22/11/2021 09:14 GMT+7

Tình người ở lại

PHƯƠNG TRẦN
PHƯƠNG TRẦN

TTO - Khó khăn muôn trùng khi ở giữa tâm dịch, nhưng sẽ học được cách thích ứng. Trải nghiệm giúp tôi nhìn nhận lại vấn đề, nhìn nhận lại cuộc sống. Qua bể dâu hiểu rõ hơn, khó khăn rồi sẽ qua, còn tình người ở lại.

Tình người ở lại - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ tình nguyện chịu nóng bức trong bộ đồ bảo hộ hàng nhiều giờ liền để hỗ trợ chống dịch tại các điểm nóng phát sinh dịch của TP.HCM - Ảnh minh họa: Q.L.

Mong muốn lớn nhất bây giờ là Tết được về quê, được sum vầy với gia đình.

Thích ứng với đại dịch

Sài Gòn đang những ngày lập đông. Những cơn gió heo may vẫn còn muốn ghẹo hàng cây đong đưa, những đám mây nhỏ vẫn lững thững trôi trên nền trời xanh thẳm. Tiết trời vô tư là thế nhưng mọi người lại hối hả, trong ánh mắt vương chút dè chừng mà thấu hiểu với nhau. 

Năm nay nhiều khó khăn, thậm chí mất mát, có thay đổi trong cuộc sống, thói quen mỗi người. Nhưng ai cũng dần phải chấp nhận thôi, học cách thích ứng với đại dịch. 

Những người xung quanh tôi, hay cả tôi học cách sắp xếp cuộc sống, tích trữ, tính toán những đồ cần thiết như thực phẩm, thuốc men, thậm chí cả chất đốt cần thiết để giả sử bị "phong thành", "phong tỏa" vài tuần vẫn có thể cầm cự chờ ngày ổn định lại.

Phương án 3 tại chỗ, lạ mà thương

Nằm trong danh sách tham gia 3 tại chỗ từ đợt 1 hồi cuối tháng 7, tôi sắp xếp đồ đạc, thu vén lại mọi chuyện trong nhà chỉ trong 1 buổi chiều để sáng hôm sau "nhập ngũ chiến đấu, gồng gánh công việc".

Ban đầu nhiều bỡ ngỡ và khó khăn vì lo lắng khi làm việc chung văn phòng, là những ngày đỉnh điểm, thông tin đại dịch ở Sài Gòn tăng nhanh mỗi ngày, nhiều công ty thực hiện 3 tại chỗ, nếu không may 1 người dương tính là thành ổ dịch. 

Ăn uống thì phải cố gắng, thiếu thốn nhiều. Tôi thì đơn giản nhưng nếu được ăn ngon thì tâm trạng sẽ tốt, làm việc hiệu quả hơn.

Ở - thật là nan giải vì trải chiếu tạm nằm ở văn phòng, không dễ dàng với người thích chăn ấm nệm êm, vậy mà cũng giải quyết được hết, tôi mới hiểu hết câu nói "ăn nhiều chứ ở hết bao nhiêu".

Trong công ty lúc này, gia đình, bạn bè, người thân quen lần lượt "tiếp tế" đồ ăn, thực phẩm, thuốc men, dù việc mua bán, giao thương đồ đạc lúc này yêu cầu phải hạn chế hết mức. Người giàu có trong mắt tôi, không phải là người bạc tiền rủng rỉnh, vàng bạc lấp lánh mà là người biết san sẻ tình yêu, thiệt thương quý xiết bao. 

Như có hôm ba mẹ Quỳnh gửi trái cây, cắt ra chia cho mọi người cùng ăn, tự nhiên mình thấy trái cây này sao ngon ngọt quá. 

Anh Thiện mang theo túi cà phê nhỏ, mỗi sáng đều pha rồi chia cho mỗi người một ít, tôi chỉ dám nhấm nháp từng chút vì sợ hết. Chợt nghĩ, có lẽ bộ đội đi B ngày xưa cũng thương tình nhau như thế. Không hẳn là đồ ăn uống, mà là tình người trong lúc khó khăn.

Sau khoảng hai tuần thì mọi người quen dần. Ngoài công việc, bắt đầu thích ứng với cuộc sống. Công ty mình nằm ở ngoại ô, xa thành phố, xung quanh có ruộng lúa, đồng sen, từng cây khế, cây sung, từng nhánh hoa cũng chợt trở nên trữ tình. Cảm giác thân thương quê nhà, tình người lại càng thương hơn.

Bình thường mới, hạnh phúc giản đơn

Sau những ngày làm việc "3 tại chỗ" thì công ty tôi làm việc theo phương án "1 cung đường, 2 địa điểm" thích ứng theo bình thường mới. Công việc nhiều, vô cùng nhiều. 

Tôi hay về trễ, lúc trời sẩm tối. Nhiều hôm bước ra, lại nhớ những chiều làm việc "3 tại chỗ", sẽ đi hái sen, lá hoa về chơi, hái rau rồi tranh cãi ăn như thế nào? Không cần quá hoa mộng, phồn hoa. Hạnh phúc bắt nguồn từ điều giản đơn nhất.

Có những ấn tượng, mình vấn vương mãi thôi. Chị Hồng Thúy nói: "Đây thực là trải nghiệm hiếm có trong cuộc đời. Đối với các em, bước đường đời ắt hẳn sẽ có những điều trải nghiệm khác. Còn chị lần này đi, đoán trước nhiều khó khăn, chị vẫn muốn xông pha "chiến đấu cùng anh em", nhưng không ngờ lại biết thêm nhiều điều hay, lại thương quý thêm nhiều người, mấy tháng nữa chị về hưu rồi, đây có lẽ là kỷ niệm sâu sắc mà chị mang theo mãi mãi". 

Chợt thấy nặng lòng, tôi quay mặt đi, cố giấu giọt nước vô tình rơi, chỉ mong thời gian ngừng trôi, mong bình yên và hạnh phúc đến với chị và mọi người.

Rồi mọi chuyện sẽ dần qua, mọi người cùng động viên nhau mạnh mẽ.

Đường về nhà

Nhà chỉ cách Sài Gòn hơn trăm cây số, nhớ lắm thương lắm, quê hương vẫn dang tay đón chờ, nhưng không dám về, sợ ảnh hưởng đến mọi người trong gia đình và cả quê hương yên bình.

Bố mẹ điện thoại mỗi ngày vì lo lắng, dặn dò đủ điều. Chỉ cần điểm tựa như thế, đã giúp tôi vượt qua những ngày chông gai, lúc tâm trạng chán chường. Lo lắng vẫn còn, nhưng đã mạnh mẽ hơn. 

Tạ ơn trời là mọi chuyện xung quanh tôi vẫn tạm ổn. Gia đình tôi ở quê cũng đã được chích vắc xin, chỉ hy vọng đến Tết này, được về quê với bố mẹ, với gia đình thân yêu, về với điểm tựa vững chắc nhất.

Mong mỗi ngày bình an

Khó khăn, vất vả và ai cũng có những nỗi niềm riêng. Đại dịch giúp mình điềm tĩnh, có cái nhìn thấu hiểu hơn về nhân sinh. 

Trải qua những bể dâu, mất mát, sẽ biết cách yêu thương và tha thứ đúng mực. Tang bồng khắp bốn bể, thực chỉ mong ngày Tết bình an, sum vầy cho bạn, cho tôi, cho tất cả mọi người.

Tình người ở lại - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Các con tôi chắc chắn sẽ được về... Các con tôi chắc chắn sẽ được về...

TTO - Vậy là đã ba năm tôi xa quê. Năm 2018, tôi theo chồng mang con sang "xứ sở sương mù" định cư. Nơi chúng tôi sống là một làng nhỏ nằm ven biển phía tây Scotland, phong cảnh hữu tình, cư dân thân thiện.

PHƯƠNG TRẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Sài Gòn tâm dịch