là nhân tố hạ màn cho câu chuyện liệu Tổng thống Mỹ Donald Trump có cấu kết với người Nga hay không.

Chính trường Mỹ chờ... Julian Assange - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại một sự kiện ở Nhà Trắng ngày 18-4, sau khi báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller được công bố - Ảnh: Reuters

Chính trường Mỹ một lần nữa dậy sóng sau khi toàn văn báo cáo dày 448 trang của công tố viên đặc biệt Robert Mueller trình Quốc hội ngày 18-4 (giờ Mỹ).

Đảng Dân chủ phản công

Ông Mueller trước đó kết luận Nga có can thiệp bầu cử Mỹ, nhưng không đủ bằng chứng nói Tổng thống Trump hay các đồng sự cấu kết với người Nga, và cũng không đủ bằng chứng nói ông Trump cản trở công lý.

Nhưng ba điểm trên mới chỉ là phân tích tóm tắt dài 4 trang của tổng chưởng lý William Barr. Đảng Dân chủ vốn dĩ không tin ông Barr và đòi phải công bố toàn văn.

Rõ ràng kết quả của một báo cáo không thể khác đi, nhất là khi người đánh giá và công bố nó trước đây - ông Barr - là một bộ trưởng tư pháp. Nhưng Đảng Dân chủ có quyền vui khi khơi lên những chi tiết bất lợi cho vị tổng thống bên Đảng Cộng hòa.

Trong báo cáo, ông Mueller nhắm vào cả chục trường hợp các hoạt động của người Nga có tương tác với đồng sự của ông Trump, nhưng như đã nói, không trường hợp nào khẳng định phía ông Trump thông đồng với Nga để làm điều gì đó.

Đảng Dân chủ và truyền thông Mỹ chủ yếu lật lại những tình tiết quan trọng khác. Điển hình là việc ông Trump sau khi nghe Jeff Sessions, bộ trưởng tư pháp khi ấy, thông báo về việc ông Mueller sẽ là công tố viên đặc biệt theo đuổi vụ này, thì phản ứng như sau: "Đây là dấu chấm hết cho công việc tổng thống của tôi. Tôi bị chơi rồi".

Cũng liên quan tới chi tiết trên, bản báo cáo của Mueller nói ông Trump đã ra lệnh cho Don McGahn, một cựu luật sư của Nhà Trắng, phải sa thải ông Mueller.

Nhìn chung, câu chuyện quay ngược về cái tình và cái lý, và ông Trump về lý thì không (hoặc chưa) sai. Tổng thống có quyền sa thải bộ trưởng tư pháp, giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) và cả công tố viên đặc biệt như Mueller.

Tuy vậy về tình, chưa thể khẳng định động cơ của các lần sa thải ấy là gì, và vì vậy không đủ bằng chứng quy kết ông Trump gây khó khăn cho cuộc điều tra, tức không phải cản trở công lý.

Dù không thể đảo ngược kết quả, bản báo cáo đầy đủ của ông Mueller nêu trên cũng góp phần làm xấu đi hình ảnh của Tổng thống Trump, theo ý kiến từ phe đối lập.

"Ngôi sao" Assange?

Ngoài việc nhấn nhá các nỗ lực nhằm sa thải Mueller, bản báo cáo này cũng chứa một chi tiết rất quan trọng: ông Trump có tuyên bố biết trước việc email của bà Clinton bị lộ.

Báo cáo trích lời ông Rick Gates, cựu phó chủ tịch chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Trump năm 2016, nói rằng vào cuối mùa hè năm 2016, chiến dịch của ông Trump đã chuẩn bị một chiến lược báo chí, một chiến dịch truyền thông dựa trên khả năng WikiLeaks sẽ tiết lộ email của ứng viên tổng thống đại diện Đảng Dân chủ Hillary Clinton.

Kết quả điều tra của ông Mueller không nói rằng ông Trump biết về việc công bố của WikiLeaks là do tình báo Nga rò rỉ, nhưng xoáy vào những điểm trùng hợp và khoảng trống không thể giải thích xung quanh câu chuyện này.

Cụ thể, tại một sự kiện ở Matxcơva ngày 27-7-2016, ông Trump tuyên bố nhờ người Nga "tìm 30.000 email đang mất tích" của bà Clinton. Lạ ở chỗ trong vòng 5 tiếng tính từ phát biểu của ông Trump nêu trên, tình báo quân sự Nga (GRU) đã lần đầu tiên gửi mã độc tới email của 15 tài khoản trong văn phòng cá nhân của bà Clinton, theo báo cáo.

Lẽ dĩ nhiên, vẫn chưa đủ bằng chứng nói ông Trump hay các tin tặc được cho là người Nga ấy có mối liên hệ nào, và liệu câu nói của ông có vai trò gì trong một vụ tấn công mạng.

Chính vì vậy nhân chứng, nguồn tin sống quan trọng nhất lúc này hẳn phải là... ông trùm WikiLeaks Julian Assange, vừa bị cảnh sát Anh bắt sau 7 năm liền an toàn trong Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh). Và ngay sau khi bị bắt, câu chuyện tiếp diễn là giờ đây ông Assange có bị dẫn độ về Mỹ hay không.

Nói vậy để thấy rằng trong thời gian tới đây, Assange chắc chắn là một trong những nhân vật then chốt trong vụ điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ. Câu chuyện về mối quan hệ giữa WikiLeaks của Assange với Nga, và giữa WikiLeaks với ông Trump sẽ là tâm điểm tiếp theo.

Kết quả điều tra gần hai năm của ông Mueller nhắm vào các điểm chính như sau: Nga có can thiệp bầu cử Mỹ hay không; chiến dịch bầu cử của ông Trump năm 2016 có thông đồng với người Nga hay không; và ông Trump có cản trở việc thực thi công lý hay không.
Ông trùm WikiLeaks bị bắt  - Kỳ cuối: Tương lai nào cho Assange? Ông trùm WikiLeaks bị bắt - Kỳ cuối: Tương lai nào cho Assange?

TTO - Vụ bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks trở nên gay cấn hơn khi việc có dẫn độ ông Julian Assange về Mỹ hay không không còn là vấn đề pháp lý, mà trở thành cuộc chiến chính trị.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên