19/11/2021 13:59 GMT+7

Xin đừng là giấc mơ

NGUYỄN VŨ TUẤN
NGUYỄN VŨ TUẤN

TTO - Huế mưa. Trời như chảy những sợi buồn vắt ngang qua cõi nhớ. Giữa muôn trùng cách ly phong tỏa, kiếp tha phương lại càng cô đơn hơn. Từ căn phòng trọ trông ra, mưa mịt mù bao phủ. Người ta bắt đầu đưa đồ đạc lên cao để đón đợt lũ mới.

Xin đừng là giấc mơ - Ảnh 1.

Ảnh: Tác giả cung cấp

Tôi cũng thấy lòng mình bắt đầu đón một đợt "lũ" mới, nỗi nhớ như nước lũ trào dâng.

Gia đình tôi tha phương hơn mười năm trời, chật vật chốn đất khách, cơm áo gạo tiền nuôi hai đứa nhỏ. Hạnh phúc của tôi đơn giản là tiếng cười rộn ràng trong căn phòng nhỏ.

Hạnh phúc của hai đứa nhỏ đơn giản chỉ là được trở về quê, sà vào lòng của ông bà, được ông bà dẫn đi giữa sân vườn rộng, thênh thang gió mát, ngập tràn tiếng chim.

Mẹ thường tránh khuôn mặt mình - Tôi biết, mẹ khóc

Ước mơ bình dị ấy, giờ nghĩ đến sao mà khó quá. Hạnh phúc với tôi không phải là kiếm được nhiều tiền, hạnh phúc là được trở về với những người mình yêu thương. Tôi biết, mỗi sáng mùa đông, mẹ thường ra vườn nhìn về phương Nam. Nơi xa đó có người con thân yêu của mẹ. Mỗi lần gọi điện, mẹ thường tránh khuôn mặt mình.

Tôi biết mẹ khóc, giọt nước mắt tràn ngập yêu thương và nỗi nhớ. Tôi biết trên thế gian này không gì mênh mông hơn lòng mẹ, dù tôi có trưởng thành thế nào thì mẹ vẫn muốn tôi trở về, sáng đánh thức tôi dậy, nhắc tôi đánh răng rửa mặt, mẹ lễ mễ bưng ra một dĩa cơm chiên. Mẹ biết tôi thích ăn nhiều ớt… mắt mẹ cay xè hạnh phúc.

Giờ nỗi nhớ của mẹ không chỉ là đứa con trai trưởng thành này. Mẹ thương hai cháu nhỏ. Cháu đầu lúc còn nhỏ vì quá khó khăn vợ chồng tôi phải gửi về để ông bà chăm sóc. Mẹ tôi chăm nó, thương nó bằng tất cả trái tim.

Ngày vợ chồng tôi đón cháu vào nuôi, mẹ khóc mấy tháng dài. Đứa sau đang bập bẹ tập nói, thuở sinh cháu, chúng tôi cũng về quê ở với ông bà. Mẹ bế bồng, dỗ dành, yêu thương nó như vàng như bạc.

Xin đừng là giấc mơ - Ảnh 2.

Ảnh: Tác giả cung cấp

Ba tôi

Người đàn ông từng trải, đã chinh chiến khắp núi rừng biên giới và đất Campuchia. Chưa bao giờ ông mủi lòng trước những biến thiên của cuộc đời. Cuộc đời ông tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến. Ông thường mắng mẹ mỗi lần mẹ gọi cho chúng tôi nhưng khóc sướt mướt.

Ông bảo: "Để cho chúng yên tâm mà làm ăn sinh sống, khóc vậy tinh thần đâu nữa". Tôi biết, người đàn ông cứng như thép ấy cũng yếu mềm lắm, cũng da diết nhớ con và các cháu, nhưng cuộc đời từng trải, ông hiểu được rằng đã là cột nhà thì phải vững chãi, không được lay lòng.

Ngày chúng tôi rời Quảng Bình, mảnh đất đầy gió Lào và bão lũ, nhìn trong đôi mắt mẹ buồn nhưng đầy hy vọng, gia đình tôi sẽ trở về và đón giao thừa năm mới.

Xin đừng là giấc mơ - Ảnh 3.

Ảnh: Tác giả cung cấp

Nếu chúng tôi không thể trở về...

Nhưng giờ đây, khi dịch bệnh bao vây, quê nhà Quảng Bình phải gồng mình sau một đợt dịch chưa dập tắt, khắp nơi vẫn còn phong tỏa. Trong khi đó Huế liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm cộng đồng.

Những khu vực xanh vàng đỏ thay đổi liên tục. Chỉ còn khoảng hai tháng nữa là đến Tết. Nếu chúng tôi không thể trở về nhà dịp này, mẹ tôi có lẽ sẽ ăn Tết với nước mắt.

Ba mẹ tôi ở đơn độc trong một ngôi nhà nhỏ, hẻo lánh cạnh bìa rừng. Phía trước nhà, những dòng nước trong vắt soi rọi khu vườn. Những ngày hè, gió Lào thổi hanh hao qua tán lá rừng, lay động mặt nước, lòng người rười rượi buồn mênh mang.

Ba tôi, những vết tích trong chiến tranh làm cho ông không còn khỏe khoắn. Mẹ tôi vì nhớ con, nhớ cháu mà tóc bạc đi nhiều. Tôi biết ước mơ lớn nhất của ba mẹ là làm sao tôi chuyển về gần nhà để công tác. Đó cũng là khát vọng cháy bỏng của tôi.

Nhưng có những chuyện trong đời mình không thể thay đổi được, đành chấp nhận và an nhiên với nó. Giá mà tôi có thể dạy gần nhà, những lúc ba mẹ đau ốm trở trời còn có người lo.

Còn nhớ, tháng trước, ba tự đi xe tới viện, trong tình trạng ngộp thở, chóng mặt. Vào viện, bác sĩ cấp cứu ngay, nong hai chỗ tắc ở mạch vành. Thế mà chờ mọi chuyện xong xuôi, đến khi ba ra viện mới kể cho tôi.

Ba tôi nói: "Báo cho con làm gì, về rồi cũng bị cách ly, lại càng thêm lo lắng". Chao ôi, trong giây phút sinh tử ông còn nghĩ về người khác. Trái tim người cha sao rộng thế? Sao mà kiên cường đến thế?

Xin đừng là giấc mơ - Ảnh 4.

Ảnh: Tác giả cung cấp

Tôi chỉ có niềm hy vọng

Nhiều lúc nghĩ đến cha mẹ, tôi muốn về quê, rau cháo qua ngày, làm tròn chữ hiếu, nhưng lại gồng gánh gia đình và sắp nhỏ, đành sống với khát vọng xa vời.

Tuổi già đếm năm tháng bằng nỗi nhớ con. Lũ trẻ chúng tôi cũng mong trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Thế mà…

Tôi không có phép mầu, tôi chỉ có niềm hy vọng. Đất nước đã kiên cường chống chọi với bao nghịch cảnh, sức mạnh ấy sẽ chiến thắng dịch bệnh. Dịch sẽ tiêu tan, thanh bình trở lại, loài người được giải phóng. Mọi người xóa "K" khoảng cách, họ sẽ gần nhau hơn, tiếp thêm cho nhau yêu thương và năng lượng.

Rồi chúng tôi sẽ trở về vào hôm giao thừa, sẽ ôm choàng lấy mẹ, sẽ nắm tay ba, thật chặt, thật lâu. Những nếp nhăn của mẹ sẽ mờ đi, đôi mắt mẹ sáng hơn, trái tim của ba không còn chậm nhịp.

Tôi biết, mẹ sẽ xoa đầu thằng lớn, và bế thằng nhỏ không rời tay, còn ba sẽ nói chuyện với chúng tôi thâu đêm. Ba sẽ nói về chiến trường, về những người đồng đội sống chết bên nhau.

Ba sẽ kể cho tôi nghe những ngày ba mẹ mới đến bên nhau, đã có lúc bệnh tật, đã có lúc thiếu đói, đã có lúc nhìn lên mái nhà chỉ thấy bầu trời giận dữ giữa bão dông. Và ba sẽ nói với những đứa cháu rằng, ba của chúng ngày xưa dựng một căn lều bên bờ hồ trước ngõ, ngày ngày đọc sách để quyết vào được đại học.

Ba sẽ nói với chúng rằng tình yêu và tri thức mới chính là thứ tỏa hương. Tối hôm đó mẹ sẽ nấu một mâm cơm cúng gia tiên và sau đó chúng tôi ngồi quây quần bên nhau cạnh bếp củi. Những làn khói bay lên, mắt chúng tôi cay xè, và nước mắt chúng tôi sẽ chảy nhưng đó là giọt nước mắt của hạnh phúc, của giây phút quây quần.

Những ý nghĩ đó xin đừng là giấc mơ!

Xin đừng là giấc mơ - Ảnh 5.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Ký ức Sài Gòn qua khứu giác Ký ức Sài Gòn qua khứu giác

TTO - Ấn tượng thị giác thì nhanh chóng và tức thời. Cái nhìn đầu tiên về một con người, sự vật luôn mang lại nhiều cảm xúc nhất. Nên mới có câu "tiếng sét ái tình", "yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên".

NGUYỄN VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên