28/06/2014 09:22 GMT+7

Tổ ấm của chủ tàu ĐNa 90152

TRẦM HƯƠNG
TRẦM HƯƠNG

TT - Khi chuẩn bị buổi giao lưu “Phụ nữ chung tay bảo vệ biển Đông” do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TP.HCM) tổ chức, tôi rất xúc động khi biết chị Huỳnh Thị Như Hoa - chủ tàu ĐNa 90152 - dù bận rộn cung cấp hồ sơ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng vẫn cố gắng tham gia.

“Tàu Trung Quốc rất dã man, độc ác...”Trưng bày hình ảnh tàu cá bị Trung Quốc đâm chìm

rMVNU9YQ.jpg
Vợ chồng chị Huỳnh Thị Như Hoa tặng Hội Nghề cá con tàu bị Trung Quốc đâm chìm chiều 26-5 - Ảnh do nhân vật cung cấp

Chị Hoa nói: “Tôi tham gia giao lưu vì muốn gửi tiếng nói đi xa hơn để nhiều người được biết tội ác của Trung Quốc khi họ cho đâm chìm tàu cá Việt Nam. Hơn lúc nào hết, ngư dân chúng tôi cần sự chia sẻ của những tấm lòng, mong sớm đóng lại tàu để ra khơi, bám biển!”.

“Hồn treo cột buồm”

b6WxEyBw.jpgPhóng to

"Tôi không nản lòng vì cuộc đời chúng tôi, gia đình chúng tôi và những người bạn đi biển gắn bó với những con tàu và biển. Tôi không sợ vì mình chính nghĩa, mình đánh bắt trên biển mình. Tàu này chìm thì đóng tàu khác"

HUỲNH THỊ NHƯ HOA (Đà Nẵng, chủ tàu ĐNa 90152)

Bà chủ tàu ĐNa 90152 nhìn bên ngoài trẻ hơn tuổi 37, dù mấy ngày qua phải phơi mình giữa hiện trường, hết tiếp xúc các đoàn nhà báo trong và ngoài nước phỏng vấn đến tất tả ngược xuôi lo cung cấp thông tin, hồ sơ con tàu bị Trung Quốc đâm chìm làm da mặt chị bị bong tróc từng mảng. Chị chân thành nói: “Nhà nghèo, tôi phải nghỉ học khi mới hết lớp 7, đi buôn cá kiếm sống. Thức khuya dậy sớm, đời thiếu nữ của tôi gắn liền với những con tàu cá ở làng chài Thanh Khê”. Ở đây chị gặp anh Trần Văn Vốn - một ngư dân giỏi nghề đi biển.

Mắt chị sáng lên khi nhắc đến chồng: “Con gái làng chài hôi mùi biển. Anh ấy đi biển, “ăn đằng sóng nói đằng gió” cũng quen, nên không chê mùi cá tanh nồng luôn bám vào người tôi. Vậy là chúng tôi nên vợ nên chồng. Anh đi biển, tôi thương anh “hồn treo cột buồm” phải vật lộn với bao hiểm nguy, bất trắc, không chỉ gió to sóng dữ, bão dông mà còn có những con tàu rình rập, gây hấn nên cố gắng lo chuyện nhà mình chu tất. Còn anh lúc lênh đênh trên tàu, thương tôi tần tảo thức khuya dậy sớm buôn bán, vừa nuôi con, lo chuyện nhà, chắt bóp dành dụm. Có lẽ nhờ thương vợ con mà anh có sức vượt qua những cơn bão dữ. Chiếc tàu

ĐNa 90152 bị đâm chìm vừa rồi từng trải qua những cơn bão Chanchu, bão Xangsane. Sau cơn bão, tôi đã nâng cấp tàu từ 130CV lên 450CV để tiếp tục bám biển”.

Ngôi nhà bà chủ tàu ĐNa 90152 ở đường Kỳ Đồng, tổ 20, phường Thanh Khê không chỉ là tổ ấm của gia đình chị, mà còn là một địa chỉ quen thuộc, kết nối mấy mươi gia đình ngư dân. Con tàu bị đâm chìm, chị không chỉ đau xót con tàu có giá trị 5 tỉ đồng bị hủy hoại, mà còn đau xót cho nhiều gia đình lâm cảnh khó khăn khi nồi cơm bị tước đoạt. Chị nói: “Chính trong những ngày này càng phải sát cánh bên nhau. Tôi rất cảm động trước tình người trong và ngoài nước đã hỏi thăm, hỗ trợ tinh thần, vật chất cho chúng tôi. Cả nước đang ở bên chúng tôi. Thế giới cũng ủng hộ chúng tôi. Trong lúc đợi đóng tàu mới, tôi kêu gọi bà con ngư dân ráng vượt qua cái đận khó khổ này!”.

Yêu biển và những con tàu

Tôi hỏi vì sao chị tặng Hội Nghề cá con tàu bị đâm chìm làm hiện vật tố cáo tội ác Trung Quốc, chị nói: “Tàu hư hết rồi. Có sửa lại cũng tốn gần như đóng mới. Hơn nữa, quan trọng hơn, có ích hơn là để mọi người chứng kiến tận mắt kẻ ác. Tàu họ như nhà lầu, tàu mình như nhà lá nhưng họ sẵn sàng đâm mình”.

Bà chủ tàu ĐNa 90152 còn mang trong lòng canh cánh nỗi lo toan nhưng khi nhắc đến hai đứa con, mắt chị sáng lên niềm tự hào. Chị nói: “Gia đình tôi cho đến đời chồng tôi đã bốn thế hệ bám biển. Đến đời con tôi, các cháu muốn chọn một con đường đi khác. Con trai đầu của tôi là Trần Huỳnh Luyến sinh năm 1995, đang du học ở Nhật Bản ngành công nghiệp ôtô. Con gái là Huỳnh Thị Như Tuyết, sinh năm 1999, hiện là vận động viên chuyên nghiệp môn cầu lông, đang tập huấn ở Bắc Ninh. Từ biển, các con tôi đã chọn con đường đi riêng của mình vì lòng yêu thích. Việc chọn nghề của con, tôi không thể bắt buộc! Mấy ngày nay cháu lớn cứ gửi email, gọi điện về an ủi, động viên ba mẹ. Tôi nói với con cứ yên tâm học tập, còn sức là tôi còn ráng bám biển nuôi con, nuôi bạn đi biển”! Riêng chị, tình yêu biển và những con tàu đã lặn vào trong máu.

Chuông điện thoại chị lại reo vang. Những ngày bão dông này, những tấm lòng từ nhiều miền đất nước luôn hướng về chị. Và mỗi khi gọi chị, tôi chợt thấy ấm lòng khi nghe nhạc chờ từ di động của chị vang lên bài hát Tình ta biển bạc đồng xanh của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương: “Thuyền anh ra khơi khi chân mây ửng hồng/Thuyền anh ra khơi có ngại chi sóng gió ơ hờ... ơ hờ.../Em hỏi rằng vì sao anh ra khơi/Bám biển ngày đêm cho màu da anh nắng sậm/Vì mùa xuân tương lai thắm tươi hồng/ Thuyền anh lại về cho cá bạc đầy khoang ơ hờ... ơ hờ...”.

“Phụ nữ chung tay bảo vệ biển Đông”

Sáng 27-6, chương trình giao lưu cùng tên do Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, TP.HCM tổ chức nhân Ngày gia đình Việt Nam 28-6. Tham gia giao lưu có các nhà thơ nữ, các nữ doanh nhân và vợ con các kiểm ngư viên, cảnh sát biển... đang làm nhiệm vụ trên biển Đông. Đó là các nhà thơ Trầm Hương, Huệ Triệu, Huỳnh Thúy Kiều, Lê Tú Lệ với những vần thơ thấm đẫm tinh thần yêu nước. Đó là câu chuyện của chị Huỳnh Thị Như Hoa kể về sự dã man của tàu Trung Quốc khi đâm chìm tàu cá của chị; hay đó là tấm lòng của chị “ve chai” Nguyễn Thị Quý đã may mắn được ra thăm Trường Sa; và đó còn là câu chuyện của người vợ kiểm ngư viên Vương Thị Hà kiên cường, chấp nhận hi sinh để chồng yên tâm ra khơi làm nhiệm vụ...

M.HOA - M.PHƯỢNG

TRẦM HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên