Tôi nhớ lắm tô phở mẹ làm - Ảnh: THANH THANH
Mẹ tôi là người rất thích nấu ăn, phong cách ngẫu hứng và tự do. Mẹ có một "siêu năng lực" làm được nhiều món rất ngon mà chẳng cần phải đọc qua một công thức nào. Nhờ có năng lực đó, tôi mới được biết tới một hương vị phở độc nhất vô nhị đã gắn liền với một phần ký ức khó có thể nào phai nhạt trong tâm trí chị em tôi.
Hồi còn nhỏ, hôm nào thấy mẹ đi chợ mang về thịt bò tươi và những cục xương bò vàng óng, hai chị em tôi lại bắt đầu háo hức vì biết sắp có "đại tiệc" phở.
Mẹ luôn nói, để làm thịt tái, mẹ lúc nào cũng phải mua thịt thăn hoặc philê mềm, hay đặc biệt hơn nữa là loại bắp hoa có đủ phần thịt, mỡ, gân hẳn hoi.
Hai đứa nhóc tụi tôi cũng thích ăn bò viên nữa, nhưng mẹ rất hạn chế mua và hay căn dặn: "Bò viên ở ngoài người ta tẩm ướp không đảm bảo an toàn. Đồ ăn tốt nhất vẫn phải là do chính tay mẹ làm, biết chưa?".
Mẹ hay treo sẵn trong bếp mấy bao quế, hồi, thảo quả để làm gia vị phở. Tôi hay nghịch, lén lấy vài cái hoa hồi để giả làm bông tai, rồi cẩn thận bỏ vào bao treo lên chỗ cũ. Nhưng giấu đầu thì lòi đuôi, chỉ một lát sau tôi đã bị mẹ phát hiện vì vụn hoa hồi rơi đầy xuống sàn nhà.
Thấy mẹ lấy quế hồi, thảo quả, đinh hương cùng hành tím và gừng đem nướng lên, tôi vô tư dặn mẹ đừng bỏ củ gừng vào phở vì sợ… cay. Mẹ nói gừng sẽ làm cho nước lèo thơm ngon hơn, cụ thể tại sao thì lúc đó tôi chưa thể hiểu, nhưng quả nhiên là nước lèo mẹ nấu ra rất đậm đà và không cay chút nào, nên tôi chẳng còn băn khoăn gì nữa.
Để tạo nên linh hồn cho món phở ngon, mẹ phải trải qua nhiều bước nấu nước dùng rất kỳ công. Xương bò rửa sạch, chần nước sôi rồi để vào nồi ninh. Mẹ đợi sôi, vớt bọt rồi ninh lần nữa để nước dùng không còn mùi hôi của thịt, thêm vào gừng và củ hành nướng, sau đó cứ thế tiếp tục đợi nước sôi, tiếp tục vớt bọt thật kỹ suốt cả ngày trời mới cho ra được nồi nước lèo vàng óng, ngọt thanh đặc sắc.
Và hào hứng nhất vẫn là công đoạn ăn. Hai đứa nhóc tụi tôi luôn "order" hai tô phở không thêm hành giá gì cả. Mẹ chỉ cần trụng bánh phở, cắt lát thịt tái và bắp bò xếp lên tô rồi rưới một vá nước lèo nóng hổi.
Tô phở của mẹ là sự hòa quyện của những hương vị trọn vẹn nhất. Miếng thịt tái béo mềm và ngọt lịm, bắp bò thơm phức, sợi phở dai mềm hòa trong nước lèo tinh túy thấm đượm chất ngọt từ xương.
Chị em tôi ăn khí thế cho đến khi mũi sụt sịt, mồ hôi vã cả ra, và mẹ sẽ nhìn tụi tôi rồi thốt ra một câu như cảm thán mà cũng thương mến vô cùng: "Giời ạ! Ăn gớm nhỉ!".
Tô phở ngày đó ghi dấu trong tôi cảm giác an toàn, bình yên khi được mẹ chăm sóc và chỉ dạy. Hôm nào mẹ nấu phở, cả khu phố nhà tôi đều sẽ biết ngay, không chỉ vì hương thơm của quế hồi lan tỏa khắp không gian, mà vì mẹ sẽ luôn thơm thảo mang vài tô phở sang tặng những hàng xóm thân thiết.
Nhờ được quan sát cách mẹ nấu nướng và chia sẻ những món ăn mình làm, tôi đã hình thành lối sống tích cực và những tiêu chuẩn đặc biệt trong ăn uống. Về sau này, nó chính là nền tảng để tôi đảm bảo được chất lượng sống tốt nhất cho bản thân và cho những người mình thương yêu.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn luôn thấy vui thích vô cùng khi được chia sẻ cho bạn bè ở khắp nơi về cái đẹp, cái ngon của phở. Tôi muốn họ biết rằng phở là một món quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Tôi hạnh phúc khi được chia sẻ với họ sự gắn kết rất riêng của tôi với phở, qua những kỷ niệm đong đầy cảm xúc cùng với tô phở của mẹ năm xưa.
Cuộc thi viết "Phở trong tôi" 2021 hướng đến Ngày của của phở 12-12 diễn ra từ ngày 22-10 và đã ngừng nhận bài từ ngày 25-11. Báo Tuổi Trẻ cảm ơn bạn đọc đã đồng hành, nhiệt tình gửi bài tham gia dự thi. Các bài được chọn đăng có tại link này.
Các giải thưởng sẽ được công bố tại gala chương trình Ngày của phở 12-12 diễn ra ngày 12-12-2021 tại TP.HCM, bao gồm:
* 1 giải nhất: trị giá 10 triệu đồng/giải
* 1 giải nhì: trị giá 5 triệu đồng/giải
* 1 giải ba: trị giá 3 triệu đồng/giải
* 5 giải khuyến khích: trị giá 1 triệu đồng/giải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận