Phóng to |
Các nhà lãnh đạo văn học nghệ thuật miền Bắc gặp gỡ giới trí thức và sinh viên Sài Gòn tại Hà Nội vào tháng 9-1975. Trong ảnh (từ trái qua): GS Lý Chánh Trung, nhà thơ Tố Hữu, các anh Lê Quang Vịnh, Lê Văn Nuôi, Huỳnh Tấn Mẫm, nhà văn Nguyễn Đình Thi - Ảnh tư liệu |
Từ trong căn cứ địa bí mật, các cán bộ lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam và Thành ủy Sài Gòn đã lãnh đạo, định hướng cho phong trào đấu tranh “đuổi Mỹ, lật Thiệu” tại Sài Gòn. Những lần vào rừng học tập đường lối cách mạng và phương pháp hoạt động, ngồi trong lớp với khăn che mặt và bức màn ngăn cách với giảng viên, nghe giọng nói, chúng tôi thầm đoán có nhiều cán bộ đã được Đảng biệt phái, mạo hiểm vượt Trường Sơn, cùng nằm gai nếm mật với miền Nam suốt cuộc chiến tranh 20 năm. Sau này mới biết các thầy chính là Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc), Võ Văn Kiệt (Sáu Dân), Mai Chí Thọ (Năm Xuân), Trần Bạch Đằng (Tư Ánh)...
Những đồng đội người Bắc
Cuộc chiến đấu của phong trào thanh niên SVHS trên đường phố Sài Gòn cũng có mặt những người trẻ có gốc từ ba miền Bắc - Trung - Nam. Riêng anh em người Bắc tham gia phong trào có gốc từ những gia đình di dân vào miền Nam trong các năm 1945, 1954 có mặt đông nhất trong tổ chức Thanh Sinh Công (thanh niên sinh viên Công giáo) và Thanh Lao Công (thanh niên lao động Công giáo) và nhiều linh mục như Phan Khắc Từ, Nguyễn Ngọc Lan... cùng sát cánh với phong trào SVHS trong cuộc đấu tranh.
Những giây phút lịch sử Côn Đảo, 1g sáng 1-5-1975, đang cùng bốn người bạn tù nằm chen chúc trong một “chuồng cọp” thuộc trại 7 khu B, tôi chợt nghe lồng lộng trong gió tiếng hô: “Hoan hô Sài Gòn được hoàn toàn giải phóng”. Các anh bên trại 6 thoát ra trước, kéo sang, dùng những cây gỗ to phải ba bốn người khiêng, rồi “hò dô ta, 1, 2, 3...” đập phá những bức tường dày ba tấc tạo thành những lỗ hổng để chúng tôi chui ra. Anh em mừng rỡ ôm nhau hò hét, khóc ròng, ngỡ đây là giấc mơ. Những chàng trai khỏe như chúng tôi được phát súng - lấy từ kho lính gác bỏ lại - ra nằm canh gác dọc bờ đảo. Các chị lo hậu cần, nấu nướng, dùng vải may ruột tượng đựng gạo, phát cho mỗi người một cái thắt quanh bụng đề phòng bị phản công hoặc phải chạy lên núi thì có gạo mà ăn! Rạng sáng 4-5, bỗng xuất hiện nhiều chiến hạm tiến vào bờ đảo đổ quân, bóng người tiến vào rầm rập. Qua phút bất ngờ, định thần lại mới thấy những người lính chạy đầu đều giương cao lá cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam. Thế là chúng tôi bỏ súng, nhào ra ôm chầm lấy các anh bộ đội hò reo. |
Cuối năm 1970, trong một cuộc xuống đường tại khu Đại học Văn khoa, hơn 100 SVHS bị bắt giam. Một ngày sau, tất cả được trả tự do, cảnh sát chỉ giữ lại ba người là Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi và Trần Hoài. Đến ngày bị giam giữ thứ 23, ba anh em bàn nhau tuyệt thực, đòi trả tự do. Nhịn ăn đến ngày thứ sáu, chỉ uống nước đường, chúng tôi không đi nổi, đầu óc quay cuồng. Bỗng sáng ngày thứ bảy, một tốp sĩ quan cảnh sát xuất hiện, mở cửa buồng giam chúng tôi ở khu đặc biệt kiên cố trong Bệnh viện Chợ Quán, tuyên đọc lệnh trả tự do. Sở dĩ chúng tôi được thả là nhờ nhiều cuộc biểu tình của SVHS trong và ngoài nước, nhưng tác động mạnh nhất là cuộc tuyệt thực của nhiều giáo sư đại học ngay tại sân Viện đại học Sài Gòn. Trong đó, có những người Bắc như các giáo sư Châu Tâm Luân, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Văn Trung... và các giáo sư Lý Chánh Trung, Trần
Kim Thạch...
Gần đúng một năm sau, đầu tháng 10-1971, vào một buổi chiều tôi đang lái xe gắn máy trên đường Công Lý thì lại bị vây bắt, bịt mắt, còng tay, ném lên xe Jeep chở đi. Từ đó, tuổi 20 của tôi đã trải qua một hành trình lưu đày dài bốn năm. Ở Chí Hòa, lâu lâu tôi chứng kiến một đoàn tù binh là bộ đội người miền Bắc bị giải tạm qua đây vài hôm, rồi bị chuyển ra Tân Cảng, còng xích trong hầm các chiến hạm hải quân Sài Gòn, đày ra trại giam trên đảo Phú Quốc.
Sau này tôi đã hai lần đến thăm Bảo tàng tù binh Phú Quốc, được xây dựng ngay tại vị trí trại giam năm xưa. Nhìn những chứng tích về sự hi sinh dũng cảm của hàng chục ngàn anh em bộ đội - hầu hết là người miền Bắc - tại ngục tù này, khó ai cầm được nước mắt tiếc thương và cảm phục. Chính quyền Sài Gòn đã không tuân theo Công ước quốc tế về tù binh, họ ngược đãi “tù binh cộng sản”, cho lính quân cảnh tha hồ tra tấn tù binh đến chết bằng đủ loại cực hình khủng khiếp nhất thế gian. Ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn cùng nhiều nghĩa trang khắp miền Nam, còn có biết bao nấm mộ chiến sĩ chưa tìm ra tên tuổi, mà trong đó biết bao nhiêu là những người trai trẻ từ miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam.
Cuộc đoàn tụ Bắc Nam
Vào giữa tháng 8-1975, khi đang cùng một cánh quân của Thành đoàn đi chiến dịch X.2 - “xây dựng chính quyền cách mạng” do Thành ủy và Ủy ban quân quản Sài Gòn chỉ đạo, tôi được lệnh khăn gói trở về trụ sở Thành đoàn chuẩn bị lên đường tham gia đoàn đại biểu nhân dân miền Nam bay ra thủ đô Hà Nội dự lễ Quốc khánh 2-9-1975. Toàn đoàn miền Nam - bao gồm Nam bộ và Trung bộ - ước khoảng 500 người. Dẫn đầu là các vị lãnh đạo Đảng, các tướng lĩnh, anh hùng quân đội...
Nhóm thanh niên gồm anh Lê Quang Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi được Trung ương Đoàn TNCS xin rước về các trường đại học, các ký túc xá sinh viên, các hội trại để gặp gỡ, kể chuyện đấu tranh... với SVHS miền Bắc. Phút cuối của cuộc giao lưu nào cũng có các cô văn công hoặc sinh viên trong tà áo dài nền nã và bím tóc duyên dáng, hát bài Người ơi, người ở đừng về! khiến các chàng trai Sài Gòn không khỏi ngẩn ngơ...
Các nhà lãnh đạo hàng đầu của đất nước đã có mặt đông đủ trong các cuộc gặp mặt thân mật và trên lễ đài Quốc khánh 2-9-1975. Khi bước vào Lăng viếng Bác Hồ, những dòng nước mắt bỗng ràn rụa thấm đẫm gương mặt phong sương của những anh hùng chiến sĩ miền Nam. Họ khóc vì thấy mình may mắn được sống sót qua cuộc chiến tranh ác liệt trong lúc vô số đồng đội đã ngã xuống, để hôm nay mình được hưởng phần thưởng vô giá là ra thủ đô Hà Nội dự lễ Quốc khánh và viếng Bác Hồ. Lúc đứng trước Bác Hồ, nơi có lá cờ đỏ sao vàng bằng đá hoa cương, bỗng dưng trong tôi văng vẳng câu nhắn gửi của bà má miền Nam:
Con ra thưa với Bác Hồ:Đất này chỉ một ngọn cờ vàng sao! ...(thơ Thanh Hải)
Đối thoại 30 tháng 4 30-4-1995, ngày kỷ niệm 20 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, là sự kiện thu hút nhiều nhà báo nước ngoài đến VN. Trong dịp này, nữ phóng viên người Mỹ Katherine Wiheim - trưởng Phân xã Hãng thông tấn AP của Mỹ tại VN từ năm 1994, 36 tuổi - đã gặp phỏng vấn Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Văn Nuôi. * Phóng viên KATHERINE: Đã 20 năm kể từ ngày VN thống nhất đất nước, nhưng đi lại và tiếp xúc nhiều nơi ở VN, tôi vẫn cảm thấy chưa có sự thống nhất thật sự giữa hai miền Nam - Bắc. Còn nhiều khoảng cách về kinh tế, văn hóa, lề lối làm việc, kể cả nhiều người miền Nam không thích giao thiệp với người miền Bắc nữa! Anh có cảm nhận như tôi không? * Nhà báo LÊ VĂN NUÔI: Đối với một đất nước bị chia cắt lâu dài như đất nước VN chúng tôi - gần 100 năm bởi người Pháp và 20 năm bởi người Mỹ, những vết thương do chia cắt gây ra tất nhiên hằn sâu, đau đớn. Để đi đến một sự thống nhất tuyệt đối ở mọi lĩnh vực tất nhiên phải có quá trình lâu dài và không đơn giản. Nhưng nhìn toàn cảnh đất nước ở thời điểm 1995 này, tôi thấy đất nước tôi đang thống nhất hơn bao giờ hết: thống nhất ý chí bảo vệ độc lập dân tộc và toàn vẹn lãnh thổ trên đất liền và biển cả; thống nhất đường lối đổi mới kinh tế của Chính phủ và người dân đang hưng phấn tìm mọi cơ hội làm ăn, sinh sống. Những khác biệt, nếu còn, là do tập quán, phong cách sống hình thành từ những điều kiện và mặt bằng kinh tế, xã hội, địa lý khác nhau. Theo tôi, đó không phải là vấn đề khác biệt cơ bản để có thể gọi là chưa thống nhất hoặc kỳ thị Nam - Bắc! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận