21/11/2021 09:27 GMT+7

Các con tôi chắc chắn sẽ được về...

LÊ TRẦN THƯ TRÚC (Anh)
LÊ TRẦN THƯ TRÚC (Anh)

TTO - Vậy là đã ba năm tôi xa quê. Năm 2018, tôi theo chồng mang con sang "xứ sở sương mù" định cư. Nơi chúng tôi sống là một làng nhỏ nằm ven biển phía tây Scotland, phong cảnh hữu tình, cư dân thân thiện.

Các con tôi chắc chắn sẽ được về... - Ảnh 1.

Cửa sổ nhà tôi, Tết năm ngoái - Ảnh: Tác giả cung cấp

Được sống ở nơi có môi trường lý tưởng để nuôi dạy hai con, vợ chồng tôi phần nào yên tâm và đặt ra mục tiêu mỗi hai năm về Việt Nam chơi một lần.

Con thích món thịt heo nấu trứng và nước dừa

Tôi nghĩ trên thế giới này không đâu hoàn hảo, chỉ là nơi này phù hợp với cuộc sống của ta nhiều hơn nơi khác mà thôi. Chúng tôi chọn vùng quê vì sức khỏe, vì an toàn và vì muốn con cái lớn lên ở nơi có thiên nhiên bao la. Nhưng nơi này không có người Việt nào khác ngoài tôi.

Sinh ra và sống những năm đầu đời tại Việt Nam, vậy mà giờ đây hai con tôi chỉ còn lại một đối tượng duy nhất để giao tiếp tiếng Việt: mẹ. Tôi quyết tâm duy trì vốn tiếng Việt và ký ức về Việt Nam cho hai con, nhưng thực hiện được điều đó hoàn toàn không dễ dàng chút nào ở nơi này.

Thế mới thấy được vai trò của cộng đồng trong việc duy trì bản sắc quê hương cho trẻ ở nước ngoài.

Một năm sau ngày rời Việt Nam, tôi mừng rơi nước mắt khi nghe cậu con 6 tuổi tâm sự với bà nội: "Con thích ăn nhất món thịt heo nấu với trứng và nước dừa". Tất nhiên, mẹ chồng Tây của tôi không hình dung được đó là món gì nhưng tôi lại cảm động tận tâm can.

Hóa ra con tôi dù đã quen với bơ sữa, với cá tẩm bột chiên và khoai tây rán của Tây, vẫn nhớ, vẫn yêu món ăn của ta. Tôi chợt nhận ra mình vẫn còn cơ hội giữ gìn tâm hồn Việt cho các con. Tôi tích cực dạy tiếng cho con qua sách vở, qua nhạc thiếu nhi trên Internet, khuyến khích con tham gia trò chuyện khi tôi gọi thăm hỏi bố mẹ mỗi tuần một lần...

Vợ chồng tôi chỉ cần thực hiện đúng mục tiêu ban đầu, mỗi hai năm đưa con về quê ngoại chơi để tiếp thêm "lửa" nữa là đủ bài bản.

Dịch COVID-19 ập đến, kế hoạch về Việt Nam của chúng tôi tan thành mây khói. Scotland phong tỏa toàn quốc, đóng cửa trường học. Gia đình nhỏ của tôi phải tập thích ứng với nếp sống mới trong thời dịch.

Cũng may xưa nay tôi làm việc qua mạng, còn chồng là giáo viên, nghỉ vẫn hưởng lương 80% nên chúng tôi không phải lo về kinh tế, chỉ tập trung dạy các con. Ở quê đất rộng người thưa, nguy cơ lây nhiễm không cao, gần nhà lại có đủ đồi, rừng, biển để đi dạo, giải tỏa căng thẳng nên gia đình tôi không bị ảnh hưởng nhiều về sức khỏe và tâm lý.

Chỉ nỗi buồn vì lỡ hẹn đoàn tụ với người thân, bạn bè ở Việt Nam. Mỗi ngày giở sách ra dạy con tiếng Việt mà tôi cứ tiếc nuối lẽ ra đã được về Việt Nam, tụi nhỏ đã được gặp lại ông bà ngoại, mình đã được ngồi quán tán dóc với bạn bè...

Em tôi, bố mẹ tôi, chồng tôi mắc COVID-19

Năm mới 2021, mẹ tôi báo tin: em trai tôi nhiễm bệnh. Em sống ở Phần Lan, xa gia đình nên mấy ngày đầu còn giấu bố mẹ và chị vì "sợ mọi người lo lắng vô ích", đến lúc trở nặng phải đi bệnh viện mới báo.

Nghe em kể do tuyết ngập sâu, xe không vào gần nhà được nên dù đang sốt cao, khó thở cũng phải ráng lội tuyết ra xe để đi viện, bố mẹ và tôi xót xa vô cùng. May mắn kết quả chụp X-quang cho thấy em không bị viêm phổi nên bác sĩ cho về nhà tự cách ly. Hai tuần em tôi chiến đấu với COVID-19 cũng là những ngày bố mẹ mất ăn mất ngủ.

Lần đầu tiên sau mấy năm tha hương, tôi mới cảm nhận được nỗi sợ "lỡ có chuyện gì...".

Em tôi khỏi bệnh thì vài tháng sau Sài Gòn bùng dịch. Ngày nào tôi cũng đọc tin tức, lòng trĩu nặng vì quê hương lâm trọng bệnh.

Thi thoảng mẹ tôi lại báo tin người quen của gia đình mất người thân vì COVID-19. Rồi dì ruột tôi dương tính, bệnh nặng đến nỗi phải vào phòng chăm sóc đặc biệt. Dì tôi xuất viện sau mấy tuần chống chọi kiên cường thì đến lượt chồng tôi ở bên đây "dính" COVID!

Rất may vợ chồng tôi đã tiêm vắc xin đầy đủ nên anh chỉ bị nhẹ, ngạc nhiên nhất là tôi và hai con tiếp xúc gần với anh mỗi ngày mà lại không bị lây. Chúng tôi bảo nhau: "Chắc nhờ vắc xin cả". Mừng là vậy nhưng tôi cũng mơ hồ bất an.

Cuối cùng, điều tôi lo nhất cũng xảy ra: bố mẹ ruột tôi mắc COVID-19. Ngay từ đầu dịch, bố mẹ đã tuyên bố dù có mệnh hệ gì cũng sẽ không báo tin, thân nhân ở Việt Nam sẽ lo giúp hậu sự, đến khi xong hết mới nhắn sang cho chúng tôi, vì: "có báo hai đứa cũng không bay về được, chỉ thêm lo".

Xa cách nhau lúc bình thường đã khổ, trong đại dịch lại khắc nghiệt gấp bội như thế đấy! Người một nhà mà lúc sinh tử cũng không dám báo cho nhau. Biết bao lần tôi vừa xem báo đài vừa khóc, thấy mình bất lực trước mọi sự, chỉ mỗi việc về thăm bố mẹ cũng bất khả thi.

Tưởng tượng cảnh bố mẹ nhắm mắt xuôi tay mà không có con cháu bên cạnh, nỗi khát khao được đoàn viên càng cháy bỏng trong lòng tôi.

Dẫu biết đọc quá nhiều tin tức là không tốt cho sức khỏe tâm thần nhưng tôi vẫn không thể ngừng lại, vì hi vọng sẽ có ngày đọc được dòng tin Việt Nam mở lại đường bay quốc tế, người đã tiêm phòng đủ được nhập cảnh miễn cách ly.

Bao giờ được sum vầy?

Bố mẹ tôi đã khỏi. Cơn bão COVID-19 tạm thời đi qua gia đình tôi mà không để lại nhiều thiệt hại. Chỉ có mong ước đoàn viên chưa thành. Đại dịch đã nhắc nhở tôi một cách đau đớn rằng cuộc đời này vô thường lắm.

Tôi muốn sớm đưa các con về Việt Nam để gặp lại ông bà, để tâm hồn chúng được tưới đẫm chất Việt trong những ngày ở quê ngoại trước khi quá muộn. Vài tháng nữa là Tết, liệu tình hình dịch có ổn định, mọi rào cản có được dỡ bỏ để những người Việt viễn xứ như tôi được về sum họp bên gia đình?

Tết năm ngoái, vì nhớ quê hương da diết nên dù không khéo tay tôi vẫn cố gắng tự trang trí khung cửa sổ phòng khách cho có không khí. Vừa làm vừa nghe nhạc Tết, vậy mà tôi càng buồn thêm.

Chồng tôi thấy vợ thẫn thờ hỏi thăm sự tình xong thì gật gù bảo: "Phải rồi, vì ý nghĩa của Tết không nằm ở nhạc, ở đồ trang trí. Nó nằm ở chỗ cả đại gia đình quây quần bên nhau mà". Tôi đang nước mắt ngắn nước mắt dài cũng bật cười vì anh không phải người Việt mà nói đúng về Tết quá.

Ngước nhìn lên cửa sổ có ba chữ "Tết đoàn viên" mình chọn để nói hộ nỗi lòng, tôi cảm nhận được niềm hy vọng đang len lỏi trong tim. Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, đại dịch nhất định sẽ qua, hai con tôi chắc chắn sẽ được đặt chân lên mảnh đất quê ngoại, sớm thôi!

Cảm ơn bạn đọc đã gửi bài dự thi Đoàn viên sau đại dịch

Nhân dịp năm mới sắp đến, báo Tuổi Trẻ và đơn vị đồng hành Piaggio Việt Nam tổ chức cuộc thi "Đoàn viên sau đại dịch" để bạn đọc gửi những cảm xúc, mong mỏi, câu chuyện về sự sum họp đoàn viên ngày tết, hình dung về Tết năm nay, hành trình để đến gần hơn với sự sum họp. Ngoài ra có những phần quà đặc biệt đến từ Piaggio Việt Nam nếu bạn chia sẻ về những kỷ niệm, dấu ấn khó quên của bạn và gia đình khi rong ruổi cùng Vespa trong dịp tết đến xuân về.

Bài viết dự thi gửi về email nammoi2022@tuoitre.com.vn hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Ghi rõ tham gia cuộc thi viết "Đoàn viên sau đại dịch". Nhận tác phẩm đến hết ngày 15-12-2021, ngoài nhuận bút, sẽ có nhiều giải thưởng có giá trị được trao.

Từ ngày 3 đến hết 20-11, cuộc thi "Đoàn viên sau đại dịch" đã nhận được bài của các bạn đọc gửi đến email nammoi2022@tuoitre.com.vn như sau: Thu Hien, Phú Ngọc, Le Tan Thoi, PATITCo, Nguyen Thanh Nam, Hương Lê, Sen Pham, Thanh Thu Nguyen, Hậu Nguyễn, Tran Van Tam, Khánh Chi Nguyễn, Lê Diamond, Huyen Nguyen, Nguyễn Thị Em, Nhu Tuyet, Huynh Van Anh, Mai Đức Dũng, Duy Tran, Tho Ton, Đoàn Ngọc Kim Châu, Khoa Đình Lương, Nhiên Phượng, Đinh Mơ, Map Minh, Mai Đào, Nguyen Hong Hanh, Nguyen Huu Nhan, Phuong Phuong Tran, Nguyễn Hà Tiên, Trung Mai, Nguyễn Thị Thu Thủy, Vũ Tuấn Nguyễn, Thu Vũ, Sen Pham, Thuy Tran, Only One, Truc Le Brailsford, Mai Bổng, Minh Thịnh Trần, Linh ND, Yến Hoa, Long Trieu, ThuyTienimail, Dao Phan, Hoàng Nam Trần, Ha Hien, Thúy Trương, Tran Qlam, Lê Lê, Nguyễn Thị Thùy Trang, Lê Nguyễn Giao Quỳnh, Nguyễn Thanh Nam, Thuvn, Huyền Nguyễn, Nguyễn Bích Chuyên, Hoang Thai, Đinh Thành Trung, Nguyễn Yến Anh, Phuong Do, Đan Doãn, Lý Thị Dung, Linh Tường Anh, Thảo Nhi Trương, Lâm Nguyễn Thành, Nhung Mai, Francis Hoan Thien, Phạm Thanh Thanh, Tôi Yêu Việt Nam, Trân Bảo, Phạm Trang, Tran Thi Thu Hương, Đi cùng Ka, phan trường, Đình Tuấn Đào, Yên Mai, phương linh nguyễn, Nguyên Thảo, Đinh Thành Trung, Trần Thị Bích Hạnh, vu ta tu, Trang Trần, TNhung Trần Thị, Anh Trinh Phương, Đức Sơn Trần, Xuân Tiến Trần, hm19951990, Phương Thu, Tú Oanh, Thi Thúy Trần, Mai Nga, Ngô Nữ Thùy Linh, Tuấn Trần Lê Anh, Huyền Nga, Tuan bui thanh, Lương Anh, Diệp Bùi, Minh Nguyệt, Sinh Trần, Như Quỳnh, linh pham ngoc linh.

Ban tổ chức

logo doan vien

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Chở má đi thăm chồng Chở má đi thăm chồng

TTO - Ba hy sinh hơn 50 năm. Má không đồng ý sống chung với 3 đứa con mà tự ở một mình trong căn nhà rộng nơi vùng quê yên tĩnh. Cứ đến ngày 25 Tết, má điện kêu tôi về chở đi tảo mộ, thực ra là được thăm chồng.

LÊ TRẦN THƯ TRÚC (Anh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên