Julian Assange bị bắt giữ tại Đại sứ quán Ecuador tại London, 11-4-2019 - Ảnh: Sky News
Julian Assange, người thành lập WikiLeaks, bị cảnh sát Anh bắt giữ hôm 11-4, tại Đại sứ quán Ecuador ở London, nơi ông xin tị nạn chính trị từ năm 2012.
Cảnh sát London nói họ thay mặt cho Mỹ bắt ông Assange. Ngay sau vụ bắt giữ, phía Mỹ đã gửi yêu cầu dẫn độ ông trùm Wikileaks. Mỹ từng ra lệnh bắt giữ Julian Assange vì tội danh tiết lộ hàng ngàn bí mật quốc gia vào năm 2010.
Tổng thống Ecuador Moreno viết trên Twitter rằng Ecuador "quyết định chấm dứt chế độ tị nạn với Julian Assange vì vi phạm các quy ước và thông lệ quốc tế".
Tờ Guardian dẫn phát biểu của bà Ingrid Isgren, công tố viên Thụy Điển, về vụ bắt giữ rằng phía Thụy Điển "không hay biết, và không hiểu tại sao lại bắt Julian Assange".
Trước đó, ông trùm Wikileaks xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador để tránh bị dẫn độ về Thụy Điển với cáo buộc xâm hại tình dục. Thụy Điển cũng đã hủy bỏ cáo trạng này.
Rafael Correa, cựu tổng thống Ecuador thời mà Julian Assange xin tị nạn, đã lên án mạnh mẽ động thái của người kế nhiệm ông.
Trên Twitter, ông nói tổng thống đương nhiệm Moreno là "kẻ phản bội lớn nhất trong lịch sử người Ecuador nói riêng và châu Mỹ - Latin nói chung", vì đã cho cảnh sát Anh vào sứ quán Ecuador ở London bắt người.
Cựu tổng thống Ecuador gọi tổng thống đương nhiệm là 'kẻ phản bội' - Ảnh: Twitter
Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Hoa Kỳ (NSA), người đã tiết lộ những bí mật về những chương trình theo dõi người dân của chính phủ Mỹ và Anh, cũng không nằm ngoài cuộc.
Trên Twitter, Snowden cảm thán rằng ngày mà Julian Assange bị bắt cũng là "một ngày đen tối cho tự do báo chí".
Edward Snowden lên tiếng chỉ trích vụ bắt giữ Julian Assange - Ảnh: Twitter
Đồng quan điểm với Snowden, người phát ngôn bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng lên tiếng chỉ trích hành vi bắt giữ người sáng lập Wikileaks là "nắm tay dân chủ đang bóp chặt cổ họng của tự do".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cũng lên tiếng phản đối - Ảnh: Facebook
Theo New York Times, vụ bắt giữ ông Assange mở ra một hướng mới cho các cuộc điều tra phản gián của Mỹ về những nỗ lực của Nga trong việc can thiệp bầu cử tổng thống.
Julian Assange sẽ được đưa ra tòa sơ thẩm Westminster trong thời gian tới. Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Julian Assange sẽ phải đối mặt với 5 năm tù giam. Bộ này cũng xác nhận Mỹ gửi yêu cầu dẫn độ Assange vì "bị cáo buộc xâm nhập máy tính của chính phủ Mỹ".
Tòa tuyên Julian Assange phạm tội tránh dẫn độ về Thụy Điển
Ngay sau khi Julian Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ ngày 11-4, Tòa Sơ thẩm Westminster (Anh) tuyên Assange có tội vì vi phạm các quy tắc bảo lãnh ban đầu tại London.
Sau khi tòa Wesminster ra phán quyết, người thành lập WikiLeaks sẽ tiếp tục bị giam giữ cho đến ngày 2-5, thời điểm ông được đưa ra điều trần lần nữa trước tòa án Vương quốc Anh và xứ Wales. Nếu tiếp tục bị kết án, Assange có khả năng đối mặt với 12 tháng tù giam.
Thẩm phán Michael Snow nói Julian Assange đã thể hiện ông là "người chỉ nghĩ đến bản thân và không thể vượt qua dục vọng cá nhân".
Julian Paul Assange, sinh năm 1971, là nhà lập trình viên máy tính người Úc, thành lập trang WikiLeaks. Ngày 11-4 ông đang bị bắt giữ bởi cảnh sát London (Anh) vì tội trốn dẫn độ về Thụy Điển xét xử tội tấn công tình dục, bằng cách xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador.
Julian Assange lập trang WikiLeaks vào năm 2006. Năm 2010, WikiLeaks làm chấn động thế giới khi công bố hàng loạt tài liệu mật của chính phủ Mỹ. Mỹ điều tra WikiLeaks, và cáo buộc Julian Assange bẻ khóa mật khẩu máy tính Bộ Quốc phòng Mỹ để trộm tài liệu.
Cũng trong năm 2010, Thụy Điển yêu cầu dẫn độ ông Assange vì cáo buộc tấn công tình dục. Ông luôn bác bỏ cáo buộc trên, cho rằng vụ kiện này là nhằm bắt giữ và dẫn độ ông sang Mỹ để xét xử các tội danh tiết lộ hàng ngàn bí mật quốc gia của Mỹ hồi năm 2010.
Từ tháng 6-2012 đến nay, Assange đã sống tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador ở London (Anh) cho đến khi bị bắt vào ngày 11-4, sau khi bị chính phủ Ecuador hủy chế độ tị nạn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận