15/11/2021 11:25 GMT+7

Dìa đây là nghe mùi Tết hà!

EM NGUYÊN
EM NGUYÊN

TTO - Cội mai đứng bên chái tây nhà, thân sần sùi vặn vẹo với vô số cành nhánh vươn ra tứ phía, cứ như thời gian chỉ giúp tích lũy thêm năng lượng sống chứ không làm nó già đi vậy. Cứ đến rằm tháng chạp, chúng tôi lại nhắc nhau lảy lá.

Dìa đây là nghe mùi Tết hà! - Ảnh 1.

Hoa mai - Ảnh: E.N.

Những cành cao vượt khỏi mái nhà, phải bắc một cái thang chữ A, từ đó níu xuống mà lảy. Lá mai cứng còng, xám màu bụi, mọc ken dày, giấu dưới cuống hằng hà những cái "nút" hình tim. Chúng tôi hết trèo lên cao lại luồn xuống phía dưới. Mạng nhện chằng chịt giăng qua mặt, vướng vào đầu tóc. 

Mấy tay lái mai đi qua chép miệng "Độc thiệt!", rồi quăng ra vài cái giá "hết hồn". Cha tôi xua tay "Của người ta gửi". Họ cười "Ông Tám giỡn hoài!", nhưng tôi thì biết cha nói thật, biết cả câu chuyện về nó nữa.

Ngoại ô thời ấy vắng lắm, vườn nối vườn. Hoa mai được nội tôi trồng dọc bờ mương, giữa những khoảng cau. Mai lớn lên thật tự nhiên, không ép tàn cắt ghép theo kiểu bonsai như bây giờ. 

Độ mười mấy tháng chạp, khách Sài Gòn đã lác đác tìm lên. Nhiều người trở thành thân thích với gia chủ nên cứ Tết đến xuân về lại gặp nhau, bày tiệc tùng hàn huyên.

Ông nội tôi cũng có mấy người khách quen như vậy. Tôi nhớ rất rõ. Một vị sư mặc áo nâu, đội cái nón rộng vành bằng nỉ, đi một chiếc mô-bi-lết màu xám, cung cách chậm rãi hiền hòa. Ông đi quanh quẩn trong vườn, thường chọn mai cắt cành cùng vài đọt thuốc vũ có lá màu đỏ sậm. Ông hay kỳ kèo muốn nội tôi khuyến mại thêm vài thứ trong vườn với cái lý "cây nhà lá vườn mà". 

Rồi chú "Mặt Rô", đó là theo cách gọi của nội tôi chứ thật tôi không thấy mặt chú giống tay bồi rô trên bộ bài tây là mấy, chỉ ấn tượng với hai chiếc răng vàng ánh khi chú cười thôi. Chú "Mặt Rô" hay đi cùng một bà đánh son màu cốt trầu đậm lét và cặp lông mày như hai cánh cung giương lên chực bắn. 

Và đại úy Điền. Ông nội kêu như vậy không biết có chính xác không vì với nội tôi, ai mặc quân phục cũng là... đại úy hết. Chú Điền người bặm trợn, chân vòng kiềng, nhìn giống nông dân hơn là một sĩ quan phong thái. Chú vốn xuất thân từ cô nhi viện nên thích gọi ông bà tôi là "tía, má". Giọng chú ồm ồm: "Dìa nhà tía là nghe mùi Tết hà!". 

Chú mê cây mai lắm, nâng niu từng cái nụ, cả buổi cởi trần hì hục bứng, xong rồi ngồi hút thuốc rê của ông nội, nhả khói lên trời. Từ chuyện cây cối chuyển qua chuyện chiến sự, rồi chú ước: "Hòa bình, con dìa cuốc đất, nuôi gà với tía nhen!".

Vài lần, các vị khách ấy gặp nhau. Họ cùng ngồi trên cái bàn đá đặt ngoài sân uống nước dừa và nói chuyện. Cung cách mỗi người mỗi khác nhưng cùng giống nhau ở niềm say mê đối với vẻ đẹp của hoa mai. 

Trong cái cách họ nhìn ngắm, trong những ngón tay nâng niu, cách họ giúp nhau bưng những cây mai lên xe, chằng chéo dây ràng giữ đứng nó, rồi dọn đường để những cái nụ không bị rụng đi vì va quẹt, một cái gì gần như thành kính.

Dìa đây là nghe mùi Tết hà! - Ảnh 2.

Một cây mai ở góc quê nhà - Ảnh: GIA TIẾN

Sau năm 1975, là những năm tháng khó khăn của đất nước mà ký ức của nhiều người vẫn còn lưu mãi. Tết nhứt chỉ ráng lo nồi thịt kho cho con cái, đâu còn ai nghĩ đến chuyện mua một cây mai về chưng. Những người khách Sài Gòn vắng hẳn. Khách quen cũng không có tin tức gì. 

Tết, nội tôi vẫn lảy lá mai đúng vào ngày rằm tháng chạp theo thói quen. Mai nở rực vườn mà không có khách mộ điệu ngắm nhìn. Vườn nhà láng giềng vì vậy đã chặt bỏ hết, thay vào đó là bụi khoai, lãnh rau, còn coi như kinh tế hơn. Nhưng nội tôi nói, không có mai thì giống như không có Tết, năm thiếu hết một mùa xuân.

Một chiều, chúng tôi chút nữa là không nhận ra khi chú Điền xuất hiện, chở theo một cây mai thường ngày nên trông khá xác xơ. Chú ốm và đen, bộ đồ kaki cũ với đôi dép quai kẹp mòn dẹt trả chú về làm một người dân nghèo của phố. Vấn điếu thuốc rê của ông nội, chú ngồi nhả khói, vẻ suy tư. 

"Con kẹt việc làm ăn trên rừng mấy năm, tội, vợ con ở nhà cực quá. Mấy bận đổi chỗ ở nhưng cổ nói thấy con quý cây mai này nhất nên ráng mà na theo. Giờ vợ chồng đoàn tụ, cổ lại bỏ con đi. Ung thư tía à! 

Giờ thì con gà trống bươi móc nuôi con, một mình, vì tía cũng biết, con đâu có ai là thân thích. Buồn lắm. Chắc con sẽ đi!... Một người cậu vợ thấy hoàn cảnh nên bảo lãnh cho mấy cha con đi định cư tía à... Cho con gửi lại tía cây mai...".  

Nói rồi chú đi. Nội dấm dúi chút tiền nhưng chú nhất định không lấy. Tôi nhớ hoài cái vai áo bạc, trĩu xuống, khi chú dắt xe ra cổng, trông đơn độc khủng khiếp.

Dìa đây là nghe mùi Tết hà! - Ảnh 3.

Cây mai ở quê - Ảnh: GIA TIẾN

Mấy mươi năm, cây mai tàn cao tán rộng. Mấy mươi năm với biết bao thay đổi, nhọc nhằn, cơ cực bỏ lại phía sau. Chú giờ là một ông già tóc trắng, bước chân chậm chạp, một chiều cuối năm lại tìm về. 

Ngoại ô hóa phố, khó khăn lắm mới kiếm được nhà. Chú thắp nén nhang trước mộ "tía má", rưng rưng đứng trước cội mai ngày xưa rực rỡ hoa vàng. Bữa cơm ngày 30 có đủ bánh tét, dưa kiệu, khổ qua hầm, thịt kho hột vịt... "Gặp lại mùi Tết rồi!". "Ủa, nghe nói bển cũng đủ hết mà chú?". "Nhưng vẫn là tết Mỹ". Cười. 

Rồi chú hồ hởi nói về cái dự định sẽ về Việt Nam sống những năm cuối đời, dù chẳng có ai thân thích. Chú sẽ trồng cây, nuôi cá, buổi trưa nằm nghe hát cải lương... Quá khứ nhọc nhằn quên bỏ. Con cái lớn thành đạt, đó coi như thành tựu mấy mươi năm trên đất Mỹ của chú. Đời chú đâu đến nỗi là vô nghĩa, hả? Cười. 

Cha mời thuốc nhưng chú không hút. "Tui chỉ khoái thuốc rê ông già. Mà nói chơi thôi, tui bỏ lâu rồi, thằng bác sĩ con nó nói tim ba không khỏe thì không được hút".

Chúng tôi cùng nhắc chuyện xưa, về ngoại ô tươi xanh êm đềm, về ông bà nội nhân từ của tôi, về vườn xưa, những người quen cũ. Những người mà tại góc sân này trong cuộc hội ngộ kỳ lạ, cùng nhìn ngắm hoa mai như một biểu tượng của đất nước thanh bình.

Nhưng rồi cái ước mơ trở về ấy mãi vẫn không thể thực hiện. Dịch COVID quét qua cả thế giới, nước Mỹ, rồi Việt Nam mình cũng không ngoài. Những đường bay tạm đóng. Hai năm dằng dặc với đầy khủng hoảng âu lo. Người ta chẳng thể nghĩ gì khác hơn ngoài nó, con virus corona khủng khiếp ấy. 

Người ta bị ám ảnh bởi những con số tử vong mỗi ngày một tăng trên khắp thế giới. Những hình ảnh từ các bệnh viện, các lò thiêu dày đặc trên báo... 

Ước mơ của chú vì vậy mà trở nên xa vời. Cho đến cái hôm chúng tôi được tin chú đã mất vì đột quỵ trên đất Mỹ. Chú đã không chờ được nữa rồi, cái ngày đoàn tụ với quê hương!

Trong tôi bỗng tràn ngập một cảm giác buồn thương. Tôi như nghe thật rõ ràng cái giọng trầm trầm của chú: "Dìa đây là nghe mùi Tết hà!". 

Cái mùi Tết ấy, là mùi của bánh tét, dưa kiệu, của nhang trầm, khói pháo, thoang thoảng có mà như không của hoa mai, của khói đốt lá vườn trong chiều 30 Tết... hay đó chính là mùi của đầm ấm, yêu thương, của gia đình, quê hương mà chú suốt một đời tìm kiếm!

Tôi nhìn về phía chái tây nhà. Hoa vàng rưng rưng trong nắng ấm, mang hồn mai hay cả hồn người!

Dìa đây là nghe mùi Tết hà! - Ảnh 4.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Mỗi người một chuyện đoàn viên Mỗi người một chuyện đoàn viên

TTO - "Em về rồi mà chưa về nhà". "Gì kỳ cục vậy?". "Dạ, là vừa về tới quê thì người ta đưa đi cách ly tập trung luôn, giờ hai vợ chồng em phải ở đây 21 ngày, mỗi ngày tốn 80.000 đồng anh à".

EM NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên